Đường về Đất Mũi mùa Tết

22/01/2017 13:33 GMT+7

Non mùa gió chướng lao xao cuộn lá bần ngọn đước, đẩy nước ròng róc rách bờ kinh... ấy là tết sắp về nơi cuối trời Đất Mũi. Tết này đường Hồ Chí Minh đã nối liền đoạn Năm Căn - Đất Mũi, nên gió cũng thênh thang mời gọi mùa xuân sớm về...

Hết đứng “mình ên một hướng”
Ông Trương Văn Xệ, Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi (H.Ngọc Hiển, Cà Mau) gắn bó cả đời với mảnh đất chót cùng Tổ quốc, nên rành mấy câu vọng cổ, tất cả mọi bài thơ - lời hát về Cà Mau. Nói chuyện với tôi, ông Xệ cười ha hả: “Phi Nhung hát: Em đứng mình ên một hướng duyên dáng chào khách lạ ngàn phương. Giờ thì hết mình ên vì quốc lộ nối đến tận nơi, khách khắp nơi đổ về quá trời quá đất...”.
Thời khắc kết thúc “mình ên” là ngày 16.1.2016, lần đầu tiên cả đoàn xe hơi xuyên qua xóm Rạch Tàu về chót mũi Cà Mau khiến người dân đổ hết ra đường hít bụi, ngắm và sờ... xe hơi.
Phi Nhung hát: Em đứng mình ên một hướng duyên dáng chào khách lạ ngàn phương. Giờ thì hết mình ên vì quốc lộ nối đến tận nơi, khách khắp nơi đổ về quá trời quá đất...
Ông Trương Văn Xệ, Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi (H.Ngọc Hiển, Cà Mau)
Đường Hồ Chí Minh thông tuyến, Đất Mũi thoăn thoắt thay da đổi thịt: nhà xây xóa dần "xóm nhà không cửa"; xe hơi đậu bên giàn phơi cá khô, đèn pha xe tinh nghịch chiếu sáng từng vách lá đêm khuya, lấp đi cảnh ngơ ngác diệu vợi đêm khuya khi ca nô cao tốc ngừng chạy tối đêm hồi trước... và đám thanh niên, hết thời la đà nhậu nhẹt, "hái lượm" ở vùng ven biển để cuống quýt học lái xe, làm điện hoặc bàn dựng quán kiếm tiền từ du khách.
Má Bảy ở ấp Khai Long khoe: Hằng tháng, mấy người lớn tuổi bao nguyên chiếc xe 7 chỗ lên TP.Cà Mau mua sắm, khám bệnh. Xe chạy nhanh, máy lạnh ro ro lại không phụ thuộc giờ giấc ca nô như trước, tiện lợi trăm bề.
Chủ tịch UBND xã Đất Mũi Võ Công Trường gật gù: Nhờ có con đường mà năm 2016, tổng sản lượng khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt gần 10.000 tấn, thu nhập bình quân đầu người gần 30 triệu đồng/người/năm và đặc biệt, lượng khách đến khu du lịch Đất Mũi, Khai Long tăng đột biến, bình quân trên 600 lượt người/ngày.
“Đường sá phong quang thuận tiện, năm nay quyết tâm hạ số hộ nghèo, cận nghèo để Đất Mũi nở mày nở mặt với các xã phía sau”, Chủ tịch Trường cương quyết và cười: “Hết lạch tạch xuồng ghe, Đất Mũi mình ên, có khi cũng nhớ”.
Tết này hàng bán vù vù
2 năm trước tôi bó gối 3 tiếng đồng hồ trên chiếc ca nô chở người chen với hàng từ TP.Cà Mau xuống TT.Rạch Gốc (Ngọc Hiển, Cà Mau). Hồi ấy, trung tâm thị trấn dường như chỉ là quán phở đầu chợ - nơi những người được gọi là khá giả và cán bộ xã thường đến mỗi sáng, vừa ăn bát bánh thái to tú hụ, uống thứ nước đùng đục mùi ngô rang quen gọi là cà phê, vừa bàn chuyện công việc, ầm ĩ cả bãi bồi cửa sông.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo TT.Rạch Gốc thấy tôi tròn xoe mắt lượn khắp thị trấn toàn nhà tường nhưng mái lá ọp ẹp, đường bê tông sứt sẹo vì xe lôi, xe cút kít chở cá tanh nồng và xe gắn mắy là thứ hiếm hoi ở vùng “có sông vắng đò”, bèn bật cười: “So với 20 năm trước chúng tôi ngồi đò nửa ngày từ TT.Năm Căn, đây là thiên đường”.
Thuở ấy, những cô giáo vào từ miền Bắc đều bật khóc khi đặt chân lên đất Ngọc Hiển, bởi không tưởng tượng nổi mình sẽ sống - làm việc ra sao giữa những túp lều dựng bằng đước ven bờ kinh nổi váng phèn và đám trẻ con đen cháy, cởi truồng, chỉ đợi cô giáo quay lên bảng là lao xuống kinh bơi thoăn thoắt trốn về... Riết rồi quen, cũng như bọn trẻ riết rồi cũng say mê con chữ, đến mức những giờ học mùa mưa, chỗ nào không dột là chúng quay sách về phía đó, tịnh không đứa nào bỏ học và cũng tịnh, không thầy cô nào bỏ Cà Mau ra bắc.
Cô giáo Hằng nheo mắt: “Tròn 1 năm có đường nhựa, dân thị trấn sắm vài chục xe hơi” và thật thà: “Nhìn nhà để xe gắn máy, vẫn tưởng trong mơ”. Ông Võ Văn Chưởng, Phó chủ tịch HĐND TT.Rạch Gốc (H.Ngọc Hiển, Cà Mau) thì cười: “Năm nay đường sá thuận tiện, dân Rạch Gốc sẽ giàu vì khô cá biển”, rồi tỉ mẩn: Nghề làm cá khô gắn liền với nghề khai thác hải sản, mang hương vị riêng biệt của vùng cực Nam Tổ quốc.
