Đối thoại về điều chuyển luồng tuyến: 'Chỉ đạo của Sở GTVT Hà Nội không công tâm'

01/03/2017 18:12 GMT+7

Cuộc đối thoại trực tiếp giữa Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội với hàng chục nhà xe bị điều chuyển luồng tuyến sang bến Nước Ngầm đã 'nóng' dần và trở nên lộn xộn khi giữa nhà xe và bộ, sở không tìm được tiếng nói chung.

Ông Nguyễn Văn Thạc, Giám đốc Công ty vận tải Nam Trực, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Nam Định cho rằng, việc điều chuyển chưa hợp lý, gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, thua lỗ nặng nề. Cụ thể một doanh nghiệp có 11 xe bị điều chuyển, tháng thứ nhất bị thua lỗ 325 triệu, tháng 2 bị lỗ 275 triệu đồng.
“Thực tế tuyến Nam Định - Mỹ Đình bị điều chuyển thì Sở GTVT Hà Nội lại cấp phép rất nhiều cho các xe limousine 9 - 16 chỗ hợp đồng nhưng hoạt động trá hình trên tuyến Nam Định - Hà Nội. Việc chỉ đạo của Sở GTVT Hà Nội là chưa công tâm, công bằng, gây bức xúc cho các DN bị điều chuyển, là nguyên nhân chính dẫn đến đình chỉ, đình công các phương tiện ngày 28.2”, ông Thạc nói.
Ông Trần Hồng Quảng, nhà xe tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ, Sở GTVT chỉ ra văn bản mà không kiểm tra thực tế, ví dụ như yêu cầu phí bến bãi, triệt phá xe dù bến cóc nhưng thực tế không thể. “Đề nghị các anh lên bến xe Mỹ Đình xem xe dù, bến cóc mạnh như thế nào sau 2 tháng chúng tôi bị chuyển ra khỏi bến Mỹ Đình. Trước Thanh Hóa chỉ có khoảng 20 xe limousine nhưng bây giờ có cả trăm xe đón, trả khách, ai còn có nhu cầu đến bến xe nữa?”, ông Quảng nói.
Các doanh nghiệp đều đặt câu hỏi về chủ trương điều chuyển của Sở có đúng quy định pháp lý không và đề nghị được ở lại bến xe Mỹ Đình.
"Chính sách không phù hợp thì phải có ý kiến"
Đại diện một doanh nghiệp chất vấn ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: ngày 31.12 có thông báo, tới ngày 2.1 phải điều chuyển, chỉ có một ngày cho DN để thực hiện, tất cả các xe từ Mỹ Đình phải ra ngoài đường, tôi hỏi ông Viện như thế đã đúng lộ trình chưa?
Trả lời các doanh nghiệp, ông Vũ Văn Viện, trình bày khá dài chủ trương chống ùn tắc của Hà Nội. Về thời gian điều chuyển quá gấp, ông Viện cho rằng chủ trương này đã bàn rất nhiều, từ năm 2013, năm 2014 đã trình phương án, 2015 đã họp với các DN, chứ không phải đến cuối tháng 12.2016 mới triển khai, đó chỉ là lúc ấn nút.
Phân tích rõ hơn 5 nguyên nhân vắng khách mà các doanh nghiệp nêu, theo ông Viện, không chỉ Nước Ngầm, các bến khác đều vắng khách, vì người dân có nhiều phương thức đi lại khác, đường sắt cũng tốt lên. Về việc trùng luồng tuyến, ông Viện cho rằng đây là ý kiến đúng, Sở GTVT sẽ đề xuất phương án để thành phố và Bộ GTVT quyết định, theo phương án mỗi tỉnh chỉ đi từ một bến xe. “Xe dù bến cóc, không phải chúng tôi bao che, không xử lý, mà đây là một thực tế mà Hà Nội đang tập trung xử lý. Trong đề án phương tiện quản lý xe cá nhân, sở đang đề xuất Uber, Grab và xe hợp đồng phải có phù hiệu để quản lý”, ông Viện nói. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định việc ở lại bến Mỹ Đình không thể thực hiện được.
Cuộc đối thoại đã trở nên lộn xộn khi nhiều doanh nghiệp không đồng tình với phần trả lời bị xem là dài dòng, không đúng vào câu hỏi của Giám đốc Sở GTVT. Nhiều doanh nghiệp đứng lên tranh luận và yêu cầu ông Viện phải trả lời trực tiếp.
Đại diện một doanh nghiệp hỏi: “Bao nhiêu đối thoại của chúng tôi đút vào ngăn kéo hết. Sở báo cáo đạt tỷ lệ đồng thuận 99%, nhưng thử hỏi xem các anh đã làm đúng pháp luật chưa? Các anh nói gây tắc đường nhưng cơ sở nào nói chúng tôi gây tắc đường. Các nhà xe biểu quyết luôn ở lại bến xe Mỹ Đình, xem Sở và Bộ có báo cáo Chính phủ trực tiếp không?”.
Trước áp lực của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT đã phải đứng lên phát biểu. “Bộ rất chia sẻ với những tổn thương của doanh nghiệp khi điều chuyển luồng tuyến gây sụt giảm doanh thu. Trên thế giới cũng vậy, khi chính sách không phù hợp thì phải có ý kiến. Cơ quan chức năng phải lắng nghe ý kiến thấu đáo của doanh nghiệp, tôi đã ghi chép rất chi tiết”, ông Trường nói.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng lý giải việc phải điều chuyển khỏi Mỹ Đình do bến xe này quá lộn xộn, nhưng ông cũng thừa nhận: “Lỗi từ quy hoạch thiếu tầm nhìn, chậm so với thực tế phát triển của Hà Nội rất nhiều năm. Đáng lẽ đến giờ đã có những bến xe quy mô lớn, khang trang hơn thì đã không phải có cuộc họp hôm nay”. Cũng theo ông Trường, cái sai cơ bản của cơ quan nhà nước là chưa quản được xe hợp đồng, bến cóc, cũng như chưa có xe kết nối các bến.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, Hà Nội không hề muốn doanh nghiệp thua lỗ, bức xúc. Theo ông Hùng, thành phố sẽ chỉ đạo công an kiên quyết xử lý xe dù, bến cóc, giao Tổng công ty Vận tải Hà Nội bố trí tuyến bus để vận chuyển hành khách giữa các bến cũng như xem lại phí bến Nước Ngầm. Hà Nội cùng Bộ GTVT sẽ báo cáo trung thực lên Thủ tướng Chính phủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.