Hạ Long muốn làm thang máy, biểu tượng cờ Tổ quốc trên núi Bài Thơ

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
14/06/2019 11:50 GMT+7

Chính quyền thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đang lên phương án xây dựng công trình biểu tượng cờ Tổ quốc cao 60 m trên đỉnh núi Bài Thơ .

Ngày 14.6, thông tin từ UBND thành phố Hạ Long cho biết, địa phương này đang thẩm định phương án thiết kế công trình biểu tượng cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Bài Thơ của kiến trúc sư El Salvador, với hệ thống thang máy đưa du khách lên đỉnh núi để ngắm nhìn toàn cảnh vịnh Hạ Long.
Theo thiết kế, hệ thống thang máy được xây dựng ở khu vực Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Quảng Ninh (cạnh chợ Hạ Long I). Từ đây, thang máy sẽ đưa du khách lên đỉnh núi, nơi có biểu tượng cờ Tổ quốc cao 60 m, làm bằng kim loại. Trên đỉnh của công trình là hệ thống ban công rộng hơn 1.000 m2 và tại đây du khách có thể ngắm vịnh Hạ Long bằng ống nhòm.
Phối cảnh công trình trên núi Bài Thơ Ảnh N.H
Ông Nguyễn Công Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Hạ Long, cho biết công trình biểu tượng cờ Tổ quốc sẽ không sử dụng nguồn ngân sách mà giao cho một tập đoàn đầu tư theo hình thức xã hội hoá.
"Theo thiết kế của kiến trúc sư El Salvador thì đây là công trình táo bạo, có thể là điểm nhấn ấn tượng cho đô thị của Hạ Long. Tuy nhiên, do núi Bài Thơ có địa chất phức tạp, xung quanh là các công trình tâm linh, di tích lịch sử, trên đỉnh luôn có gió lớn nên chúng tôi sẽ báo cáo tỉnh để xin ý kiến đối với thiết kế này", ông Huy nói.
Theo sử sách, xưa kia núi Bài Thơ có tên Dọi Đèn, là vọng gác trọng yếu của cửa ải Đông Bắc hàng trăm năm trước. Tại núi Dọi Đèn luôn sáng đèn cho thuyền bè vào bờ; khi có giặc, đây là nơi đốt lửa báo tin về kinh đô. 
Trên đỉnh công trình có ban công cho khách ngắm vịnh Hạ Long Ảnh N.H
Mùa xuân năm 1468, vua Lê Thánh Tông đưa quân đi tuần ở vùng biển đông bắc có dừng thuyền ở chân núi. Xúc động trước cảnh đẹp nơi đây, vua Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên vách đá.
Đến năm 1729, chúa An Đô Vương Trịnh Cương, một nhà thơ có tiếng thời Lê - Trịnh, khi đi tuần đã đọc bài thơ của vua Lê Thánh Tông, bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú, cũng được khắc ở sườn núi. Từ đó, ngọn núi có tên là Bài Thơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.