Hột đác giải nhiệt 'hiếm có khó tìm' ở Sài Gòn

16/06/2016 13:36 GMT+7

Tôi tình cờ được thưởng thức hột đác nguyên chất đậm hương vị rừng núi của Khánh Hòa trong một quán cà phê nhỏ xinh ngay trước chung cư Screc Nhiêu Lộc (quận 3, TP.HCM).

Cách chế biến tinh tế nhẹ nhàng vẫn giữ được sự thơm ngon đặc trưng của loại quả lạ này quả thực khiến người ta ăn rồi không dễ quên.
Bản thân tôi chưa bao giờ nhìn thấy hay nghe về hột đác. Nhưng theo lời giới thiệu của ông chủ quán, cây hột đác có hình dạng giống cây chà là nằm sâu trong rừng, trên núi và chỉ có ở miền Trung, đặc biệt có rất nhiều ở Nha Trang. Quả đác trông tương tự như quả dừa nhưng nhỏ chỉ bằng nắm tay, kết thành từng chùm như buồng cau. Mỗi cây có rất nhiều buồng, một buồng khá to và nặng phải hai người ôm mới xuể.
Ít ai biết, để thu hoạch hột đác, người lấy quả phải vào rừng chặt cả cây hoặc giật từng buồng đác rớt xuống đất, buồng đác có rất nhiều rắn nên người ta đợi rắn bò đi hết mới gom về.
Nhựa quả đác gây ngứa nên thường người trẩy đác chặt buồng về chất đống to, châm củi đốt cháy đen vỏ ngoài rồi đợi nguội để ép hột đác bên trong ra. Mỗi quả có gần chục hột, màu trắng trong, da trơn láng, nhai giòn sựt, dẻo dai và bùi bùi. Nhìn qua thì thấy hột đác giống dừa nước và thốt nốt nhưng ăn béo và ngon hơn.
Hột đác khi kết hợp cùng sữa chua tăng thêm hương vị và giá trị dinh dưỡng Ảnh: Nguyên Minh
Hột đác được chế biến thành rất nhiều món: có thể trần sơ nước sôi ăn ngay để thưởng thức vị dai giòn, sựt sựt, có thể rim đường, nấu chè, ăn với sữa chua. Đặc biệt vùng Nha Trang, Phú Yên có món chè mít đác, trong đó hột đác được nấu đường phèn cùng mít chín xé sợi ăn khá là mát… Nhưng ở Sài Gòn thì rất khó để tìm được một quán cà phê, giải khát, nhà hàng nào bán những món được chế biến từ loại hạt trắng trong, nhỏ bé này.
Ông chủ quán càng say sưa hơn khi nói về những công dụng đặc biệt của sản vật rừng sâu. Đầu tiên, bởi hột đác là loại hạt trong rừng nên không có thuốc trừ sâu, chất bảo quản, ít calo và chất béo nhưng lại giàu vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác.
Trong hột đác cũng chứa chất điện phân tự nhiên vừa giúp giải khát vừa giúp tăng cường sự trao đổi chất của cơ thể, làm đẹp da hiệu quả, rất nhiều kali bổ não và giảm huyết áp cao, kháng khuẩn, chống một số bệnh như giun đường ruột, ký sinh trùng và nhiễm trùng đường tiêu hóa…
Đặc biệt, lượng kali có trong hột đác gấp 2 lần lượng kali có trong chuối.Vì vậy, ăn hột đác thường xuyên có thể khá hiệu quả trong việc điều hòa huyết áp do nồng độ cao kali và axit lauric...
Ông chủ quán chế biến hột đác thành hai món cùng hai nguyên liệu chính là trà sữa và sữa chua. Vị dai dai, giòn giòn của hột đác rất giống vị của những viên trân châu. Vì vậy, khi hột đác kết hợp với trà sữa sẽ tạo ra một món giải nhiệt rất dễ gây ghiền.
Còn khi ăn hột đác cùng với sữa chua, cộng thêm một chút the mát của hương vị bạc hà sẽ làm người ta quên đi mùa hè nóng nực. Giá trị dinh dưỡng của hột đác khi kết hợp cùng sữa chua cũng như được tăng lên gấp bội.
Chủ quán cà phê không phải người gốc Khánh Hòa nên bản thân anh ban đầu cũng khá lạ lẫm với hột đác. Nhưng được một người bạn là "thổ địa" Khánh Hòa hỗ trợ nên đã mang được thứ hạt thiên nhiên, bổ dưỡng này về Sài Gòn kinh doanh.
Giữa "ma trận" những loại trân châu, thạch rau câu… đầy màu sắc khiến người ta cứ luôn phải e dè trước khi thưởng thức, thì hột đác với hương vị khá tương đồng trở thành thứ nguyên liệu “hiếm có khó tìm”. Vào mỗi buổi chiều Sài Gòn nóng, được giải nhiệt bằng một ly hột đác mát lạnh, bổ dưỡng quả thực là tuyệt vời.
Nhai hột đác giòn sựt, dẻo dai và bùi bùi. Ảnh: Nguyên Minh
Hột đác có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Ảnh: Nguyên Minh
Vị dai dai, giòn giòn của hột đác rất giống vị của những viên trân châu. Ảnh: Nguyên Minh
Nhìn qua thì thấy hột đác giống dừa nước và thốt nốt nhưng ăn béo và ngon hơn. Ảnh: Nguyên Minh
Hột đác sau khi tác khỏi quả được đem rửa sạch, rim qua với đường và siro để tạo màu bắt mắt hơn. Ảnh: Nguyên Minh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.