Đưa “phi hành gia vi khuẩn” lên vệ tinh sao hỏa

26/06/2010 18:56 GMT+7

Fobos, một trong số những vệ tinh tự nhiên của sao hỏa (ảnh) đang là đích ngắm của các nhà khoa học. Dự án có tên gọi Fobos-soil sẽ được triển khai trong 18 tháng. Những thử nghiệm đầu tiên đang được thực hiện tại Nga với tên gọi BioFobos.

Theo kế hoạch thì một tàu vũ trụ sẽ bay đến vùng phụ cận của sao hỏa, tiến vào quỹ đạo của Fobos. Con tàu này sẽ hạ cánh xuống Fobos lấy các mẫu đất đá rồi quay trở lại trái đất. Tổng thời gian cả đi và về mất khoảng 3 năm.

Một trong những nhiệm vụ khác của dự án Fobos-soil là kiểm tra khả năng tồn tại của vi sinh vật trong điều kiện phóng xạ khắc nghiệt của không gian liên hành tinh. Đó sẽ là dữ liệu rất quan trọng giúp phục vụ cho những chuyến bay có người điều khiển lên sao hỏa sẽ triển khai sau này. Do vậy thử nghiệm BioFobos trong khuôn khổ dự án Fobos-soil sẽ mang theo trong chuyến bay những thiết bị hình trụ chứa bên trong những chủng vi sinh chọn lọc. Khi chuyến bay hoàn tất và Fobos-soil quay lại, các nhà khoa học sẽ so sánh các "phi hành gia vi khuẩn" với mẫu tương tự được lưu trữ trên trái đất.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của Fobos-soil là lấy các mẫu đất đá của vệ tinh Fobos mà trong đó có thể chứa những thành phần có nguồn gốc từ sao hỏa. Sẽ có nhiểu thử nghiệm trong quá trình nghiên cứu, một phần sẽ được thực hiện ngay khi tàu vũ trụ còn ở trên Fobos, một phần khác sẽ được thực hiện trên trái đất.

Theo Voice of Russia, Fobos-soil là một sự hợp tác quốc tế rộng rãi của các cơ quan nghiên cứu vũ trụ trên thế giới. Ví dụ như quang phổ kế dùng để nghiên cứu thành phần hóa học của khoáng vật là sản phẩm Đức - Nga, máy đo ion do Thụy Điển sản xuất, nước Pháp đóng góp hệ thống camera quang học.

Cơ quan quản trị không gian châu u đảm nhận việc tìm nước đóng băng trên Fobos, còn việc nghiền nhỏ mẫu đất đá để đưa lên tàu vũ trụ được thực hiện bởi thiết bị có nguồn gốc từ Hồng Kông.

Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.