Người trẻ và hành trình chinh phục cực đông Tổ quốc

19/02/2017 10:02 GMT+7

“ Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi/ Để ta khắc tên mình trên đời/Dù ta biết gian nan đang chờ đón/Và trái tim vẫn âm thầm/Ta bước đi hướng tới muôn vì sao ”…

Câu hát trong bài Đường đến vinh quang của ca sĩ Trần Lập vang lên trong tôi khi chúng tôi bước vào chinh phục điểm cực đông của Tổ quốc trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

tin liên quan

Du xuân ngang dọc quê nhà
Ngày nay, xuất hành du lịch đầu năm đã trở thành nét văn hóa ngày càng phổ biến. Ít tiền thì đi chơi gần, nhiều hơn thì đi chơi xa, sang các nước.
Sáng mùng 5 tết 2017 đoàn chúng tôi rong ruổi trên 3 con ngựa sắt bon bon trên đường đến với Mũi Đôi - điểm cực đông của nước ta. Hiện nay, có 2 điểm vẫn đang được cho là cực đông của VN, đó là: Mũi Điện thuộc tỉnh Phú Yên và Mũi Đôi thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Đối với Mũi Điện, gần hải đăng Mũi Điện (hải đăng Đại Lãnh), người ta có xây dựng một tấm bảng bằng đá hoa cương ghi dòng chữ “Điểm cực đông - Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Điểm cực này tôi cũng đã có dịp đến cách đây 3 năm, Mũi Điện dưới chân ngọn hải đăng Đại Lãnh ở Phú Yên, đường đi rất dễ với những bậc bê tông men theo sườn núi dẫn lên.
Một điểm cực đông khác được xác định tọa độ thông qua GPS, đánh dấu bằng một cái chóp inox trên tảng đá khá cao ở Mũi Đôi (sách giáo khoa địa lý lớp 12 - Tái bản lần thứ 3 năm 2011 của Nhà xuất bản Giáo dục có ghi “cực đông tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa”), đây là điểm đến của đoàn chúng tôi trong chuyến đi này.
 
Sau gần 3 tiếng chạy xe từ Nha Trang với lỉnh kỉnh ba lô và lều trại, chúng tôi đến được Đầm Môn, nghỉ ngơi ăn trưa và bắt đầu chặng đường leo bộ chinh phục cực đông của đất nước. Đường ra chinh phục Mũi Đôi (cực đông) phải trải qua nhiều loại địa hình. Từ Đầm Môn, chúng tôi phải băng qua những đồi cát cao mà nhiều người vẫn hay gọi là sa mạc.
Sau khi vượt 4 tiếng đồng hồ lội suối vượt núi dưới cơn mưa tầm tã, trong rừng cây với những tán lá hình vòm, leo lên những con dốc cao rồi lại di chuyển xuống và khoảng 2 tiếng đồng hồ mò mẫm đi trong đêm với 2 cái đèn pin le lói, cả đoàn chúng tôi ai nấy ướt như chuột do mưa mà mồ hôi vẫn chảy ròng ròng, thú thật là chưa bao giờ gặp khó khăn và vất vả như thế.
Chúng tôi 6 người gộp với 4 người đoàn khác và 1 người dân địa phương dẫn đường, cứ thế người đi trước kẻ theo sau lần mò đi trong đêm tối. Nhưng đích đến là cực đông nên khó khăn và gian nan vất vả cũng không làm chùn được bước chân của chúng tôi. Gian nan là thế, mệt là thế nhưng thi thoảng giọng hát vẫn vang xa:
Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng
Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai
Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió
Lời hứa ghi trong tim mình
Vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao.
Và con tim ta đã ước nguyện cùng nhau vai kề vai.

