Cổ tích chuyện tình chạy thận: Cắn răng chia tay chồng, vợ; bén duyên sinh tử vì nhau

Phạm Hữu
Phạm Hữu
26/05/2019 13:04 GMT+7

Duyên nợ đã đưa 2 con người trong nghịch cảnh của bệnh tật, tan vỡ hạnh phúc gia đình xích lại gần nhau. Để rồi tình yêu đã chớm nở và có một cái kết như cổ tích thời hiện đại.

Kết duyên nhờ chạy thận

Chị Lý Thu Hạnh (36 tuổi, quê Trà Vinh) phát hiện mình bị suy thận từ năm 2006 lúc đang mang thai đứa con đầu lòng được ba tháng. Cơ thể chị bị phù sau đó đi khám thì bác sĩ chẩn đoán chị suy thận mạn giai đoạn cuối. Vì sức khoẻ quá yếu, không đủ sức để nuôi cái thai, để an toàn cả mẹ lẫn con bác sĩ khuyên chị nên ngưng thai kỳ để tránh nguy hiểm sau này.
Cơn bạo bệnh đổ ập đến với chị như một bi kịch cuộc đời, thế nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại. Người chồng đầu ấp tay gối cũng tìm cách rời xa rồi ly hôn bất chợt. Kể từ đó chị cứ lủi thủi vừa chạy thận vừa lo cuộc sống một mình.
Anh Lê Chí Công (36 tuổi, quê Bến Tre) phát hiện mình bị suy thận vào năm 2009 và bắt đầu chạy thận vào năm 2012.
Khi bệnh càng trở nặng, mỗi tuần, anh phải vào viện chạy thận 3 lần. Khoảng 6 tháng đầu, vợ anh ở cũng ở bệnh viện chăm sóc cho chồng. Sau đó, vợ anh len lén xin về quê mẹ rồi cắt hộ khẩu bỏ đi từ đó. Anh Công biết ý, tình nghĩa vợ chồng đến đây là hết, anh gật đầu cho người vợ đi tìm cuộc sống mới.
Đới với anh Công, chị Hạnh, cuộc đời như hai ngã rẽ giống hệt nhau, rồi cũng đến lúc tìm thấy trong cùng bi kịch.
Chị Hạnh đi chạy thận gần 10 năm ở Bệnh viện Chợ Rẫy còn anh Công chạy được 4 năm, nhưng cả hai không hề quen nhau.
Do bệnh tật, hai vợ chồng phải đeo khẩu trang để tránh nhiễm bệnh từ bên ngoài Phạm Hữu
Cho đến một ngày “duyên trời định” anh Công đổi ca chạy thận nằm liền kề giường với chị Hạnh, cả hai bắt đầu nói chuyện, tâm tình về bệnh tình của nhau. Dần dần hai người tở nên thân thiết lúc nào không hay.
“Ban đầu chúng tôi cũng quen biết nói chuyện qua lại, rồi làm bạn thôi”, anh Công kể lại. “Tiếp đến vô tình ảnh chạy đổi ca, mà lúc đó có mẹ tôi ngồi đó, mẹ đùa nói có ai ưng con gái mẹ mẹ giao luôn. Ai ngờ ổng giơ tay thiệt làm tôi cũng hết hồn”, chị Hạnh nói tiếp lời khoảnh khắc làm nên vợ chồng.
Nào ngờ, sự chủ động và có phần mạnh bạo của anh Công làm chị Hạnh cũng có chút siêu lòng. Sau hôm đó, những lần hẹn hò tại... Khoa Thận nhân tạo ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng nhiều hơn.  
Nửa năm sau, tình yêu họ chớm nở, anh chị cùng nhau về chung một nhà góp gạo thổi cơm. Hai bên gia đình tán thành nhiệt liệt vì 2 bi kịch cuộc đời có cơ hội được gần bên nhau, chăm sóc nhau trong những ngày bạo bệnh.
“Chúng tôi cũng làm mâm cơm ra mắt họ hàng hai bên, ấm cúng, làm nhỏ thôi. Chúng tôi cũng bệnh đau nào có dám rình rang gì đâu”, anh Công chia sẻ.
Mỗi ngày, chị Hạnh canh giờ, đưa thuốc cho chồng uống. Ngoài ra, chỉ đảm nhiệm thêm việc chăm sóc anh Phạm Hữu
Kể từ khi trở về chung nhà, anh Công chị Hạnh thuê căn trọ nhỏ, anh tranh thủ giao nước đá, chị đi bán hàng kiếm thêm. Rồi cứ 1 tuần 3 buổi anh và chị lại chở nhau vào Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận, ròng rã suốt 4 năm kể cả ngày nắng, ngày mưa không bỏ buổi nào.

