Người phạm tội nào có thể đóng tiền phạt để khỏi phải ở tù?

28/03/2017 12:02 GMT+7

Trường hợp của bị cáo Dương, HĐXX nhận thấy Dương có đủ điều kiện để thi hành án phạt tiền nên áp dụng hình phạt trên theo hướng có lợi cho bị cáo. Trong một số trường hợp, tòa có quyền quyết định người phạm tội có thể đóng tiền phạt để khỏi phải ở tù.

Mới đây, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.HCM tuyên phạt đối với bị cáo Hà Thị Thùy Dương (34 tuổi, nguyên nữ tiếp viên hàng không Asiana Airline - Hàn Quốc) về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới số tiền 1,2 tỉ đồng.
Theo nhận định của HĐXX, Khoản 3 Điều 189 của tội danh này quy định: “phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1 - 3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 5 - 10 năm”. Trường hợp của bị cáo Dương, HĐXX nhận thấy Dương có đủ điều kiện để thi hành án phạt tiền nên áp dụng hình phạt trên theo hướng có lợi cho bị cáo.
Luật sư (LS) Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) cho biết trong hệ thống hình phạt chính của pháp luật hình sự Việt Nam, hình thức “phạt tiền” là hình phạt chính không phải là mới.
Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành vẫn quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng (là tội gây nguy hại không lớn cho xã hội và có mức cao nhất của khung hình phạt là đến 3 năm tù) xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, rất ít các trường hợp Tòa án áp dụng hình phạt này thay cho hình phạt tù mà chỉ áp dụng là hình phạt bổ sung mà thôi.
BLHS 2015 mang tính nhân văn hơn khi mở rộng diện được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính thay cho hình phạt tù. Bao gồm: Tội phạm ít nghiêm trọng; Tội phạm nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt là từ 3 - 7 năm tù); Tội phạm rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác (có mức cao nhất của khung hình phạt là từ 7 - 15 năm tù).
Hiện BLHS 2015 chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, theo nguyên tắc “hồi tố” của các đạo luật hình sự, điều luật nào có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước khi điều luật đó được ban hành.
Theo LS Thư, thường bị cáo phải chứng minh được thu nhập thì mới có thể được đóng phạt tiền thay phạt tù Ảnh minh họa: Đ.N.T
Mặt khác, Nghị quyết 109 của Quốc hội về việc thi hành BLHS có quy định cho phép các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội có hiệu lực thi hành ngay khi BLHS 2015 được ban hành, chưa có hiệu lực.

Khi áp dụng lại có sự bất cập như sau: cùng một hành vi phạm tội như nhau, nhưng nếu người có tiền sẵn sàng đóng thì chỉ bị phạt tiền còn người không có thì phải đi tù, sẽ tạo ra khác biệt lớn. Thêm vào đó, nếu không có cơ chế giám sát, kiểm sát chặt chẽ để dẫn đến tiêu cực ở các Thẩm phán khi toàn quyền lựa chọn áp dụng một trong hai hình thức trên"

LS Huỳnh Công Thư

Để áp dụng quy định trên thống nhất, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015. Như vậy, mặc dù chưa có hiệu lực pháp luật do bị hoãn, các qui định của BLHS 2015 mà có lợi cho người phạm tội vẫn có hiệu lực thi hành.
Tội danh nào được áp dụng phạt tiền?
LS Huỳnh Công Thư cho hay có rất nhiều tội danh được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính như: tội trốn thuế; tội cho vay nặng lãi; tội vi phạm các quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới…
Đa số các tội mà BLHS quy định có hình phạt tiền là sự lựa chọn của tòa án khi áp dụng là các tội phạm xâm phạm trật tự kinh tế, môi trường, hành chính…là những tội ít nguy hiểm cho xã hội nên quy định phạt tiền là đánh vào kinh tế, tài chính người phạm tội, làm cho họ sợ bị thiệt hại kinh tế mà không dám tái phạm.
Đây cũng là xu hướng chung của chính sách pháp luật các nước như Mỹ, Pháp, Singapore…
Tuy nhiên, LS Thư cũng nêu ý kiến băn khoăn: "Khi áp dụng lại có sự bất cập như sau: cùng một hành vi phạm tội như nhau, nhưng nếu người có tiền thì chỉ bị phạt tiền còn người không có thì phải đi tù, sẽ tạo ra khác biệt lớn. Thêm vào đó, nếu không có cơ chế giám sát, kiểm sát chặt chẽ để dẫn đến tiêu cực ở các Thẩm phán khi toàn quyền lựa chọn áp dụng một trong hai hình thức trên".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.