Đưa 2 cô gái vào TT xã hội: Công an nói 'hơi nóng vội nhưng không sai!'

29/09/2017 09:04 GMT+7

'Trong quá trình kiểm tra, anh em công an P.Tam Bình cũng nóng vội khi đưa hai đương sự Nhung và Kiều vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM, nhưng chúng tôi đã làm đúng quy trình', đại diện công an P.Tam Bình nói.

Trung tá Huỳnh Văn Dư, Trưởng công an P.Tam Bình (Q.Thủ Đức) đã có cuộc trao đổi với báo Thanh Niên ngày 28.9 về vụ kiểm tra hành chính quán cafe MU (KP.5) và đưa hai đương sự Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang) và Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) vào trung tâm hỗ trợ xã hội, do cả hai không có giấy tờ tùy thân và không khai báo địa chỉ thường trú và tạm trú.
Công an thừa nhận nóng vội
Theo trung tá Huỳnh Văn Dư, trước sự phản ảnh của người dân và nắm bắt tình hình của đơn vị khu vực xung quanh chợ đầu mối Thủ Đức, hiện có rất nhiều quán cafe, khách sạn, quán karaoke..., tổ chức hoạt động cờ bạc

Công an yêu cầu người dân xuất trình chứng minh thư khi kiểm tra các tụ điểm nhạy cảm như quán cafe, quán bar..., có biểu hiện nghi vấn nhằm xác định nhân thân phục vụ quá trình điều tra. Chứ không phải trường hợp nào công an cũng kiểm tra. Trường hợp không xuất trình được các thông tin trên thì mới buộc đưa người vào Trung tâm hỗ trợ xã hội. Đồng thời, người không mang chứng minh thư cũng bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng, khi người có thẩm quyền kiểm tra.

Trung tá Huỳnh Văn Dư

qua mạng, tệ nạn xã hội. Lực lượng công P.Tam Bình thường xuyên kiểm tra hành chính đột xuất các cơ sở kinh doanh này.
Chiều 18.9, tổ công tác công an P.Tam Bình kiểm tra hành chính quán cafe MU thì hai đương sự Nhung và Kiều không có giấy tờ tùy thân, mới đưa họ về công an phường chờ xác minh.
“Vừa qua, một số báo nêu công an không tạo điều kiện hỗ trợ cho hai đương sự liên lạc với gia đình là hoàn toàn không đúng. Khi chúng tôi đưa hai cô gái về phường, yêu cầu cung cấp thông tin thường trú và tạm trú thì hai cô gái này đều không nói. Điện thoại hai cô gái này đều có mang theo, sử dụng bình thường, chúng tôi không tạm giữ, nhưng yêu cầu liên lạc với thân nhân gia đình xác nhận hoặc đem giấy tờ tùy thân lên bảo lãnh, thì cũng không nhận được hợp tác của cả hai”, trung tá Dư nói.
Cũng theo trung tá Dư, nếu hai cô gái này cung cấp nơi thường trú và tạm trú, bằng biện pháp nghiệp vụ đơn vị sẽ xác minh ngay, biết được nhân thân sẽ không làm khó, dù chờ thêm nhiều giờ vẫn được.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng thừa nhận anh em công an có nóng vội trong quá trình đưa hai đương sự vào Trung tâm hỗ trợ xã hội. Nhưng chúng tôi khẳng định không sai, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm.
Trả lời câu hỏi khi nào thì cán bộ công an được phép kiểm tra giấy tờ tùy thân của người dân, trung tá Dư cho biết, chứng minh thư là giấy tờ mà bắt buộc người dân đủ tuổi thành niên phải mang theo khi đi bất cứ nơi đâu. Công an yêu cầu người dân xuất trình chứng minh thư khi kiểm tra các tụ điểm nhạy cảm như quán cafe, quán bar..., có biểu hiện nghi vấn nhằm xác định nhân thân phục vụ quá trình điều tra. Chứ không phải trường hợp nào công an cũng kiểm tra, nếu vậy thì đã lạm dụng quyền.
“Công an phường thường kiểm tra giấy tờ tùy thân người đi đường vào đêm khuya nếu có biểu hiện nghi vấn. Nếu họ không có giấy tờ tùy thân, sẽ được tạm giữ để họ liên lạc với thân nhân hoặc cung cấp địa chỉ thường trú, tạm trú để xác minh. Trường hợp người được tạm giữ không cung cấp được các thông tin trên thì mới buộc đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội. Đồng thời, người không mang chứng minh thư cũng bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng theo Nghị định 167, khi người có thẩm quyền kiểm tra”, trung tá Dư cho biết thêm.
Bà Nghĩa cho biết vì quá mệt mỏi, sáng nay Nhung (ảnh) đã xin mẹ về quê nghỉ ngơi một thời gian
Phạt từ 100.000 - 200.000 đồng nếu không mang giấy tờ tùy thân
Trao đổi với Thanh Niên sáng cùng ngày, bà Lê Thị Mỹ Nghĩa (54 tuổi, quê Tiền Giang) cho biết, sau khi từ trung tâm hỗ trợ xã hội về, con gái bà là Nguyễn Thị Tuyết Nhung hiện sức khỏe ổn định. Sáng 28.9 con bà sẽ về quê với ông bà ngoại ở quê một thời gian.
“Khi bị tạm giữ thì con gái tôi luôn hợp tác, nếu không hợp tác thì làm sao nó gọi được cho tôi mà báo tin. Tôi chưa kịp tới bảo lãnh thì họ đã đưa con tôi vào trung tâm rồi. Con gái gọi điện thoại cho tôi nói, mẹ có giữ hộ khẩu và chứng minh thư thì lên công an P.Tam Bình (Q.Thủ Đức) bảo lãnh con về. Sau đó chủ quán cafe nơi con tôi ngồi uống cũng gọi thông báo. Giờ con được về thì tôi yên tâm rồi. Tôi cũng muốn cho qua chuyện này”, bà Nghĩa nói.
Kiều cũng được về với gia đình cùng với Nhung sau gần 10 ngày bị tạm giữ tại Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM
Theo luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn luật sư tỉnh Long An), công an chỉ được kiểm tra giấy tờ hành chính người dân theo kế hoạch, hay nghi ngờ vi phạm pháp luật trong địa bàn quản lý, chứ không được kiểm tra tùy tiện vì như vậy là cậy quyền.
Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP quy định công dân được sử dụng chứng minh nhân dân của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát
Trường hợp không mang theo và không xuất trình chứng minh thư, khi có yêu cầu kiểm tra sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a, khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Mức xử lý có thể là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Việc đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội phải có quyết định của cấp có thẩm quyền và phải thực hiện đúng quy trình chặt chẽ. Khi có người thân nhận và xuất trình các giấy tờ về nhân thân người bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội, thì trung tâm này phải có trách nhiệm trả người theo đơn bảo lãnh của thân nhân. Mọi hành vi đưa người vào trung tâm hỗ trợ xã hội sai trái nếu gây thiệt hại đều phải bồi thường.
Thiệt hại bao gồm về vật chất và tinh thần. Vật chất thì thiệt hại bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu. Thiệt hại tinh thần thì được bồi thường không quá 30 tháng lương. Đương sự có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường tại tòa đối với đơn vị làm sai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.