Món quà ngày 20.11, chấm son trên đỉnh Pờ Hồ nơi biên cương

20/11/2016 09:02 GMT+7

Ngày trước, ai từ bản Pờ Hồ Thấp nhìn lên tít tắp bản Pờ Hồ Cao, ngày đẹp trời, cũng chỉ thấy vài chấm nhà xiêu vẹo, nên bảo: “Trường học của trẻ con đấy. Lâu quá hỏng hết rồi”.

Nay, ngày mù mịt sương mây, ai nhìn lên cũng thấy chấm đỏ của cờ Tổ quốc phất phới bay và lại bảo: “Trên đấy có trường mới rồi, học tốt rồi”...
Ký ức 20 năm
Ông Sùng A Sếnh (hơn 90 tuổi) là người Mông lớn tuổi nhất trên bản Pờ Hồ Cao (Trung Lèng Hồ, Bát Xát, Lào Cai) gật gật mái tóc bù xù bên bếp lửa, nói: “Tao không nhớ đâu. Chỉ biết hồi thanh niên đã thấy cô giáo lên bản dạy chữ. Khi con tao có con, cô giáo mới ở hẳn trên bản”. Nghe vậy, trưởng bản Sùng A Xá cười: “Trường có lâu rồi, hồi mình bé tí đã đi học, chắc cũng hơn 20 năm!”.
Pờ Hồ Cao là bản người Mông nằm tít trên đỉnh Pờ Hồ thuộc dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp với độ cao gần 2.000 m so với mặt biển. Đường xuống núi dằng dặc, phải đi chân trần nên người dân gần như sống tách biệt với thế giới dưới xuôi. Mỗi tuần, họ xuống chợ mua dầu muối, kim, chỉ; còn chuyện ăn uống thì tự cung tự cấp ở mức dè sẻn.
Trên Pờ Hồ Cao có 2 điểm trường mầm non và tiểu học. Điểm mầm non được xây dựng từ năm 2014, với căn nhà cấp 4 chơ vơ trên đỉnh đồi hun hút gió, không nhà vệ sinh, bể nước và đường lên, khiến bọn trẻ mỗi khi đi học ngã oành oạch, khi nào muốn “ị, tè” lại dắt nhau ra bụi cây... Điểm tiểu học ở phía dưới với dãy nhà quây bằng gỗ, mái lợp gỗ, rêu bám xanh đỏ, vẹo vọ nhưng lại được các giáo viên chọn làm nơi ăn ở sinh hoạt, lý do: “Có bể nước và không hút gió như điểm trường mầm non”.
Thầy giáo Phạm Văn Thiết, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học và THCS Trung Lèng Hồ kể: “Điểm trường được dân bản dựng cách đây hơn 20 năm. Ban đầu chỉ cử thầy giáo lên dạy, nhưng về sau do thiếu nam, đành phải cử nữ mới ra trường lên công tác trong thời hạn 1 - 2 năm” và cho biết: “Có cô giáo vừa lên, đã bỏ về xuôi ngay lập tức”.
Lần đầu chúng tôi lên Pờ Hồ Cao là tháng 1.2016. Đêm nơi đây lạnh buốt. Buổi sáng phải cố gắng lắm chúng tôi mới bám theo 2 cô giáo leo núi, lội suối, luồn rừng gần 5 tiếng đồng hồ để tới Pờ Hồ trong tiết trời khoảng 12 độ C. Lúc ấy, chúng tôi không tưởng tượng đó là ngôi trường mà nghĩ đó là dãy... chuồng trâu bởi dãy nhà gần như sắp sập. Các cô giáo cắm bản kể: Phải kiếm củi về nấu cơm; kê phản thành giường để chen nhau ngủ, khi nào lạnh quá thì ôm chăn chiếu sang nhà dân ngủ nhờ; muốn gọi điện thoại phải leo lên tảng đá ở đầu bản ngồi... hứng từng vạch sóng hiếm hoi và vì không ánh sáng điện nên thường ôm nhau đi ngủ từ chập tối...
Các cô giáo trên bản Pờ Hồ Cao
Năm học 2015 - 2016, trên bản Pờ Hồ Cao có 3 cô giáo là Nguyễn Thị Hương (27 tuổi, quê Bát Xát) dạy mầm non và Đặng Thị Tới (28 tuổi, quê Yên Bái), Lục Vân Anh (24 tuổi, ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cùng dạy tiểu học. Đều đặn, cứ chiều chủ nhật các cô tập trung dưới trường chính đi bộ lên bản. Chiều thứ sáu lại lục tục xuống trường chính về nhà hoặc chơi với những giáo viên độc thân như cô giáo Vân Anh.
Vân Anh thật thà: Tháng đầu tiên, chiều nào cũng ngồi khóc vì học sinh về nhà, 3 chị em ngồi bậu cửa nhìn bóng tối bò vào chầm chậm. “Gạo thì dân cho, thức ăn chỉ cá khô và lạc rang. Thịt cá tươi vừa không gùi nổi vừa không bảo quản được lâu” - cô Tới nói vậy khiến Vân Anh cười: “Dưới xuôi bảo cải mèo là đặc sản. Tụi em ăn cải này ngày này qua ngày khác rất ngán, vì ở đây lạnh, chỉ rau cải mèo mới sống nổi!”.
Lần thứ 2 chúng tôi lên Pờ Hồ Cao là đầu tháng 4.2016 khi bài viết 3 cô trên đỉnh Pờ Hồ được đăng trên Báo Thanh Niên đúng ngày 8.3.2016 và Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA (Q.1, TP.HCM) đề nghị chúng tôi đưa lên thăm, tặng mỗi cô giáo 1 laptop trị giá 20 triệu đồng.
