Người miền Trung lên Facebook 'than trời' vì hóa đơn tiền điện, cam chịu nóng bức

18/05/2019 13:31 GMT+7

Hoảng hốt khi nhận hoá đơn tiền điện tăng vọt, mặc nhiệt độ những ngày đầu hè lên đến gần 40 độ C, nắng nóng hoành hành nhưng các gia đình vẫn kiên quyết lập “lệnh cấm” đối với thiết bị điện làm mát.

Dân mạng 'khóc thét' vì tiền điện tăng

Trong khoảng 1, 2 ngày trở lại đây, khi ngành điện lực bắt đầu nhắn tin thông báo về cước tiền điện tháng 5.2019 tại Quảng Trị thì cũng là lúc người dân địa phương này lên mạng xã hội “khóc thét” về số tiền họ phải nộp. “Nó quá nhiều so với những tháng trước. Tại sao chúng tôi lên Facebook gào thét ư? Chúng tôi còn biết kêu với ai nữa đây, ngoài việc bày tỏ sự bức xúc ở đó!”, chị L.T.H (một giáo viên ở TX.Quảng Trị, Quảng Trị) ngao ngán phân bua.
Theo như chia sẻ của chị H. trên trang cá nhân, theo thông báo của ngành điện, sản lượng điện tiêu thụ của gia đình chị tháng 5 là 907 kWh nên chị phải trả số tiền hơn 2,3 triệu đồng.
“Nếu so với thu nhập của 1 giáo viên tỉnh lẻ, đó thực sự là một con số không nhỏ”, nhiều người đọc đã chia sẻ với những bức xúc của chị H. Và với những câu thắc mắc: “Dùng điện gì nhiều thế?” của bạn bè quan tâm, chị H. cũng chỉ biết trả lời ngắn gọn: “Chịu!”.
Thông báo tiền điện tháng 4, tháng 5 của chị L.T.L (TP.Đông Hà) THANH LỘC
Ấm ức không kém, chị L.T.L, một cán bộ văn phòng tại TP.Đông Hà cho biết, do biết giá điện thay đổi nên gia đình đã có ý thức trong việc tiết kiệm nhưng khi nhận thông báo tiền điện của ngành điện lực qua tin nhắn mới hay số tiền phải trả của tháng 5 là 855.000 đồng, cao hơn rất nhiều so với tháng 4 là 532.000 đồng.
Ngoài “kêu ca”, còn có 1 luồng ý kiến khác trên mạng xã hội về tiền điện chính là... “chờ đợi sự thay đổi”. Rất nhiều người hy vọng cách tính tiền điện hiện nay đang là tạm thời và đang được Chính phủ xem xét lại nên cho biết đang “cắn răng” để vượt qua ...tháng này.

Chịu nóng, giặt áo quần bằng tay để tiết kiệm

Những ngày này TP.Đà Nẵng bước vào những ngày nắng nóng, có ngày đỉnh điểm nhiệt độ lên hơn 38 độ C. Thế nhưng, người dân không dám bật điều hoà, hạn chế bật quạt vì giá điện tăng chóng mặt.

Bà Nguyễn Thị Bông (51 tuổi, trú xã Hoà Tiến, H.Hoà Vang, TP.Đà Nẵng) cho biết, bà sống cùng vợ chồng con trai, cả gia đình gồm 5 người. Gia đình bà không kinh doanh, hằng ngày chỉ sử dụng điều hoà, quạt, máy giặt, tivi, tủ lạnh mà tháng 4 vừa qua, tiền điện tăng lên cả triệu trong khi tháng trước vẫn sử dụng như vậy chỉ mất vài trăm nghìn.

“Thấy tiền điện tăng lên nhiều quá, nên tôi hạn chế dùng các thiết bị thường ngày vẫn dùng. Ban ngày tôi tranh thủ giặt áo quần bằng tay, ban đêm mấy bà cháu tập trung ngủ chung 1 phòng mới dám bật điều hoà. Trả tiền điện, nước hết nửa tháng lương của con trai tôi rồi, tiết kiệm được chừng nào hay chừng đó”, bà Bông nói.

Em Lê Huyền Chi (19 tuổi, trú đường Trịnh Quang Xuân, xã Hoà Châu, H.Hoà Vang, TP.Đà Nẵng) cho biết gia đình em thường ngày sử dụng điều hoà nhưng từ ngày điện tăng giá, ba mẹ bảo 2 chị em chịu khó ngủ bằng quạt vì chi tốn tiền điện quá nhiều. “Em gái em hằng ngày đi học về vẫn thường mở ti vi xem liên tục nhưng nay nó cũng hạn chế mở ti vi vì ba mẹ thấy điện tăng cao và cấm xem ti vi”, Chi nói.

