Mẹ Việt ở Đức: Tôi đã vượt qua trầm cảm sau sinh thế nào?

09/08/2016 21:02 GMT+7

Tôi theo anh sang Đức vào tháng 8.2015, lúc đó đã 28 tuần thai. Tôi bắt đầu một cuộc sống mới ở một nơi xa lạ.

Trước khi sinh
Tôi theo anh sang Đức vào tháng 8.2015, lúc đó đã 28 tuần thai. Trước đó tôi có đi học tiếng Đức nhưng toàn bị ngắt quãng do đám cưới, rồi tuần trăng mật, di chuyển chỗ ở và mang bầu, thế nên tiếng Đức của tôi vẫn ở trình độ vỡ lòng.
Sang Đức với cái bụng to tướng mà chưa tìm được nhà, đến khi ổn định chỗ ở thì không được sắp xếp vào lớp học nữa vì người ta e ngại tôi học chưa hết khóa đã sinh. Thế là tôi đành ngậm ngùi chờ sinh xong mới đi học. Ngày ngày chồng đi làm, tôi ở nhà dọn dẹp, nấu nướng và thực hiện các cuộc hẹn với bác sĩ để khám thai.
 
Điều khác nhất với tôi lúc ở nhà là "đặt cuộc hẹn" (ein Termin machen). Nếu không đặt hẹn, bạn tự đến nơi khám bệnh, họ sẽ cho vào danh sách "khẩn cấp", và điều đó có nghĩa là bạn phải ngồi chờ. Bác sĩ sẽ khám cho những người có hẹn trước, rồi mới đến những trường hợp khẩn cấp. Có khi chờ 3-4 tiếng là chuyện thường.
Khi có thai, thay vì đến bệnh viện, bạn phải tự tìm một bác sĩ phụ khoa (frauenarzt) có phòng khám riêng và đến đó khám định kỳ. Được chồng giúp tôi đã tìm được một bác sĩ giỏi ngay gần nhà nên hàng tuần tôi đi bộ đến phòng khám. Lần nào đến cũng phải mất hơn 2 tiếng từ việc ngồi chờ khám, đo tim thai (30 phút) đến khám tổng thể. Đến tuần cuối cùng (tuần 40) thì ngày nào tôi cũng ì ạch vác cái bụng đi khám xem thai nhi và nước ối có ổn định không.
Quá ngày sinh 5 ngày, được giấy chấp nhận của bác sĩ cho kích đẻ, hai vợ chồng tôi tươi như hoa, hí hửng mang giấy đến bệnh viện.
Điều nói thêm nữa, ở Đức chỉ kích đẻ khi bạn quá dự sinh 10 ngày. Tôi mới quá 5 ngày, họ bắt tôi khai đủ thứ giấy tờ liên quan đến chuyện tại sao lại muốn sinh "sớm. Dù quá ngày sinh nhưng nếu sức khoẻ mẹ và bé, nước ối tốt, bạn hoàn toàn có thể sinh thường.
Rồi ngày đấy cũng đến. Sau hai ngày kích đẻ bằng thuốc mở cổ tử cung. Ngày đầu mặc dù nhiều cơn co giả đau muốn chết mà cổ tử cung chẳng mở thêm phân nào, đến ngày thứ hai bé mới cất tiếng khóc chào đời.
 
Vợ chồng tác giả và con trai đầu lòng Ảnh: HV

Sau sinh
Sinh xong, những tháng ngày dài đằng đẵng kéo đến. May mắn cho tôi, khi mang bầu, tôi khỏe kinh khủng, rồi bạn bè online tíu tít, Facebook ầm ầm nên "cuộc đời đẹp lắm". Chính vì vậy, không giống nhiều bạn bè sống ở đây khuyên nên làm giấy mời sớm để mẹ sang giúp khi sinh. Tôi vẫn kiên quyết mời mẹ sang để dẫn mẹ đi chơi, ai lại bắt mẹ phải phục vụ con và cháu bao giờ. Thế nên chúng tôi làm giấy mời khá muộn.
Lần đầu sinh con ở xứ mà không ai nói tiếng Anh với mình, ngôn ngữ kém, bạn bè không, rồi thay đổi hormon, con khóc không biết dỗ, 24/24 giờ chỉ một mẹ một con, tôi lâm vào trạng thái bế tắc và mất ngủ kéo đến. Chồng tôi mới đi làm, không thể xin bảo hiểm trả, thế nên chỉ ở nhà với vợ 2 tuần rồi đi lại (các ông bố ở Đức thường xin nghỉ 3 tháng để chăm vợ con). Những ngày đầu, do ăn uống không đầy đủ và mất ngủ triền miên, tôi gần như không có sữa cho con bú.

