Người Việt ở nhờ tại 'chiến hạm' Madagascar

23/07/2017 14:02 GMT+7

Nhiều người Việt chỉ biết Madagascar là chỗ nào đó trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Mỹ, có đám sư tử, ngựa vằn, hà mã... Còn tôi thích so sánh hình ảnh đảo quốc này với một chiến hạm hơn. Một chiến hạm lẻ loi và bất khuất!

Gian nan ngủ nhờ
Rất ít thông tin về quốc gia này trên mạng. Các bài viết bằng tiếng Việt na ná nhau. Có cảm giác như họ dịch lại từ một vài nguồn nào đó từ tiếng nước ngoài để đăng lại. Thông tin rất chung chung khiến những người muốn đi tự túc chả "rút tỉa" được gì.
Các trang tiếng nước ngoài thì toàn thấy quảng cáo tour du lịch. Vì vậy, đi du lịch một mình, việc xin ngủ nhờ và kết bạn với người bản xứ là một trong những cách vừa tiết kiệm, lại vừa có thêm thông tin và hiểu về đời sống, con người ở điểm đến tốt hơn.
Faso là gã cho tôi ngủ nhờ khi đến Antannarivo, thủ đô và là thành phố lớn nhất của Madagascar. Phải khó khăn lắm để xin được ngủ nhờ ở đây. Trên trang web nổi tiếng chuyên về khách du lịch xin ở nhờ tại nhà người bản địa, tôi thấy chỉ có 4 người "nhận khách".
Số còn lại khoảng hơn chục người nhưng để trạng thái “có thể nhận khách” với thông tin trên trang cá nhân khá ít ỏi. Một quốc gia với hơn 22 triệu dân nhưng chỉ ngần ấy người sử dụng trang mạng lớn nhất thế giới này cũng phần nào cho thấy du lịch ở đây kém phát triển, internet cũng không phổ cập rộng rãi hay có thể phản ảnh ngay cả mức sống của họ: một quốc gia với hơn 70% dân số sống với mức dưới 2 USD (45.000 đồng)/ngày. Tôi vẫn quyết tâm xin ở nhờ.
Ở nhờ tại Madagascar 1
Trẻ em xin ăn theo nhóm ở đại lộ Baobab
Tôi cẩn trọng kiểm tra thông tin cá nhân của họ và gửi đề nghị cho 6 người. Hai tuần sau đó vẫn không thấy bất kỳ ai phản hồi. Trước ngày đến đây một tuần, chỉ duy nhất có một tin nhắn gửi lại nhưng đó là tin nhắn từ chối từ Faso với lời nhắn rằng hắn không thấy tôi có gì đặc biệt cả. Đúng là tôi có hơi chủ quan khi gửi lời đề nghị nhưng thông tin cá nhân của tôi đã khá chi tiết trên mạng kia mà. Tôi những tưởng kế hoạch ở nhờ tiêu tan. Tôi đặt sẵn phòng khách sạn và gửi lại cho Faso thông tin về các nước tôi đã đi qua, các phản hồi từ những người đã từng cho tôi ở nhờ. Tận mấy ngày sau, mới thấy hắn nhắn lại: “Hai ngày thôi phải không? Nếu vậy thì gửi đề nghị lại để tao chấp nhận”.
Thủ đô phố huyện
Đúng hẹn, Faso tới đón tôi ở sân bay. Một gã thanh niên cao to khá đầy đặn với nước da sậm màu không giống như những người châu Phi ở các nước thuộc Đông Phi với màu da đen nhánh mà tôi đã gặp trước đó. Faso là mẫu người điển hình của người Malagasy (tên cũ của Madagascar để chỉ đất nước, người và ngôn ngữ ở đây). Họ là những người có nguồn gốc Á khi người châu Á đầu tiên từ đảo Borneo (Malaysia ngày nay) di cư vào đây trước Công nguyên, rồi sau đó là những người gốc Ả Rập và những người Bantu tới từ châu Phi.
Chính vì vậy mà người Madagascar ngày nay có ngoại hình “pha trộn” một phần châu Á, châu Phi và Ả Rập. Faso tự hào kể cho tôi trên đường về nhà.
Ở nhờ tại Madagascar 2
Công viên quốc gia Tsingy de Bemaraha­
Ở nhờ tại Madagascar 3
Đại lộ Baobab
Cảm nhận đầu tiên khi vừa đặt chân tới thủ đô Antanarivo là khá nghèo nàn, lạc hậu, dơ bẩn và có phần giông giống một huyện nghèo nào đó ở VN, chỉ có điều nhộn nhịp và đông đúc hơn. Những chiếc xe hơi tưởng như không thể nào cũ hơn. Những chiếc xe buýt 16 chỗ chạy như mắc cửi, lúc nào cũng chật cứng người. Đường phố thì lại khá nhỏ hẹp. Hàng rong và quán xá tràn lan khắp phố.
Antananarivo sẽ mang lại cảm giác quen thuộc cho những du khách tới từ các quốc gia từng là thuộc địa Pháp bởi cách sinh hoạt và kiểu kiến trúc Pháp còn khá nguyên vẹn. Từ trung tâm thành phố, nếu đi quanh bờ hồ Anosy, hồ nước nhân tạo hình trái tim nằm ngay trung tâm thủ đô, có thể nhìn thấy toàn cảnh của cả thành phố này. Các căn nhà ở đây được xây trên các ngọn đồi vây quanh. Ai đó đã gọi thủ đô 2 triệu dân này bằng cái tên “thành phố trên đồi”.
Nhà của Faso là một căn nhà cũ kỹ xây từ thời Pháp với 4 tầng, mỗi tầng có ba căn phòng nhỏ chừng 20 m2. Tất cả các căn đều không có nhà tắm và vệ sinh riêng mà chỉ có đúng một khu vệ sinh ở tầng một. Không nằm ngoài dự đoán, căn nhà này tiền thân là một căn nhà lớn, sau đó ngăn nhỏ ra cho các thành viên trong gia đình. Faso bảo: “Toàn bộ ở đây là đại gia đình của tao”. Hiện có tất cả 7 hộ gia đình trong căn nhà này.
Ở nhờ tại Madagascar 4
Trải nghiệm “lục địa thứ 8”
Nhìn trên bản đồ, Madagascar như một chiến hạm khổng lồ nằm bất động ở Ấn Độ Dương về phía đông và cách biệt với các tất cả các quốc gia còn lại của châu Phi. Với chiều dài tương đương với VN nhưng rộng lớn hơn gần gấp 5 lần, Madagascar có một hệ sinh thái động thực vật và địa chất cực kỳ phong phú, đến mức nó được mệnh danh là lục địa thứ 8.
Để tham quan được hết những địa điểm nổi tiếng, du khách phải dành cả tháng. Với lịch trình ngắn ngủi, tôi quyết định chọn Morondava, một thành phố nằm ở miền Trung của nước này để đi thăm công viên quốc gia Tsingy được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và đại lộ Baobab.

