Người dân thờ ơ khi cảnh sát giao thông bị tấn công

11/08/2014 13:50 GMT+7

Thời gian gần đây, trên địa bàn Thanh Hóa xảy ra một số vụ va chạm giữa những thanh niên vi phạm giao thông với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Khi xử lý những trường hợp này, CSGT thường tỏ ra lúng túng, yếm thế, trong khi người dân khoanh tay đứng nhìn với thái độ thờ ơ, vô cảm.

Hình ảnh CSGT lúng túng khi xử lý người vi phạm - Ảnh: Hình ảnh cắt ra từ clip do người dân ghi lại
CSGT lúng túng khi xử lý người vi phạm - Ảnh: Hình ảnh cắt ra từ clip do người dân ghi lại 

Mới đây nhất, vào khoảng 16 giờ 30 ngày 16.7, tổ CSGT Công an huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) do trung tá Phạm Văn Bằng làm tổ trưởng phát hiện 2 thanh niên không đội mũ bảo hiểm điều khiển xe mô tô lưu thông trên QL.1A (đoạn qua xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia).

Khi bị yêu cầu dừng phương tiện, 2 thanh niên không những không chấp hành, còn chửi bới CSGT rồi bỏ chạy. Khi lực lượng CSGT chặn được, yêu cầu kiểm tra giấy tờ, người thanh niên điều khiển xe mô tô không những không chấp hành mà còn chửi bới, lăng mạ tổ CSGT. Thậm chí, thanh niên này còn chống đối quyết liệt, giằng lại xe, cởi áo, nhảy lên thùng xe chửi bới, ngăn cản không cho lực lượng CSGT mang xe về trụ sở xã Hải Ninh.

Bị đưa về trụ sở công an, người thanh niên khai là Lê Ngọc Sáng (20 tuổi, ngụ tại xã Hải Ninh). Sau khi bị lập biên bản, tạm giữ giấy tờ, phương tiện và xử phạt hành chính, Sáng đã viết bản kiểm điểm trong đó nói rõ, bản thân biết rõ việc không đội mũ bảo hiểm là vi phạm an toàn giao thông, nhưng vẫn cố tình chống đối CSGT do trước đó có uống rượu…

Không chỉ dừng lại ở việc xô xát, nhiều trường hợp còn tấn công lại cả lực lượng CSGT khi bị xử lý vì vi phạm giao thông. Điển hình nhất là vụ một CSGT Công an TP.Thanh Hóa bị một thanh niên đánh trọng thương vào ngày 10.5 vừa qua, tại ngã tư Bưu điện trung tâm TP.Thanh Hóa.

Khi bị lực lượng CSGT giữ lại do vượt đèn đỏ và yêu cầu kiểm tra giấy tờ, thanh niên tên Độ liền nhục mạ, quật ngã, sau đó đấm đá túi bụi thiếu tá CSGT Ngô Hồng Hải khiến anh Hải bị trọng thương. Chỉ khi lực lượng cảnh sát trật tự có mặt tại hiện trường, Độ mới ngừng hành hung thiếu tá Hải và bỏ trốn. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, Độ đã đến trụ sở Công an TP.Thanh Hóa đầu thú, thừa nhận hành vi sai trái của mình. Ngay sau đó, Độ đã bị cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa khởi tố về tối “chống người thi hành công vụ”.

Đáng nói là khi các vụ việc trên xảy ra, rất đông người dân chứng kiến nhưng lại tỏ thái độ thờ ơ, vô cảm trước việc các CSGT bị tấn công. Khi được hỏi tại sao khi chứng kiến CSGT bị tấn công, nhưng không có hành động nào để can ngăn, hỗ trợ CSGT, một số người dân trả lời “đó không phải là trách nhiệm của chúng tôi”.

Trao đổi với Thanh Niên, Phó giám đốc Công an Thanh Hóa Khương Duy Oanh lý giải: “Nguyên nhân của tình trạng ấy nói một cách dễ hiểu là do hầu hết người dân đều vi phạm an toàn giao thông ở các mức độ khác nhau. Khi bị lực lượng CSGT kiểm tra, xử phạt đã sinh ra cái nhìn thiếu thiện cảm với CSGT. Chính vì vậy, khi xảy ra các vụ việc thanh niên ngổ ngáo gây sự, tấn công CSGT, người dân đã bàng quan”.

Cũng theo đại tá Oanh, việc lúng túng trong quá trình xử lý những người cố tình chống đối cũng có một phần trách nhiệm của CSGT. Nguyên nhân là do CSGT thường bị áp lực tâm lý nên không dám sử dụng công cụ hỗ trợ, không kêu gọi quần chúng nhân dân cùng tham gia khuyên bảo, khống chế những người vi phạm an toàn giao thông cố tình chống đối.

“Chúng tôi đang tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị để lực lượng CSGT hạn chế thái độ nóng nảy, vi phạm qui trình công tác khi xử lý những người vi phạm, nhằm xây dựng hình ảnh người CSGT chuyên nghiệp, thân thiện trong mắt nhân dân. Đồng thời, sẽ cương quyết xử lý nghiêm những đối tượng thanh niên vi phạm an toàn giao thông cố tình chống đối lực lượng CSGT”, đại tá Oanh nói.

Ngọc Minh

>> Đã vi phạm còn đánh CSGT
>> Mượn danh CSGT để vòi tiền
>> Xét xử 3 bị cáo đánh CSGT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.