Mùa đông năm ấy sao mà dài và ảm đạm thế! Hôm nào may mắn thì có nắng đẹp, còn lại là những ngày tuyết rơi, mưa buồn và lạnh lẽo.
Hàng ngày, cứ đến khi mặt trời lặn, là tôi lại hoang mang và nước mắt ngắn dài: "đêm lại đến rồi, sao mà tôi có thể ngủ được đây?".
Tôi lâm vào trạng thái hoang tưởng và sợ hãi với chính giấc ngủ của mình. Ban ngày đằng đẵng trông con, ban đêm mất ngủ, sức khỏe và tinh thần tôi ngày càng đi xuống.
Chồng tôi chăm tôi lắm, xin nghỉ thêm vài tuần nữa và bắt tôi đến gặp bác sĩ tâm lý, mẹ tôi cũng bay sang giúp đỡ.
Với lời khuyên của bác sĩ là đi học tiếng Đức; tham gia các khoá tập sau sinh với các bà mẹ khác để kết bạn; - thường xuyên đưa con đi dạo bên ngoài để hít thở không khí trong lành, giúp tinh thần mẹ thoải mái, con mạnh khoẻ… tôi đã làm theo và tâm lý dần cải thiện.
Tiếng Đức phản ánh con người Đức, theo cảm nhận của tôi. Giống như tiếng TBN, Pháp… đều có ngôi Sie và Du được sử dụng với một cách lịch sự, xã giao hay thân thiện, bạn bè suồng sã. Nhưng còn hơn thế, đối với người lạ, người không quen, mới gặp lần đầu, sếp, bạn cùng lớp... Đều sử dụng ngôi Sie. Tôi đi học tiếng Đức cả tháng, mọi người vẫn gọi nhau lịch sự vậy. Không suồng sã, không thân mật, họ luôn giữ một khoảng cách nhất định. Chồng tôi đi làm gọi đồng nghiệp cũng là Sie. Thỉnh thoảng anh khoe “bạn ấy chơi thân với anh lắm, đến mức gọi nhau là Du”.

Tôi lại sống ở một thành phố được coi là quí phái và kiêu kì, nơi có nhiều người giàu. Thế nhưng, một người cởi mở như tôi mà mãi không có bạn. Nhiều người nói, dân thành phố này kiêu lắm. Quả đúng, đi học rồi đi tập khoá tập sau sinh, Sie mãi vẫn là Sie.
Nhiều khi nghĩ, hay mình lại quay về. Nơi có bạn bè, gia đình và công việc yêu thích, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Hà Nội nắng ấm, thuê một chị giúp việc hàng ngày giúp nấu nướng và trông hộ, thi thoảng đi cà phê với bạn… quả là thiên đường. Tôi nên cho mình một cơ hội bằng cách đăng ký khóa tập sau sinh.
Cuối cùng cũng làm quen được với hai cô bạn sẵn sàng nói cả tiếng Đức và tiếng anh. Thế là tôi cố gắng nói nhiều hơn với cái ngữ pháp chập cheng của mình. Chúng tôi lập nhóm để chat (tán gẫu) và chia sẻ kinh nghiệm nuôi con, hàng tuần rủ nhau đi ăn hoặc dạo công viên. Chồng tôi cũng choáng nhưng vui vì mỗi lần xem lịch, thấy các cuộc hẹn của vợ ngày một nhiều lên.
Ngày xưa ở nhà, nhớ có hội mấy bà mẹ Latin buổi trưa đến “buôn dưa lê” ở quán Joma Tây Hồ, tôi vừa đi vừa chép miệng: "đúng là mấy bà house wife (nội trợ) thừa thời gian” nhưng giờ mình cũng vậy.
Nhưng house wife thời hiện đại bận lắm. Chồng giao cho tôi chức danh thư ký riêng để quản lý hết các việc hậu phương. Ví dụ: thợ đến nhà kiểm tra lò sưởi, hệ thống nước định kỳ (họ gửi thư đến trước cả tuần và đặt giờ đến) để tôi có thêm "việc làm" mà tiếp xúc mọi người nhiều hơn.
Sau sinh gần 4 tháng tôi mới lấy lại được phong độ, lấy đuọc lai nụ cười.
Tôi có khá nhiều bạn Việt sống ở nước ngoài và bị bệnh trầm cảm giống tôi. Kể cả ở nước nói tiếng Anh, nhưng không có gia đình và bạn bè xung quanh, cộng với việc chăm con khi cơ thể còn yếu, dẫn đến việc suy sụp tinh thần khá nhanh. Ở nước ngoài, tỉ lệ các bà mẹ bị mắc bệnh trầm cảm sau sinh khá cao và càng nhiều hơn ở xứ lạnh vì có cả "trầm cảm mùa đông" (winter depression).
Giờ tôi nghĩ lại, giống như các căn bênh tâm lý khác, cho dù có mẹ, hay chồng và người thân ở bên cạnh, người có thể giúp bạn chỉ có "chính bản thân bạn".
Nhưng khi bạn đã vượt qua khó khăn, bạn sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Với riêng tôi, tôi thấy mình có khả năng tổ chức cao hơn, thương bản thân hơn và biết thư giãn hơn. Cuộc sống là đấu tranh, có đấu tranh thì mới có sinh tồn, không dần dần chúng ta sẽ rơi vào trang thái bế tắc không đường ra.
Mong rằng một ngày nào đó, tôi sẽ cảm thấy Đức là quê hương thứ hai chứ không còn xa lạ như cảm nhận ban đầu nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.