Hôm ấy, cô giáo Nguyễn Thị Hương xuống núi đón chúng tôi. Cô Hương đã có 5 năm dạy học ở Trung Lèng Hồ, nhà 4 người chia 4 nơi: cô Hương trên núi Pờ Hồ Cao, còn chồng làm công nhân thủy điện tít xã Dền Thàng, con gái đầu nhờ bà nội bên TX.Cam Đường trông hộ và bé út gửi bà ngoại dưới xã Bản Qua (Bát Xát). Mỗi khi chồng nghỉ, tranh thủ dạy xong là cô Hương đi bộ xuống trường chính, chạy xe máy 100 km đến nửa đêm mới về tới nhà để đoàn tụ, sớm hôm sau lại lên bản.
Đêm ấy, chúng tôi ở lại trên Pờ Hồ Cao, buổi tối ăn cơm bên bếp lửa và đèn chiếu sáng từ ĐTDĐ. Giữa bữa ăn, mưa ào ạt đổ xuống khiến tất cả phải bưng bát vào đứng ăn trong lớp học. Vân Anh bảo mọi người đội mũ cối vì: “Mái gỗ bị nát, thường rơi xuống đầu khi mưa. Học sinh đang học, đều phải chui xuống gầm bàn”. Sáng hôm sau dậy sớm, các cô giáo xếp hàng ra khoảnh đất có che tấm ni lông cạnh trường, hỏi mãi các cô mới ngượng nghịu: “Không có nhà vệ sinh, phải đào hố đất và bắc ngang cây gỗ” và e thẹn: “Tắm thì phải đun nước, xối từng gáo ngay trong bếp”.
Sáng hôm ấy, chúng tôi tự hứa: Phải dựng ít nhất là cái nhà tắm, vệ sinh nơi đây. Thầy hiệu trưởng Phạm Văn Thiết phấn khởi: “Bạn đọc Báo Thanh Niên góp của, nhà trường - địa phương - phụ huynh sẽ góp công”...
Ngôi trường từ tình nghĩa đồng bào
Tháng 11.2016, ông Lục Văn Vượng và bà Diệp Thị Lương (xã Yên Dương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) lên Pờ Hồ Cao thăm cô con gái út là cô giáo Lục Vân Anh. Cô Vân Anh đang chuyển đồ từ trường xiêu vẹo cũ nát xuống dãy nhà mới dựng, thơm nức mùi sơn bỗng ngẩn người, òa khóc khi thấy người thân: “Chúng con có trường mới, nhà ở mới, hết khổ rồi, bố mẹ đừng lo!”.
Cô giáo Đoàn Thị Tươi (người thay cô Tới chuyển sang trường khác) cứ ôm chặt con gái Đặng Thị Nhật An (2 tuổi) bên cạnh chồng là anh Đặng Minh Hiệp, mới từ Lục Yên (Yên Bái) lên thăm vợ mới nhận công tác ở điểm trường tiểu học Pờ Hồ Cao xây dựng mới. Trường be bé xinh xinh nằm giữa rừng cây...
Cô giáo Nguyễn Thị Hương nay đã được chuyển công tác xuống Trường mầm non xã Bản Qua (Bát Xát) để tiện chăm 2 cô con gái nhỏ, nhưng ngày khánh thành điểm trường Pờ Hồ Cao cũng xin nghỉ làm để thăm lại nơi mình đã gắn bó gần 2 năm trời. Gặp chúng tôi, Hương ấp úng: “Em vẫn ước có lối đi nhỏ từ đường lên điểm trường mầm non và bể nước, nhà vệ sinh cho cả học sinh và cô giáo đỡ vất vả”.
Chúng tôi đứng cùng cô giáo Hương, Vân Anh, Tươi, Thanh, những thầy, cô giáo đã từng dạy trên đỉnh Pờ Hồ, bên 40 con trẻ, hát Quốc ca, chào lá cờ Tổ quốc được kéo lên trước ngôi trường dựng mới - ngôi trường được xây từ tình nghĩa đồng bào, niềm thương yêu con trẻ, tình cảm chia sẻ với những giáo viên cắm bản của mọi tấm lòng từ bắc - trung - nam, trong và ngoài nước...
Cô và trò điểm trường tiểu học Pờ Hồ Cao chào cờ
Tổ quốc vững bền từ những tấm lòng, từ lễ chào cờ khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên vùng núi cao, cạnh biên cương. Món quà cho ngày 20.11 với những thầy cô vùng cao biên giới chỉ đơn giản là vậy nhưng mãi mãi là chấm son, trên đỉnh núi Pờ Hồ.
Bạn đọc Thanh Niên ủng hộ xây trường
Ngày 4.11, điểm trường tiểu học Pờ Hồ Cao trị giá 145 triệu đồng được khánh thành với diện tích nhà lắp ghép 120 m2, gồm 2 phòng học, 1 phòng ở giáo viên cùng đầy đủ hệ thống bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh phục vụ nhu cầu ăn ở sinh hoạt của các thầy cô cắm bản. Số tiền xây dựng do bạn đọc Báo Thanh Niên và chương trình thiện nguyện Áo ấm biên cương quyên góp, ủng hộ. Ngoài ra, bạn đọc Báo Thanh Niên cũng mua sắm, trang bị đồ dùng cho điểm trường như: Téc đựng nước, hệ thống điện mặt trời, ti vi - đầu thu, giường tủ và các vật dụng sinh hoạt khác...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.