Dầm mình rực lửa hồng theo con hến giữa nắng nóng miền Trung

11/05/2017 14:02 GMT+7

Bất chấp trời nắng như đổ lửa, nhiều người dân ở Quảng Nam vẫn dầm mình từ sáng đến tối giữa dòng sông Ly để cào hến. Làng hến cũng theo đó rực lửa hồng.

Nằm khép mình bên dòng sông Ly hiền hòa, làng hến ở thôn An Lạc (xã Duy Thành, H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại và rực lửa hồng. Tháng 5 là thời gian “đỉnh điểm” của mùa hến, không khí lại nhộn nhịp khắp cả một làng ven sông.

Chèo ghe giữa dòng sông Ly để cào hến MẠNH CƯỜNG

Vừa tới đầu làng, mùi hến ngọt bùi đã vờn quanh sóng mũi. Trên bến sông, những cặp vợ chồng giúp nhau chuyển hến lên bờ với những đôi tay thoăn thoắt, để kịp giao hến cho khách mặc dù đã sau một ngày ngâm mình dưới nước cào hến vất vả.

Hến sau khi được cào đều bỏ vào thùng xốp MẠNH CƯỜNG

Cồn đất An Lạc thơ mộng được bao bọc bởi những lũy tre xanh nằm giữa dòng chảy của sông Ly. Đây là nơi được ví là cái “mỏ hến” nổi tiếng với vị ngọt và thịt bùi. Đối với người dân nơi dây, “đói no” họ đều nhờ vào con hến.

tin liên quan

Nhớ con hến sông quê
Mỗi lần nhớ nhà, tôi lại hình dung tới dòng Trà Khúc uốn mình lãng đãng trôi ven thành phố Quảng Ngãi. Hình ảnh con sông quê dẫn dắt tôi nhớ tới những con hến nhỏ bé và món ăn bình dị của mẹ.

Sau gần một ngày ngâm mình dưới nước để cào hến, người dân làng hến lại bắt đầu cuộc hành trình mang hến về và bắt đầu công đoạn rửa, đãi sạch hến rồi đem vào lò nấu. Nấu xong là đến công đoạn bốc nhân hến, đóng gói đem bỏ cho các chủ quán bán hàng ăn.

Ngâm mình dưới sông để cào hến bất chấp cái nắng nóng của tiết trời miền Trung MẠNH CƯỜNG

Mùa này lò hến thường phải đỏ lửa từ 12 giờ đêm hôm trước đến 4 - 5 giờ sáng ngày hôm sau để còn kịp giao hàng. Ruột hến thì người ta bán để ăn, nước hến múc đựng vào các thùng nhựa bán cho người dân nấu canh.

Còn vỏ hến thì gom lại nung thành vôi bón ruộng hoặc bán cho người dân trong vùng xay nhỏ và trộn làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tro nấu hến cũng được tận dụng để bán cho nông dân rải vườn trồng các loại hoa màu.

Hến sau khi cào xong thì được đãi kỹ để đưa vào lò nấu MẠNH CƯỜNG

Bà Nguyễn Thị Tư (60 tuổi), một người có thâm niên lâu năm theo con hến, cho biết, khi nấu hến phải để lửa rất lớn, đun đủ “ba sôi, hai trào”, rồi khuấy đều, nấu không khuấy thì hến sẽ câm, không nở. Hến sau khi nấu còn nghi ngút khói sẽ được đổ ra thúng, sau đó đem đi rửa lại một lần nữa cho sạch. Lúc đãi hến, tay phải khuấy thật mạnh để cho ruột còn nằm trong vỏ bung ra.

Dầm mình cả ngày dưới nước, người dân cào hến ở Làng An Lạc cũng kiếm được từ 250 - 300 ngàn đồng để trang trải cuộc sống MẠNH CƯỜNG

Cũng theo bà Tư, nghề cào hến của làng An Lạc đã có từ hàng trăm năm nay. Khi còn là một cô bé, bà đã thấy cha mẹ cầm cào đứng kéo dưới sông. Lớn lên một chút, bà cũng theo cha cầm sào ra sông cào hến về nấu rồi đem đi bán.

tin liên quan

Tam Kỳ được mùa ốc ruốc
(TNO) Bãi biển Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) trở nên nhộn nhịp khi những tiểu thương ùa ra đón hàng từ những chiếc đò khai thác ốc ruốc trở về.

“Làm nghề cào hến này vất vả lắm, nó phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và con nước. Khi trời lặng, nước cạn thì cào được sản lượng nhiều chứ nếu trời chuyển và nước sâu thì chẳng được mấy con, vì hến rủ nhau đi trốn sâu dưới cát”, bà Tư nói.

Hến được đưa vào lò nấu MẠNH CƯỜNG

Bà Tư nhớ lại chuyện xưa và nói thêm thời trước hến nhiều vô kể, chẳng ai phải tranh giành chỗ của nhau như bây giờ, cứ kéo ra sông cắm cào xuống cát chừng năm, bảy phân rồi cứ thế mà kéo chân đi thụt lui, tay giật đều chiếc cào là có hến rồi.

Khuấy đều, để tránh hến bị câm, không nở MẠNH CƯỜNG

Đang tranh thủ đãi hến để đưa vào lò nấu, anh Nguyễn Tấn (38 tuổi), cho hay nghề cào hến này đa phần lớn do đàn ông đảm trách. Nhưng đàn ông khỏe thì lội quanh mấy vòng thì chân tay cũng mỏi đơ. Quanh năm dang nắng, ngâm mình dưới nước nên nhiều người cũng đã mắc các bệnh về xương khớp, đau lưng...

Sau khi nấu nhân hến được bốc ra MẠNH CƯỜNG

“Cào hến toàn thủ công, nên cực lắm. Canh chừng khi con nước ròng thì mọi người bắt đầu tròng cái cào vào người rồi cứ thế ngâm mình dưới sông, đi giật lùi cào hến. Có hôm nước ròng buổi đêm thì cũng phải thắp đèn đi cào, cào từ 8 giờ đêm cho đến 3 - 4 giờ sáng”, anh Tấn chia sẻ.

Sau khi hến chín sẽ được vớt ra MẠNH CƯỜNG

Anh Tấn chia sẻ thêm mùa này là mùa “lộc trời”, vì hến vào thời điểm này được mùa, tuy vất vả nhưng cũng cho thu nhập khá cao. Một ngày chăm chỉ, một người dân ở làng An Lạc cũng cào được hơn 100kg hến trên sông Ly, mang về nấu được 10 - 12 kg ruột, thu nhập từ 250 - 300 ngàn đồng/ngày.

Dù đã có tuổi nhưng nhiều phụ nữ vẫn bám nghề, bởi với họ đói no đều nhờ vào con hến MẠNH CƯỜNG

Nhờ con hến, đời sống nhiều người dân ở An Lạc có phần đầy đủ hơn nhưng cũng như bao nghề lao động chân tay khác, nghề hến lắm bấp bênh và cũng không ít nhọc nhằn. Hiện nay cả làng An Lạc có khoảng 15 hộ với hơn 50 lao động có nguồn thu nhập từ nghề hến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.