Đúng là trong khó khăn mới cảm nhận được tình người dành cho nhau sâu đậm hơn bao giờ hết. Dù không quen biết, nhưng những người đi trước luôn truyền lại cho người sau chú ý về vật cản trên đường, những lúc đu cây, leo vách núi cùng nắm tay nhau kéo lên, phụ nữ dồn vào giữa, thanh niên chốt hai đầu rất tình người, rất ấm áp.

tin liên quan

Huyền ảo Bảy Núi
Vùng Bảy Núi (An Giang)  thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn là nơi phên dậu biên cương Tây Nam nước ta. Nơi đây “hang núi ngậm mây, suối cong nhả ngọc…”. Bảy Núi hôm nay đổi thay rất nhiều.
19 giờ, chúng tôi nghe thấy tiếng sóng vỗ. Tất cả vỡ òa sung sướng, và sau 15 phút nữa chúng tôi đã đến được bãi Rạng nghỉ đêm chờ sáng hôm sau tiếp tục chinh phục cực đông.
Hành trình chinh phục cực đông 3
Mẹ con (ảnh phải) và các “đồng đội” cùng chinh phục cực đông
6 giờ sáng mùng 6 tết, 8 người đoàn chúng tôi (2 người đã bỏ cuộc nằm lều ngủ lại. Cũng xin nói thêm về cái lều: 10 người chúng tôi dựng 3 cái lều bạt nằm cách mép sóng chừng 10 m, cả đêm mưa như trút cộng với sóng đánh gầm gào, tôi chỉ ôm gối ngồi canh con gái ngủ, nghĩ dại nhỡ sóng mạnh xô vào cuốn trôi cả lều…) tiếp tục leo trên những vách đá cheo leo hoặc trèo (nhảy ghềnh) trên những tảng đá rất lớn để đến được cực đông.
Những gờ đá dài chỉ rộng khoảng 5 cm mà phải bò trườn di chuyển, không may trượt tay hoặc chân rơi xuống thì cực kỳ nguy hiểm bởi bên dưới là vực sâu. Tôi di chuyển mà đầu óc căng như dây đàn, mông lung nghĩ về những điều không may có thể xảy ra. Ngay sau tôi là con gái...
Sự quyết tâm, lòng quả cảm của cả đoàn đã được đền đáp khi chúng tôi tiếp cận được cực đông của Tổ quốc (nơi đất liền có kinh độ xa nhất). Giây phút đứng trên tảng đá cao hơn 10 m so với mặt nước biển, có gắn chóp tam giác xác định cực đông, giữa mây trời biển cả trong tiếng sóng vỗ trắng xóa tung cao gần tảng đá, hít thở thật mạnh để cảm nhận vị ngọt quê hương đất nước mới thấy yêu non sông gấm vóc này, cảm phục tất cả những ai đã chinh phục được điểm cực đông này (với lối đi bộ), tự hào về bản thân mình… Lúc này, tôi mới thấm thía rằng chặng đường chinh phục điểm cực đông này sẽ không phù hợp với những người có tiền sử về bệnh tim mạch, huyết áp và… yếu bóng vía!
Hành trình chinh phục cực đông 4
Theo tìm hiểu của chúng tôi, về lý thuyết, điểm cực đông trên đất liền thuộc địa phận Mũi Đôi tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, cũng có giả thiết cho rằng, trục của trái đất (tính từ Nam cực sang Bắc cực) không song song với trục của mặt trời mà nghiêng một góc 23,5 độ.
Vì vậy, mật độ ánh sáng của một điểm bất kỳ trên trái đất sẽ thay đổi theo chu kỳ một năm. Khi đó, Mũi Điện ở độ cao 85 m so với mực nước biển sẽ đón bình minh trước Mũi Đôi vì còn bị che khuất bởi Hòn Đôi (Hòn Đầu) ở phía trước nữa.
Lại 5 tiếng lội suối băng rừng để trở về. Nhưng đường trở về dường như ngắn lại, đi trong rừng buổi sáng, nhìn lại quãng đường mình đã đi qua trong đêm tối hôm qua thấy đẹp tuyệt và mến yêu lạ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.