Một thế hệ trẻ em bị bỏ rơi khi bố mẹ làm ăn phương xa

27/07/2017 21:42 GMT+7

Gần 30% trẻ em ở vùng nông thôn Trung Quốc bị bỏ rơi tại các làng quê nghèo khó khi bố mẹ của chúng phải khăn gói lên thành phố lao động kiếm tiền.

Hiện tượng này đang tạo ra một thế hệ mất mát hay còn gọi là một thế hệ tổn thương như là một hệ quả của cơn bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc.
61 triệu trẻ em bị bỏ rơi
Tờ Global Times ngày 25.7 đưa tin, theo Sách trắng về Tình trạng tâm lý của trẻ em Trung Quốc bị bỏ rơi mà tổ chức phi chính phủ Trên Đường Đến Trường (On the Road to School) mới công bố, gần 30% trẻ em ở vùng nông thôn Trung Quốc bị bỏ lại ở quê nhà cho ông bà hoặc người bà con chăm sóc khi bố mẹ của chúng phải đến các thành phố làm việc kiếm tiền.
Cụ thể, theo Sách trắng, trong số 14.868 trẻ em nông thôn học lớp 3 cho đến lớp 8 ở 17 tỉnh Trung Quốc được tổ chức On the Road to School khảo sát , có đến 58,1% trẻ em bị bố hoặc mẹ bỏ rơi và 26,1% bị cả bố lẫn mẹ bỏ rơi ở quê nhà khi họ lên thành phố mưu sinh.
Con số 26,1% này tương đương 10 triệu trẻ em nếu nhân lên với số trẻ em nông thôn thực tế ở 17 tỉnh nói trên. Trong khi đó, số liệu của cuộc khảo sát do Ủy ban kế hoạch hóa gia đình và y tế quốc gia Trung Quốc thực hiện vào năm ngoái cho thấy có 61 triệu em ở nông thôn đang bị bố mẹ bỏ rơi để lên thành phố kiếm cơm. Con số này tương đương 20% trẻ em trên cả nước.
Theo Bộ Dân chính Trung Quốc, trẻ em bị bỏ rơi ám chỉ đến các trẻ em dưới 16 tuổi ở vùng nông thôn có bố mẹ làm công nhân nhập cư ở các thành phố hoặc một người bố/mẹ làm công nhân nhập cư, còn người kia mất khả năng chăm sóc con cái.
Các chuyên gia của tổ chức On the Road to School cho rằng sống trong cảnh đơn độc, không có bàn tay chăm sóc của bố mẹ chắc chắn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em và khiến chúng bất mãn với bố mẹ của mình.
Trong số những trẻ em nông thôn có bố hoặc mẹ mới qua đời gần đây, có 7,9% nói rằng chúng hầu như không cảm thấy mất mát lớn do mỗi năm chỉ gặp bố mẹ 1 đến 2 lần khi họ về thăm quê.
Zhao Hui, giám đốc Ủy ban bảo vệ trẻ em của Hiệp hội luật sư Bắc Kinh, nói: “Bị bỏ rơi có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em”.
Li Yifei, giáo sư ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh, người giám sát cuộc khảo sát của tổ chức On the Road to School cho biết việc vắng mặt quá lâu của bố mẹ khiến những trẻ em bị bỏ rơi dễ tổn thương trước những hành động bắt nạt của bạn bè cũng như dễ đưa ra những quyết định nguy hiểm. Bà cho biết có đến 75% bị bố mẹ bỏ rơi có điểm số học tập suy giảm. Các cuộc nghiên cứu khác cho thấy khoảng 70% trẻ em bị bỏ rơi mắc các chứng trầm cảm, lo lắng.
Bố mẹ đi làm xa, bé gái này sống phải cùng với ông bà nội ở thị trấn Long Phúc thuộc Khu tự trị dân tộc Choảng Quảng Tây (Trung Quốc) Ảnh: AFP

