Ngày lễ, phơi mình trong nắng gió hòn Cau

29/04/2017 14:51 GMT+7

Mang theo bữa trưa gọn nhẹ, cả nhóm lục tục xuống thuyền, trực chỉ hòn Cau thẳng tiến.

Chạm chân đến TT.Liên Hương khi đêm đã chuyển sang khuya yên ả, sau một đêm ngủ say, sớm hôm sau, chúng tôi lục tục lên xe, tìm ra bến Thể Phong, nơi có hai tàu đáy kính của Trung tâm bảo tồn biển chờ sẵn. Mang theo bữa trưa gọn nhẹ, cả nhóm lục tục xuống thuyền, trực chỉ hòn Cau thẳng tiến.Vào tiết tháng 3, những cơn gió bắc vẫn thổi mênh mang, tạo thành những lượn sóng mạnh, vỗ bồng bềnh vào mạn tàu khiến việc di chuyển ra đảo khá vất vả. Tuy khoảng cách từ đất liền đến hòn Cau chưa đầy 10 hải lý nhưng chúng tôi phải mất hơn một giờ mới chạm đích. Ngước nhìn mây trời, biển xanh, chú Mười La, người vạn trưởng của làng chài Phước Thể kiêm hướng dẫn viên vui miệng kể chuyện: hòn Cau có tên gọi đúng là hòn Lao Câu.
Sở dĩ nó có cái tên này vì xa xưa quanh đảo cá nhiều vô kể, chỉ cần chèo thuyền ra đây cắm câu. Chiều về, mỗi ghe nặng trĩu cả tấn cá. Không chỉ vậy, đây cũng là nơi vích và đồi mồi chọn làm chỗ sinh sản. Đáy biển vùng này cũng là nơi các loại san hô quý thi nhau nở rộ tạo thành một thủy cung tuyệt vời.
Truyền khẩu rằng: Năm 1918, có một vị quan từ Huế đi thuyền qua vùng này bị nạn, ông cầu khấn và được Nam Hải tướng quân đưa thuyền vào đảo trú ẩn an toàn. Khi về triều, ông dâng biểu tấu trình công đức của cá Ông, xin vua Khải Định phong sắc thần cho miễu.
Được biết, trong miếu này ngoài tượng Thánh mẫu Thủy Long, còn có bộ cốt cá ông bị lụy, được ngư dân rước về chôn cất, cải táng và đưa vào miếu để thờ kính.Hằng năm, vào dịp lễ cầu ngư, ngư dân Phước Thể đều ra đảo thực hiện nghi lễ cúng trời biển rất lớn.
Làm một vòng khảo sát, rất dễ nhận ra: hòn Cau chỉ là một đảo nhỏ thuộc H.Tuy Phong, Bình Thuận. Đây cũng là điểm hứng chịu những cơn gió khô khốc cháy da, đón cái nắng gay gắt oi nồng bởi vị trí của đảo nằm trong tuyến khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước.
Ở đây, thực vật rất hiếm hoi, cơ bản chỉ là các dây đậu ma thi nhau bò bám trên các vách đá cheo leo, nóng bỏng. Tìm mãi chúng tôi mới thấy một vạt phi lao có hình dáng cong vẹo. Hình dáng này được tạo thành khi gió nam và bắc thay nhau thổi quanh năm, khiến cây mang dáng khá kỳ dị.
Sau vài năm trở lại, thăm đảo hòn Cau hôm nay, cảnh sắc đã làm ai nấy chùng lòng, vì nhìn vào đáy biển sau lớp kính của tàu, một “nghĩa địa” san hô gãy vụn đập vào mắt khiến chúng tôi lặng im xa xót.
Chợt tiếng chú Mười La nhẹ buông như thở: Bây giờ đánh bắt hải sản thất bát lắm, ngư dân không biết làm gì nếu như biển không còn cá nữa…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.