Từ giữa tháng 10 âm lịch, cư dân khóm 8, TT.Rạch Gốc tất bật xe phơi các loại khô cá khoai, cá lưỡi trâu, cá hố, cá lù đù, cá đuối, cá ngác... từ các loại cá tươi được thu mua từ các ghe đáy hàng khơi. Hồi chưa có đường nhựa, hàng khô bán cầm chừng vì công vận chuyển, thời gian đi lại.
Tết này, hàng bán vù vù khiến các cơ sở chế biến đôn đáo kiếm người làm. Với giá bán các loại cá khô từ 40.000 - 400.000 đồng/kg, thì số 3 tấn cá khô chuẩn bị cho thị trường Tết Đinh Dậu này mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân vùng cửa sông Rạch Gốc.
Trung tá Lê Đình Sơn, Đồn trưởng Biên phòng Rạch Gốc khoe: “Có con đường, người dân nhậu nhẹt quay ngoắt sang làm giàu”.
Dì Tư An trò chuyện với cán bộ Đồn biên phòng Đất Mũi
Tình người nối Rạch Tàu
Dì Nguyễn Thị Ngọc Thúy năm nay 58 tuổi, nhà ở ấp Kinh Đào Đông (xã Rạch Tàu, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) chênh vênh ven kênh Rạch Tàu thường được người dân địa phương gọi bằng cái tên thân thuộc “Dì Tư cầu đò”.
Rổn rảng, dì Tư kể: “Chục năm trước, dân ở đây khổ quá trời. Bệnh tật 10 thì chết 7 - 8. Trạm y tế có cũng như không, từ nhân viên cho đến thuốc men, dụng cụ chữa bệnh. Ai ốm đau, muốn sống phải chở xuồng lên tận bệnh viện trên Năm Căn. Chứng kiến nhiều người chết vì không có phương tiện đi chữa bệnh, dì Tư dùng chiếc vỏ lãi duy nhất trong nhà để chở người bệnh. Ban đầu, dì mặc cả: “Tôi giúp vỏ lãi bà con chung tiền xăng dầu nghen!”, nhưng càng giúp, càng thấy nhiều người nghèo, nên việc “chung xăng dầu” cũng chỉ họa hoằn mới lấy.
Năm 2013, dì Tư mua con thuyền lớn giá 80 triệu đồng, cải tiến thành phà, chở người xe qua lại giữa hai bờ kênh Rạch Tàu với giá 5.000 đồng/xe máy, 2.000 đồng/xe đạp, 1.000 đồng/người. Riêng sắp nhỏ đi học và người già, dì miễn toàn bộ. Được vài tháng, dì Tư tiếp tục miễn phí tiền phà cho người đi công tác, với lý do: “Anh chị em cũng đi làm việc chung cho bà con Đất Mũi, mình phụ giùm cho họ yên tâm lo việc”.
Bây giờ thì chiếc phà của dì Tư đã vãn khách bởi cầu Rạch Tàu đã nối 2 bờ, kéo dài đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) từ tháng 1.2016. Cán bộ công tác từ tỉnh, huyện, giờ ngồi trên xe hơi chạy rẹt cái về UBND xã, ngang qua Rạch Tàu vẫn thấy bé tí chiếc phà lợp lá dừa lạch tạch, kiên nhẫn qua lại những dãy nhà san sát bám bờ kinh. Dì Tư cười: “Vẫn phải chạy phục vụ bà con. Từ đây lên cầu gần 1 cây số vòng vèo, xăng dầu nào chịu thấu” và lại cười: “Xứ Đất Mũi cách trở bao đời, giờ có đường tiện làm ăn nhưng khó mà giàu ngay được, nếu không dựa vào nhau mà sống”.
Cuối năm, tôi về Rạch Tàu ngồi trên nhà dì Tư thả chân xuống mặt nước đục ngầu màu phù sa, ngắm đàn cá thoi loi mắt dẹt ngó nghiêng như hỏi: “Ai đến Đất Mũi đây ta?”, nghe dì kể: Đầu tháng 10, gió chướng ngàn ngạt thổi, trái mắm chín rụng tia lia mặt sông, cá dứa từ biển lội vào sông tìm ăn trái mắm là người Đất Mũi lại nôn nả chống thuyền len lỏi trong rừng mắm dùng lao đâm cá.
Bao năm trước, cá dứa chỉ là món ăn qua ngày trong bữa cơm bập bõm nước phèn - muỗi rừng của người Đất Mũi. Nay, khô cá dứa đã thành đặc sản chuyển đi khắp nước, giống như Đất Mũi chuyển mình gần gũi, cho mọi miền về với nơi duy nhất: Điểm chót cùng Tổ quốc Ngọc Hiển - Cà Mau...
Ðường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Ðất Mũi thông xe kỹ thuật vào ngày 16.1.2016, kết thúc thế "ốc đảo" cho H.Ngọc Hiển. Ðoạn đường này khởi công từ tháng 5.2009, với tổng kinh phí trên 3.540 tỉ đồng, khi đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho cả nước nói chung và Cà Mau nói riêng. Ðây là đoạn cuối của đường Hồ Chí Minh, công trình trọng điểm quốc gia, nối liền mạch đường bộ từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến mũi Cà Mau, tổng chiều dài 3.183 km.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.