Người Sài Gòn hiến đất tiền tỉ mở hẻm: Giá nhà tăng mạnh sau 'thương thuyết' 10 năm

12/09/2019 11:50 GMT+7

Những cuộc thương lượng âm thầm và kiên trì ròng rã suốt nhiều năm trời đã giúp người dân "xiêu lòng" sẵn sàng hiến đất của mình để mở rộng hẻm ở các khu nhà trung tâm TP.HCM. Hữu xạ tự nhiên hương, sau mở hẻm, ngoài chuyện đường thông hè thoáng, người dân cũng bất ngờ nhận được nhiều lợi ích vì giá nhà tăng chóng mặt.

Sau khi hiến đất mở rộng hẻm, người dân ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM đều cảm thấy hài lòng với quyết định của mình vì... giá nhà tăng chóng mặt.

Hẻm kẹt xe thành hẻm xe hơi vào được

Cách đây chục năm, trên đường Cô Giang, Cô Bắc (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nhà cửa xây lên san sát nhau, hẻm nhỏ 2 mét được đổ bê tông với sự đồng thuận của người dân. Sau nhiều năm sử dụng, đường bị xuống cấp, những ổ gà bắt đầu xuất hiện trong hẻm khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều bất tiện dù là nắng hay mưa.
Tương tự, người dân ở hẻm 270 Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) cũng đã từng đau đầu về tình trạng kẹt xe diễn ra vào mỗi buổi chiều. Bà Nguyễn Thị Kim Dung (người dân trong hẻm) kể: “Khi chưa mở rộng hẻm, mỗi lần học sinh tan học là không có chỗ nào mà tránh. Ngoài đường lớn kẹt nên bao nhiêu xe dồn vào trong hẻm”.
3 năm trước, sau khi được chính quyền vận động hiến đất mở rộng hẻm để nâng cao chất lượng đời sống, 2 con hẻm trên đã thành những con đường rộng 6m được trải nhựa bằng phẳng, mặt đường láng bóng, xe cứu thương, cứu hỏa chạy vào tận trong hẻm thoải mái. Nhà cửa vẫn san sát nhau nhưng gọn gàng hơn nhiều so với cảnh lồi ra thụt vào như trước.

Hai bên đường Cô Giang, hàng quán mọc lên nhiều. Dù trận mưa buổi chiều rất lớn nhưng không hề có nước đọng lại như trước.

Anh Lê

Trong đường Cô Bắc, chiều chiều trẻ em thường mang cầu lông hoặc xe đạp ra chạy vòng quanh hẻm. Người già cũng rủ nhau đi bộ tập thể dục. Dù là đường nhỏ nhưng hầu như nào cũng kinh doanh, buôn bán, từ cửa hàng quần áo, ăn uống cho đến cả trường học cũng mọc lên trong hẻm.
Ông Phan Thế Long tâm sự: “Mở đường xong là có trường mầm non Sơn Ca chứ ngày xưa không có. Giờ tôi đưa mấy đứa cháu qua đây học đưa đón rất tiện. Bước chân ra đường là cái gì cũng có, chiều chiều ngồi uống ly bia hay ly cà phê chơi rồi đợi đón mấy đứa cháu về”.

Hẻm 162 Phan Đăng Lưu (P.3, Q.Phú Nhuận) được vận động mở rộng từ năm 2009 nhưng đến 2015 mới vận động được sự đồng thuận của người dân. Đây là con hẻm thông từ đường Phan Đăng Lưu ra đường Phan Xích Long và Nguyễn Kiệm.

Khi chưa được mở rộng, hẻm chỉ rộng 2 mét, một số đoạn chỉ có 1 mét, đủ một chiếc xe máy đi qua. Theo người dân trong hẻm, có những đoạn cua gắt, hẻm lại nhỏ nên đi lại rất khó.
Giờ đây, hẻm 162 đã khoác lên mình bộ áo mới khiến ai lâu ngày không ghé sẽ nhận không ra vì hẻm đã được mở rộng lên thành 5-6 mét, hai xe hơi đi tránh nhau vô tư.
Ông Huỳnh Văn Rộng (63 tuổi, số nhà 162/44) cho biết, nhà ông hiến 5 mét đất để mở rộng hẻm. “Nhà tôi đồng ý ngay từ đầu vì mở hẻm ra mình có lợi ích hơn mà. Cả khu hẻm mát mẻ hơn, rộng rãi thoáng mát, xe cộ ra vô thuận tiện, taxi vô tới nhà. Làm hẻm rộng xong nhiều nhà xây dựng mới lên lầu nên nhìn hẻm khang trang hơn, nhà có giá hơn rất nhiều”, ông Rộng nói.