Nguy cơ các vấn đề xã hội
Một tổ chức phi chính phủ có tên gọi Hội từ thiện trẻ em quốc tế (CCI) cho biết các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi có kết cục sống bụi đời trên các đườnh phố, dính đến hoạt động tội ác, trở thành nạn nhân của nạn buôn người hoặc bị lạm dụng tình dục rất phổ biến.
CCI cảnh báo 1/3 trẻ em bị bỏ rơi, tức 20 triệu em, có thể dính vào các hoạt động tội ác, trong khi đó, 1/3 khác sẽ phải cần điều trị ở các viện tâm thần. Các chuyên gia tin rằng những trẻ em bị bỏ rơi, không được tiếp thu các giá trị đúng đắn từ bố mẹ, hoặc gặp phải vấn đề sức khỏe tâm thần sẽ góp phần làm tăng các vấn đề xã hội trong tương lai của Trung Quốc.
Theo China Daily, tháng 6.2015, bốn anh chị em ruột tuổi từ 5-13, bị bố mẹ bỏ rơi ở một làng quê của tỉnh Quý Châu, đã tự tử bằng cách uống thuốc trừ sâu. Cha của chúng bỏ quê lên thành phố làm việc, còn mẹ của chúng cũng bỏ nhà đi do mâu thuẫn với chồng.
Không ai biết chính xác nguyên nhân khiến các em đi đến quyết định dại dột này nhưng chắc chắn sự thiếu sự quan tâm của bố mẹ đã tác động xấu đến tâm lý của chúng. Các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi tự tử như vậy không phải là hiếm.
Những trẻ em bị bỏ rơi đôi khi được gọi là “thế hệ mất mát” hoặc “thế hệ tổn thương”. Vấn đề nghiêm trọng đến mức Bộ Dân chính Trung Quốc phải thực hiện một cuộc vận động đặc biệt để bảo đảm tất cả trẻ em bị bỏ rơi ở nông thôn được giám hộ vào cuối năm 2017. Trẻ em bị bỏ rơi sẽ được gửi đến sống với những người bà con hoặc các trung tâm bảo trợ xã hội.
Li Yikui học nội trú ở trường và về chơi với ông bà nội vào cuối tuần. nh chụp trang web abc ne
Công nhân nhập cư chịu thiệt thòi
Kinh tế phát triển và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã tạo ra một lớp người nhập cư khổng lồ khi hàng triệu người đến các thành phố duyên hải nằm ở phía đông Trung Quốc để tìm kiếm việc làm.
Chính sách kiểm soát cư trú theo mô hình hộ khẩu nghiêm ngặt ở các thành phố khiến những người nhập cư không thể bình đẳng tiếp cận được các dịch vụ công như người thành phố bao gồm cho con cái học hành ở các trường công và khám bệnh, vì vậy, hàng triệu công nhân buộc phải để con cái lại ở quê nhà.
Li YiKui, 13 tuổi, sống ở một ngôi làng ở huyện Hạc Phong, tỉnh Hồ Bắc, là một cậu bé cởi mở và thân thiện nhưng sâu trong lòng, Yikui đang chịu những tổn thương.
Hãng ABC News dẫn lời Yikui nói: “Cháu muốn ở bên cạnh các bạn cùng lớp để không cảm thấy cô đơn”. Yikui đã không thấy mặt bố cậu trong bốn năm qua, còn mẹ cậu chỉ về quê thăm cậu một năm một lần vì cả hai đều đã lên thành phố làm việc.
Khi được hỏi có nhớ bố mẹ không, Yikui không trả lời mà chỉ úp mặt vào đôi bàn tay và sau đó, những giọt nước mắt lăn dài trên má cậu.
Yikui là một trong hàng triệu trẻ em bị bỏ rơi, một hệ quả quá đắt của quá trình phát triển kinh tế bùng nổ của Trung Quốc.
Trong lớp học của Yikui, có đến 40% bạn học với cậu lớn lên mà không có bố mẹ ở bên cạnh chăm sóc.
Hầu hết các bậc bố mẹ bỏ rơi con cái ở quê nhà đều sẵn sàng hy sinh cuộc sống gia đình với hy vọng số tiền mà họ kiếm được ở thành phố sẽ mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho con cái. Đó là một sự đánh đổi mà Yikui chấp nhận. Cậu hiểu rằng cậu cũng phải hy sinh như bố mẹ của cậu.
“Nếu họ ở đây chỉ vì cháu, cháu sẽ cảm thấy có lỗi. Cháu cảm thấy cháu là gánh nặng đối với họ”, Yikui nói.
Suốt những ngày trong tuần, Yikui đi học và tá túc ở khu kí túc xá của nhà trường nhưng những ngày cuối tuần, cậu cuốc bộ hai tiếng để đến một ngôi làng trên đỉnh núi, nơi ông bà nội của cậu đang sống. Yikui cho biết ngôi làng này chỉ còn lại toàn người già vì tất cả những bậc bố mẹ đều lên thành phố kiếm sống và một ngày nào đó, sẽ đến lượt Yikui rời khỏi làng quê.
“Không phải là vì cháu không muốn sống ở làng nữa mà vì cháu cần phải đến một nơi tốt hơn để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn và các thành phố là nơi có nhiều cơ hội cho cháu”, Yikui nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.