Giữa những ngày nắng nóng, có lúc nhiệt độ lên đến 40 độ C nhưng nhiều gia đình không dám dùng điều hoà HUY ĐẠT

Cùng chung hoàn cảnh của bà Bông, anh Nguyễn Thế Hoàng (27 tuổi, trú P.Hoà Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) làm công nhân KCN Hoà Khánh (Q.Liên Chiểu) cùng vợ con hằng ngày phải chống chọi với nắng nóng nhưng không dám sử dụng thiết bị điện vì tháng vừa qua anh phải chi trả quá nhiều tiền.

Anh Hoàng cho biết, anh cùng vợ và 1 đứa con nhỏ thuê phòng trọ ở Q.Liên Chiểu để đi làm công nhân. Những tháng vừa qua, vì trời nắng nóng, con trẻ quấy không ngủ được nên anh đã sử dụng điều hoà để con ngon giấc mỗi tháng tốn gần 600.000 đồng tiền điện. Thế nhưng, đến đầu tháng 5, khi nhận được hoá đơn tiền điện tháng 4 thì anh tá hoả vì số tiền tăng lên quá nhiều so với những tháng trước.

“Vì tiền điện tăng lên nhiều quá nên cả gia đình tôi không dám ngủ điều hoà nữa, những ngày nào nóng quá mới dám mở điều hoà”, anh Hoàng kể.

Anh Hoàng lo lắng cho biết thêm giá điện tăng theo định mức mới này, thật sự là rất cao so với thu nhập, khả năng chi trả của những người làm công nhân. Những ngày mới vào đầu hè đã hoảng hốt khi nhận hoá đơn tiền điện như vậy, thì đến những tháng 6, 7 trời nắng nóng không biết cả gia đình sẽ sinh hoạt như thế nào.

Điện tăng giá nhưng không dám tăng giá hàng hóa

Kinh doanh cửa hàng tạp hoá tại đường Ông Ích Đường, P.Hoà Thọ Tây, Q.Cẩm Lệ, ông Đặng Cứ (69 tuổi) cho biết, cửa hàng tạp hoá của gia đình chúng tôi đã phải ngắt điện mấy cái tủ lạnh, chỉ còn dùng 1 cái tủ mát để bán nước giải khát ướp lạnh. Mặc dù được phía công ty hỗ trợ tiền điện cho các thiết bị này nhưng bán hàng không đủ đắp vào mức tiền điện tăng lên.

“Tôi đã ngắt tủ kem và không lấy kem để bán nữa. Tiền điện thì tăng nhưng giá bán kem, nước giải khát đâu có tăng giá được, nó có chừng rồi, bán lên giá thì không ai mua”, ông Cứ nói.

Ông Cứ cho biết giá tiền điện tăng gấp đôi khiến việc buôn bán của gia đình gặp nhiều khó khăn ẢNH: HUY ĐẠT

Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Ánh (37 tuổi, chủ quán cà phê đường Nguyễn Lương Bằng, Q.Liên Chiểu) lo lắng về mức tiền điện tăng vọt. Chị Ánh cho biết, quán cà phê của chị chuyên phục vụ giải khát cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại khu vực. Những ngày nắng nóng, sinh viên ở trọ nắng nóng nên tìm đến quán cà phê để tránh nóng, làm bài tập. Thế nhưng, khi giá điện tăng khiến hoá đơn tiền điện của quán tăng gần 1 triệu đồng tháng vừa qua.

“Điện tăng giá khiến việc kinh doanh của chúng tôi gặp nhiều khó khăn, buôn bán cho sinh viên lời chẳng được mấy đồng. Mấy đứa sinh viên thường ngồi cà phê cả nửa ngày, dùng máy tính, quạt… nhưng tiền nước vẫn giữ nguyên, đâu thể lấy phí ghế ngồi vì nó ngồi lâu được. Mình cần khách mà. Thường mỗi tháng hết đều đặn tiền điện của quán tầm 900.000 đồng, thế mà tháng này lên đã 1.500.000 đồng rồi. Tôi thật sự rất lo lắng, chắc phải tăng giá nước… nhưng tăng lên thì sợ mất khách, đối tượng sinh viên đắc hơn 1.000 đồng thì mất khách rồi”, chị Ánh tâm sự.

Giá thức uống tại các cà phê phục vụ sinh viên không thể tăng theo giá điện vì sợ mất khách HUY ĐẠT

Chị Anh nói thêm, biết việc tăng điện là do quy định, nhưng đối với những người kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi thật sự rất mong là mức tăng phù hợp hơn bây giờ. Giá điện ngày một tăng vọt, hộ buôn bán chúng tôi phải đắn đo và đối mặt với nhiều khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.