Lướt smartphone, gõ phím ảo: Bí kíp giúp tay bạn không 'kêu rên' vì bệnh

29/07/2016 13:32 GMT+7

Ngày càng đông người bệnh đến khám tại bệnh viện vì đau mỏi vùng cổ bàn tay, các ngón tay, kèm theo đau mỏi vùng vai, cột sống cổ, thắt lưng,.. Nguyên nhân do quá chăm… gõ phím ảo smartphone.

Đau tưởng nhẹ hóa nặng
Chị M.T.H. (27 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM, nhân viên văn phòng) hơn 3 tháng nay đau dai dẳng ở ngón tay cái của bàn tay phải. Cơn đau lúc đầu chỉ lâu lâu mới xuất hiện và ở mức độ mỏi, dần dần đau nhiều hơn và thường xuyên hơn.
Khi gấp duỗi ngón tay, bệnh nhân còn nghe âm thanh kêu “lật bật” ở khớp cuối của ngón tay. “Khi lấy tay sờ vào cảm thấy rất đau. Đặc biệt, có những lúc gấp ngón tay đột ngột thì bị “mắc kẹt” luôn, không duỗi ra được nữa. Khi đó, mình phải dùng tay bên kia kéo thật mạnh thì ngón tay mới duỗi thẳng lại được”, chị H. đau đớn kể.

Tác hại gây ra của việc sử dụng smartphone thường xuyên ngày càng phổ biến hơn nhưng không ai để ý đến chuyện này

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Đức Thành, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Ban đầu chị cứ nghĩ mình làm việc mệt mỏi nên xương khớp “kêu rên” theo, nghỉ xả hơi sẽ hết.
Những ngày gần đây, chị H. có cảm giác tê hai bàn tay, đặc biệt nghiêm trọng ở bàn tay phải. Cảm giác tê thường xuất hiện khi chị làm việc, đánh máy hoặc cầm điện thoại lâu. Giờ, ngay cả về ban đêm khi ngủ, người bệnh cũng cảm thấy tê tay.
Thế là chị H. mới đến Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM khám.
Trong khi đó, anh B.M.C. (35 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM, doanh nhân) gần đây thường xuyên rất đau mỏi các khớp ngón tay. Đặc biệt, cổ tay bên phải đau và sưng thành cục, có thể sờ thấy một cục ở ngoài cổ tay, ấn vào thấy rất đau.
“Khi bấm điện thoại, có những lúc đau quá người bệnh phải buông điện thoại ra, nghỉ một lúc cho bớt đau rồi mới làm việc tiếp. Công việc đòi hỏi cần phải sử dụng điện thoại liên tục để nhắn tin, chat, email cho các đối tác; thuận tiện và cơ động hơn so với máy tính. Chính vì thế, phải cố gắng chịu đau để làm việc”, anh C. kể.
Chỉ đến khi thấy xuất hiện cục u ở cổ tay, người bệnh “tá hỏa”, lo lắng mình bị u bướu nên quyết định đi khám ngay.
Kết quả, anh C. không bị u bướu, mà cũng như chị H., cả hai anh, chị bị bệnh cơ xương khớp do sử dụng bàn phím điện thoại (smartphone) quá nhiều.
Bệnh “bấm điện thoại”
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Đức Thành, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: Hiện nay, ngày càng đông người bệnh đến khám tại bệnh viện, các phòng khám, với các triệu chứng đau mỏi ở vùng cổ bàn tay, các ngón tay. Ngoài ra, người bệnh còn bị ảnh hưởng đến cột sống như cột sống cổ, cột sống thắt lưng hoặc vai, bị đau mỏi những vùng này. Nguyên nhân do người bệnh sử dụng smartphone thường xuyên.
“Tác hại gây ra của việc sử dụng smartphone thường xuyên ngày càng phổ biến hơn nhưng không ai để ý đến chuyện này”, bác sĩ Thành nhận định.
Việc sử dụng thiết bị điện tử (smartphone, máy tính bảng) quá nhiều, lâu dài sẽ gây các bệnh về cơ xương khớp cho ngón tay, cổ tay - Ảnh: ShutterStock
Bác sĩ Thành phân tích, việc sử dụng thiết bị điện tử (smartphone, máy tính bảng) quá nhiều, lâu dài, với tư thế cố định gây tác động lớn lên dây chằng, gân cơ vùng xương cổ, vai và vùng thắt lưng, cũng như các dây chằng, gân cơ ở vùng cổ tay, bàn tay.
Người sử dụng điện thoại thông minh nhiều có thể gặp các bệnh như: bệnh về ngón tay cái. Tức cảm giác đau nhức ở phần gốc ngón tay, khi người bệnh cử động nhiều thì cảm thấy bị mắc kẹt, không duỗi ra được. Các ngón tay đều có thể bị nhưng thường gặp nhất là ở ngón tay cái.
Khi có biểu hiện tê nhức bàn tay, có cảm giác kiến bò, người dùng phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện kịp thời những bệnh hay gặp ở người sử dụng smartphone thường xuyên
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Đức Thành, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Bệnh thứ hai là đau ở vùng cổ tay. Do tư thế sử dụng smartphone khiến cổ tay thường gấp và xoay vào trong quá mức gây kích thích viêm bao gân vùng gân cổ tay. Lâu dần, bao gân bị hẹp lại gây ra đau và hạn chế vận động. Đây cũng là bệnh làm cho người bệnh đi khám rất nhiều, trường hợp nặng phải phẫu thuật.
Bệnh thường gặp thứ ba là hội chứng ống cổ tay. Bệnh phát sinh do sử dụng nhiều và tư thế cổ tay hay gấp quá nhiều, gây ra chèn ép dây thần kinh giữa ở cổ tay.
Với các bệnh lý trên, bệnh nhân có thể điều trị bằng thuốc. Trong trường hợp nặng, phải phẫu thuật.
“Đối với các bệnh lý gân, cơ thì thường ít để lại di chứng nhưng làm cho người bệnh đau đớn kéo dài, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng sống. Đối với những bệnh liên quan đến thần kinh (với các biểu hiện đau, tê, chèn ép thần kinh), nếu điều trị không kịp thời sẽ để lại di chứng lâu dài hoặc vĩnh viễn vì dây thần kinh chèn ép lâu ngày, gây thoái hóa nặng”, bác sĩ Thành cảnh báo.
Chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh “bấm điện thoại”, người dùng phải giảm tổng thời gian dùng smartphone trong một ngày và tăng khoảng cách thời gian giữa những lần sử dụng. Khoảng 15 - 30 phút cần phải thay đổi tư thế, nghỉ giảo lao và vận động để giảm sức căng.
Ngoài ra, dùng smartphone một tay sẽ gây áp lực, sức ép của dây chằng nhiều hơn dùng hai tay. Người dùng có thể phân phối lực cầm, bấm điện thoại lên cả hai tay hoặc đặt điện thoại lên mặt phẳng để giảm áp lực lên gân cơ, dây chằng của bàn tay.
“Khi có biểu hiện tê nhức bàn tay, có cảm giác kiến bò, người dùng phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện kịp thời những bệnh hay gặp ở người sử dụng smartphone thường xuyên”, bác sĩ Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.