Tại sao không thể lướt sóng thần?

18/03/2011 20:12 GMT+7

Sách kỷ lục thế giới từng ghi nhận vận động viên người Mỹ Pete Cabrinha đã cưỡi trên ngọn sóng cao đến 21m tại Maui, Hawaii vào tháng 1.2006.

Còn kỷ lục lướt sóng dài nhất thuộc về Picuruta Salazar (Brazil), đã lướt sóng thủy triều qua quãng đường dài 12,5 km trên sông Amazon trong 37 phút. Tuy nhiên, dù tài tình đến đâu, không ai dám nghĩ đến chuyện lướt sóng thần. Phân tích của Đại học Hawaii tại Hilo cho thấy các đặc điểm vật lý của con sóng có sức tàn phá khủng khiếp này khiến con người phải bỏ cuộc.

 
Sóng thần tạo nên một bức tường đầy bọt

Sóng thần dày và chứa năng lượng cực lớn. Chúng di chuyển tốc hành xuyên đại dương với vận tốc 800 km/giờ. Khi tiếp cận bờ biển, nước ở phần trước chậm lại, trong khi phần đuôi tiếp tục tràn vào bờ. Kết quả là cơn sóng trở nên cực đậm. Thay vì chỉ là con sóng thủy triều bình thường, nó biến thành một bức tường với nước sủi bọt đập vào bờ.

Sóng thần tạo nên một bức tường đầy bọt, cứ tiến vào bờ cho đến khi năng lượng tiêu tán hoàn toàn. Do nó chỉ toàn nước trắng (sủi bọt), không có phần đáy để ván trượt có thể tựa vào. Do đó nếu tay chơi nào cố tình chui vào vùng nước khủng khiếp đó, anh ta sẽ bị va đập xung quanh khối chất lỏng này.

Trong trường hợp lỡ lao vào con sóng với hy vọng có thể lướt thoát được và cuối cùng đành bất lực, vận động viên đó cũng không thể chúi đầu dưới con sóng này. Toàn bộ khối sóng bắt đầu từ thềm đại dương đến bề mặt luôn trong trạng thái chuyển động. Sóng thần có bước sóng dài khoảng 200 km, và không ai thoát được khi chúi đầu vào.

Hạo Nhiên
(Theo Nature)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.