Món quà bất ngờ còn hơn trúng số độc đắc

Tưởng chừng hai vợ chồng anh Công sẽ chạy thận cầm cự từng ngày, vì cả hai đều có thâm niên chạy thận 10 năm, “án tử” vẫn treo lơ lửng trên đầu cả hai.
Cách đây hơn 1 tháng trong lúc đang giao nước đá, bệnh viện gọi anh Công vào viện gấp, vì có một người đàn ông tim sắp ngừng đập hiến tặng 2 quả thận. Anh Công là một trong số những người phù hợp nhất để nhận món quà này.
“Nghe tin mừng lắm, mình cứ chứ chạy thẳng vô bệnh viện. Vào năm 2012 có trả lời phiếu đăng ký nguyện vọng được nhận tạng, rồi mới sau tết làm lại các xét nghiệm bổ sung để vô danh sách chờ nhận tạng. Nào ngờ mọi việc lại nhanh đến vậy”, anh Công hạnh phúc nhớ lại.
Ngày hôm đó, chị Hạnh nắm tay chồng động viên đẩy anh vào phòng mổ. Chị bên ngoài chị run run, cầu nguyện cho ca mổ được suôn sẻ “tai qua nạn khỏi”.
“Nghĩ ảnh được ghép thận mừng lắm. Nhưng bác sĩ bảo kí nhiều giấy đảm bảo nên cũng lo lắm. Bởi, họ nói quả thận được cho từ người có tim ngừng đập nên chất lượng không thể đoán trước được. Tôi với mẹ ảnh ở ngoài phòng mổ chỉ biết cầu trời, niệm phật mong cho anh bình an”, chị Hạnh tâm sự.
Hiện tại anh Công đã được ghép một quả thận từ người khác hiến tặng và đang trong quá trình phục hồi sức khoẻ Phạm Hữu
Ngày rời phòng mổ đến khi tỉnh dậy chị Hạnh không thể nào diễn tả nổi sự vui mừng khi anh Công tỉnh lại trong phòng cách ly. Anh mỉm cười với chị khiến cả chị và mẹ anh mừng rỡ thở phào sau cả đêm chờ đợi.
“Tôi chẳng khác nào trúng tờ vé số độc đắc, chết đi sống lại”, anh Công nói khi nhớ về khoảnh khắc sau khi ghép thận.
Sau hơn 1 tháng được ghép thận, anh Công phải hạn chế làm việc nặng nhọc, phải cách ly, mọi công việc trong nhà giờ đây chị Hạnh gánh hết. Từ việc cơm nước, chăm lo bữa ăn, viên thuốc cho anh Công, mọi vất vả dồn về phía người vợ, song chị vẫn vui vì không gì bằng việc chồng được khoẻ manh.
“Sau khi ghép, để tránh nhiễm trùng nên phải vất vả xíu thời gian đầu, sau này ảnh khoẻ rồi anh lại lo cho mình. Vợ chồng mà, san sẻ cho nhau, hồi người khoẻ lo cho người đau và ngược lại”, chị Hạnh nói.
Giờ đây, chỉ còn chị Hạnh mỗi tuần đến bệnh viện chạy thận theo định kì. Khi chúng tôi hỏi đến việc đăng kí nhận tạng như chồng, rồi còn ước mơ có đứa con để gia đình thêm vui.
Chị Hạnh lại ngại ngùng, chị chia sẻ việc chạy thận 14 năm ròng rã sợ sức khoẻ không chịu nổi. Với chị lúc này đây được ở bên người chồng cùng sinh cùng tử đã là niềm an ủi đến cuối cuộc đời rồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.