Cụ ông 70 tuổi đạp xích lô thà nhịn bữa sáng còn hơn thiếu... tin tức

An Dy
An Dy
13/10/2020 12:16 GMT+7

Cứ đều đặn mỗi sáng, sau những cuốc xe xích lô chở hàng ở chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng), cụ ông 70 tuổi lại thong thả đạp đến sạp báo “tự động” để “tìm chữ”, để kết nối với thế giới tin tức.

Ông là Trần Văn Phương, ngụ ở một xóm nhỏ thuộc Phường Bình Hiên, Q.Hải Châu. Ông Phương cho biết, tờ báo giấy buổi sáng là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với ông, đơn giản vì ông là dân lao động, lại lớn tuổi, không dùng smartphone để đọc báo được. Với lại, ông quen đọc báo giấy, thói quen từ hồi còn trung niên, giữa những cuốc xe xích lô mưu sinh...

"Chiếc xe chở gió" không bao giờ thiếu báo

Ông Phương kể, từ sau giải phóng, ông tình nguyện đi lao động, xây dựng theo tiếng gọi của lực lượng thanh niên xung phong ở Gia Lai - Kon Tum. Đến năm 1980 ông về lại Đà Nẵng và đạp xích lô mưu sinh đến tận giờ.
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn chỉ một mình đi về mỗi ngày. Suốt 40 năm qua, ngày ngày ông đều đặn đạp xích lô quanh phố... Hành trang của ông là những tờ báo giấy giải trí vì ông vốn bị nặng tai nên không tiện giao tiếp.
Mỗi ngày ông Phương đạp xe quanh quẩn kiếm được vài chục ngàn. Những đợt dịch Covid-19, ông ngồi bó gối một chỗ, không có nguồn thu nhập. Ông tự an ủi, rằng cũng may ở một mình, cũng không chi tiêu ăn uống gì nhiều... Có ngày sáng đạp xe đi đến chiều tối mà không có cuốc xe nào. Người biết ông thì cho gói cơm ăn, ổ bánh mì, chai nước...
Vậy mà sáng nào ông cũng đạp xe ngang tủ đặt báo tự động ở đường Bạch Đằng (Đà Nẵng) và lấy 1 tờ nhật báo. Xe xích lô của ông luôn có sẵn một cái bọc ni lông sạch sẽ, mới tinh để ngày mưa gió gói báo cho khỏi ướt. Nhìn cái cách ông nâng niu, gói gém tờ báo rồi móc lên “chiếc xe chở gió” của ông mà thấy dường như mọi thứ còn lại với ông, kể cả gió mưa bão bùng miền Trung, kể cả mấy mùa dịch bệnh Covid-19, đều nhẹ tênh...

Khi nào trên xe xích lô của ông Phương cũng có sẵn bọc ni lông sạch để gói những tờ báo giấy

AN DY

“Tôi đọc Thanh Niên là những tờ báo đầu tiên. Đến nay cũng đã đâu gần 35 hay 40 năm chi đó rồi. Quen từng cái tên người viết, từng thế hệ. Những mục thời sự xã hội ưu tiên đọc trước. Mục giải trí, văn hóa văn nghệ để dành đọc lúc nghỉ ngơi, thư giãn không có khách. Thiếu ăn chứ không thể thiếu chữ, thiếu báo được”, ông Phương tâm sự...

Thiếu 1 ngàn đồng là đã thấy ngại

Gần 1 năm qua, khi kệ báo tự động của Báo Thanh Niên ra đời (ở 144 Bạch Đằng, Đà Nẵng), là bằng ấy thời gian ông Phương có chỗ mua báo bất kể lúc nào, cả những khi ông chạy chuyến sớm, chuyến muộn. Không khi nào sợ hết báo. Kệ báo với hộc đựng báo luôn được lấp đầy để đợi những người đi “tìm chữ”, tìm thông tin để kết nối với thế giới như lời ông nói.
“Chỉ việc ghé lấy 1 tờ báo, rồi tự động bỏ tiền vào tủ. Rất tiện và đặc biệt lúc nào cũng có báo, không sợ hết, không sợ ngưng nghỉ như sạp”, ông Phương cười hào sảng giữa những ngày mưa gió tơi bời của miền Trung.
Không hào sảng sao được, khi ông, có những lúc chỉ còn vẻn vẹn 5 ngàn đồng trong túi, ông cứ đứng chần chừ trước hộc báo tự động, chỉ vì thiếu mất 1 ngàn. Dù đã được khuyến khích cứ lấy đọc thoải mái hôm nào có bỏ vào cũng được, không có cũng không sao nhưng ông vẫn cứ chần chừ, ái ngại, dù sau đó thể nào ông cũng sè sẹ bù lại số tiền thiếu hụt.

Ông Phương gói gém cẩn thận "bữa sáng" của mình thay cho ổ bánh mì như mọi khi, khi trong túi ông chỉ còn chưa tới 10 ngàn đồng

AN DY

Ông nói, 1 ngàn đồng cũng không bao nhiêu, nhưng cứ phải làm vậy, không sẽ rất khó chịu: “Thùng bán báo tự giác, thì mình cứ tự giác thôi. Cũng chẳng có ai quản... mà không phải của mình cũng không nên lấy”. Có bữa ông Phương chỉ còn đúng 10 ngàn đồng trong túi, ông quyết định nhịn bữa sáng để “món ăn tinh thần” không bị đứt bữa...

Mua xong tờ báo giấy, ông cụ lại tất tả, bươn bả với những cuốc xe mưu sinh ở tuổi "thất thập cổ lai hy"

AN DY

Hình ảnh cụ ông thiện lành, sáng sáng đi tìm tờ báo để kết nối thông tin với thế giới khiến những người trẻ thấy xao xuyến lạ. Niềm vui ở mỗi người đôi khi giản đơn và ắp đầy, vui chỉ bởi mình được sống đàng hoàng, tử tế, không tham gì của ai... Còn chúng tôi vui bởi hành động nhỏ về sự tử tế, thiện lương mỗi ngày của cụ ông đạp xích lô nghèo khó sẽ mãi lan tỏa, viết nên những câu chuyện sống đẹp, kết nối những tâm hồn đẹp cho đời...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.