10 năm thuyết phục một hộ

Bà Đoàn Thị Thúy Phượng, Công chức địa chính Xây dựng Đô thị Môi trường UBND P.3, Q.Phú Nhuận cho biết, quá trình mở rộng hẻm 162 bắt đầu từ năm 2009. Thời điểm ấy, nhiều người dân đặt vấn đề nghi ngờ “việc hiến đất không biết có khả quan không”, “mình hiến nhưng hàng xóm có hiến không?”,… nên chần chừ chưa đồng ý. Đến năm 2015, đa số người dân trong hẻm đồng thuận, UBND mới bắt đầu vạch ranh quy hoạch, lên phương án hỗ trợ đền bù cấu trúc.

Nhà cửa hai bên đường cũng rất đều nhau, không còn lồi lóm như trước

Anh Lê

Lúc này, chính quyền lại tiếp tục gặp khó khăn vì có hộ đồng ý hỗ trợ, hộ lại phản đối. Cán bộ của phường lại tiếp tục công tác vận động từng hộ một. Đến thời điểm hiện tại, UBND đã nhận đất của 68 hộ trong hẻm và mở rộng, trải nhựa cho con hẻm. Sau khi mở rộng, hẻm này sẽ thông với hẻm 440 Nguyễn Kiệm và 43 Phan Xích Long.
Để thuyết phục người dân, bà Phượng đã phải nêu ra những lợi ích của việc mở rộng hẻm, như: giá trị căn nhà tăng lên, người dân được phép xây dựng mới với chiều cao tăng lên, nhà nào diện tích lớn sẽ được tách thửa, những nhà hiến đất diện tích không đảm bảo 15m2 để xây dựng nhưng vẫn tạo điều kiện cho xây mới, đảm bảo giao thông, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vẻ mỹ quan đô thị đẹp hơn.
Theo ông Huỳnh Văn Vũ, Phó chủ tịch UBND P.3, điều đặc biệt của hẻm này 4 căn nhà phải giải tỏa trắng, không tái định cư mà hoán đổi đất để thông hẻm. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ vì hoán đổi đất ở thành đất giao thông, và một phần đất giao thông thành đất ở nên hiện hồ sơ vẫn đang chờ UBND TP duyệt.

Hẻm 162 Phan Đăng Lưu nhận không ra sau khi mở rộng

Vũ Phượng

Trường hợp khác, trong quá trình mở rộng hẻm, phường và quận cũng phối hợp kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng lại 2 căn nhà tình thương của người dân trong hẻm. Đến nay, hai hộ này đã thoát nghèo. Những hộ bị cắt vào đất quá nhiều làm diện tích còn lại nhỏ hơn diện tích quy định được cấp phép xây dựng, UBND quận cũng tạo điều kiện cấp phép để người dân nâng cao đời sống.
Ông Vũ nhận định, hẻm 162 góp phần đáng kể vào việc giải tỏa kẹt xe trên đường Phan Đăng Lưu, hướng đi về Ngã tư Phú Nhuận.

Dự định việc mở rộng hẻm 162 Phan Đăng Lưu sẽ hoàn thành xong hết vào trước tết Nguyên Đán năm 2020

Vũ Phượng

Cũng theo ông Vũ, chỉ có trường hợp một căn nhà vì mở hẻm sẽ bị cắt dọc nhà nên diện tích còn lại không đáng kể. Sau 10 năm vận động, thuyết phục, gia đình mới đồng ý hiến đất mở hẻm và thỏa thuận số tiền bồi thường là 4,8 tỉ đồng. Đó là căn nhà của một cụ ông đang định cư ở nước ngoài.
Theo bà Phượng, giá đất hẻm 162 Phan Đăng Lưu trước khi mở hẻm là 90 triệu đồng/m2, hiện tại khi hẻm được mở rộng 5m là 150-160 triệu đồng/m2.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Quang Minh (50 tuổi, con chủ nhà) cho biết, ban đầu gia đình ông không đồng ý vì yêu cầu số tiền cao hơn, tương xứng với giá trị của lô đất ở mặt tiền Phan Đăng Lưu là 6 tỉ (đã bớt 700 triệu đồng). Nhưng qua nhiều lần tiếp xúc với chính quyền và các cuộc họp gia đình, nhà ông nhận thấy phường và quận cũng có thiện chí nên chấp nhận mức thỏa thuận đền bù là 4,8 tỉ đồng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.