Nghiên cứu sự sống trên sao Hỏa từ sa mạc Atacama

28/03/2017 21:02 GMT+7

Sa mạc Atacama (Chile) là nơi được xác nhận khô cằn nhất hành tinh, liên tiếp hứng chịu những tia bức xạ cực tím mạnh của mặt trời và từ rất lâu chưa được hứng giọt mưa nào.

Chính vì thế, môi trường khắc nghiệt này được các nhà khoa học lựa chọn để nghiên cứu robot tự hành KREX-2 hướng về các sứ mệnh tương lai trên sao Hỏa, theo trang tin Newatlas.
Robot tự hành là một phần của dự án ARAD, nhằm củng cố giả thuyết sự sống có thể tồn tại trên sao Hỏa dưới dạng vi khuẩn nằm trong lòng đất hoặc bên trong các khối đá. Bắt đầu từ tháng 2.2016 và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2019, ARAD thu hút 20 nhà khoa học đến từ Mỹ, Chile, Tây Ban Nha và Pháp. Trung tâm nghiên cứu là Trạm Yungay trong lòng sa mạc Atacama.
Môi trường tại Atacama ấm hơn nhiều so với sao Hỏa nhưng sự khô hạn ở nơi này đã kéo dài ít nhất là 10 - 15 triệu năm. Sự khô hạn này lại tạo ra thành phần hóa học của đất rất giống với hành tinh đỏ, là nơi phù hợp để dự án ARAD thử nghiệm và tinh chỉnh các công nghệ cần thiết.
Robot tự hành KREX-2 bao gồm máy khoan SOLID để dò tìm vi khuẩn, Phòng Thí nghiệm MILA để phân tích dấu hiệu cuộc sống, nó sẽ xử lý các mẫu chất lỏng bé nhỏ để mong tìm ra a xít amin là nền tảng cho sự sống.
Nhóm các nhà khoa học đã thành công khi cho robot khoan sâu xuống 2 m, thu các mẫu vật nhằm nghiên cứu các dấu hiệu của sự sống trong quá khứ và hiện tại. Nhận định ban đầu là hai thiết bị SOLID và MILA được robot mang theo đã hoạt động khá tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.