Gánh bún chị Thủy, 25 năm nức tiếng phố cổ Hà thành

25/09/2016 09:39 GMT+7

Đã 25 năm phục vụ bún mọc, gánh bún Thủy ngày nào bán để nuôi em ăn học vẫn giữ phong vị cũ.

Những năm 70 của thế kỷ trước, những ai sống ở phố cổ Hà Nội đều biết đến làn xôi chè và gánh cháo phổi của bà Nga ở ngã tư Tạ Hiện cắt Lương Ngọc Quyến, Q.Hoàn Kiếm.
Bà là người Hà Nội gốc, nhà có 4 người con. Làn xôi, gánh cháo khi ấy của bà nuôi cả gia đình. Tới năm 1984, bà mất khi mới 41 tuổi, cô con gái cả tên Thủy lúc ấy 16 tuổi, con út mới hơn 10 tháng tuổi. Chị Thủy từ đó gánh sứ mệnh lo cho các em.

tin liên quan

Bún bò Huế ở Sài Gòn cho người không phải... Huế
Ở Sài Gòn, bún bò Huế cũng đa dạng như người dân tìm đến thành phố này. Có quán vẫn giữ được hương vị xưa, có quán thì thêm thắt cho hợp với khẩu vị của người không phải… Huế.
Gánh bún Thuỷ ra đời vào đầu năm 1985. Chị Thủy ngồi nhờ ở cửa nhà đầu ngã 4 Lương Ngọc Quyến cắt Tạ Hiện. Bà cụ bán nước biết hoàn cảnh gia đình nên giúp bằng cách cho ngồi nhờ ở đó. Gánh bún ban đầu chỉ đơn giản là bún sườn, mọc ăn với măng chua.
Mọc của Bún Thủy viên bằng thịt băm được giã bằng tay chứ không dùng cối Ảnh: Việt Nguyễn
Sau này, chị Thủy cải biên cho thêm cuống tim và cật. Chị nấu ngon, mọi thực phẩm đều tươi, nên cũng nhanh chạm tới khẩu vị của người sành ăn sinh sống ở phố cổ. Cuộc sống cũng bớt đi nhọc nhằn và khó khăn, các em chị vẫn được ăn học đầy đủ. Thiếu đi tình cảm của người mẹ, nhưng bù lại, chị đã thay mẹ chăm lo cho 3 đứa em.
Gánh bún của chị bán được 20 năm thì chuyển vào ngồi thuê ở số 8 Tạ Hiện. Rồi 10 năm trở lại đây, chủ nhà đòi lại mặt bằng, chị lại chuyển vào nhà số 10C ngõ Đào Duy Từ và mở thêm cơ sở thứ 2 Bún Thuỷ ở 128 Trần Nhật Duật.
Công việc của Bún Thuỷ bắt đầu từ 5 giờ sáng. Nước dùng được ninh từ lúc đó. Mọc được làm tươi và viên liên tục trong buổi sáng bán hàng. Rất lạ là giờ hầu như mọi hàng thịt đều sử dụng máy xay các loại thì Bún Thủy vẫn tiếp tục ngồi băm thịt làm mọc.
Mọc có hai loại. Có loại viên giò nấm, có cả loại thịt nạc vai băm nhuyễn trộn với nấm, mắm, hạt tiêu. Sườn thơm ngon, mỗi miếng to bằng 3 ngón tay, thịt mềm vừa, không bị nhũn. Miếng sườn chỉ vừa mềm ngọt là dừng lại. Tim, cật cũng là loại bình thường nhưng quán khéo chọn nên ăn rất thơm ngọt mà không bị bã.
Khi dọn hàng, Bún Thủy có đến mấy nồi nước. Nồi nước dùng thơm ngon, nhìn sóng sánh, ăn có vị hơi ngậy. Nồi trần tim cật riêng để tránh không làm hoi vị nước dùng chan bún. Đặc biệt, khi mọi người đang sợ măng ngâm hóa chất đến chết khiếp thì măng của chị được đặt riêng và đảm bảo vệ sinh. Măng trắng thái lát dài theo chiều dọc, ăn không bị xơ và chua. Bún cũng được đặt riêng, sợi hơi to.
Nhiều người dân phố cổ cho biết họ đã ăn bún chị Thuỷ 25 năm qua. Thời gian dài thế mà chưa thấy quán vì tham lợi nhuận mà làm mất đi “bản sắc “ của thương hiệu Bún Thuỷ.
Hàng bún ấy vẫn cứ chậm chậm trôi qua bao thời gian, vẫn tinh tế như ngày nào, nhất quyết kinh doanh bằng chính cái tâm của người làm ra nó. Nhưng thương hơn nữa là trong họ lúc nào cũng có hình ảnh cô chị cả bán bún nuôi các em.
Bây giờ Bún Thủy có đến 3 cơ sở. Một ở Đào Duy Từ, bán từ sáng đến trưa, một ở Trần Nhật Duật bán từ sáng đến chiều phục vụ khách phố cổ Hà Nội. Cơ sở thứ ba xa tắp ở tận Phố Sài Gòn nhỏ, quận Cam Cali (Hoa Kỳ), nơi có nhiều Việt kiều. Vị bún Hà Nội mang theo sang cả đó. Ở Hà Nội, giá cả Bún Thủy không cao, không thấp. Bún sườn mọc 35.000 đồng/bát, bún thập cẩm 40.000 đồng/bát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.