Nhìn trên bản đồ, Madagascar như một chiến hạm khổng lồ nằm bất động ở Ấn Độ Dương về phía đông và cách biệt với các tất cả các quốc gia còn lại của châu Phi

Nhân vật

Tsingy de Bemaraha là một khu rừng rộng lớn và ẩn bên trong là những khu vực núi đá vôi màu xám sắc nhọn với nhiều hình thù kỳ lạ (bản thân từ Tsingy theo tiếng Malagasy có nghĩa là “không đi chân trần”). Chỉ một khu vực rất nhỏ trong khu rừng này được khai thác làm du lịch với độ khó khác nhau dành cho các cung trek (đi bộ có tính chất trải nghiệm và thử thách).
Khó nhất và đẹp nhất là Adamozavaky. Cung trek này chỉ vỏn vẹn 4 tiếng nhưng độ khó rất cao. Những đoạn băng ngang qua rừng đước, khách có thể thấy những sinh vật sống tự nhiên trong hoang dã như các loại chim, chuột, sóc và đặc biệt là loài vượn cáo, động vật quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ. Có những đoạn, khách phải men theo khe núi, bò, trườn trong những hang động tối om và trơn trượt. Nhưng bù lại, khi đã qua được đoạn khó nhất của hành trình, cảnh đẹp hùng vĩ trên đỉnh núi đá vôi là một tưởng thưởng xứng đáng.
Đại lộ Baobab nằm trên đường đi lại mang một vẻ đẹp lãng mạn khác lạ. Có tất cả 8 loại cây Baobab ở khắp châu Phi nhưng có 2 loại chỉ tồn tại ở Madagascar và cũng là 2 loại đẹp nhất. Baobab còn có một tên gọi khác là “cây mọc ngược” bởi hình thù kỳ lạ của cây này: cành và lá rất ít, tựa như một chùm rễ cây trên những thân cây khổng lồ. Có những cây phải chục người ôm mới trọn. Cả một tuyến đường dài với hai bên là những cây Baobab hàng nghìn năm tuổi với đủ mọi hình dáng nên được gọi là đại lộ Baobab.
Đây cũng là địa điểm thu hút khách du lịch bậc nhất ở Madagascar và cũng là nơi mà đám trẻ con ăn xin và đeo bám khách nhiều nhất.
Chúng chẳng bán gì, cứ thấy khách du lịch là cả một nhóm sát lại níu áo xin bánh, xin tiền. Tôi không cho tiền, chỉ cho chúng bánh kẹo và bút, viết. Khi phát hết cả số bánh kẹo mà tôi có, đám trẻ con chỉ vào cái vòng tay và cả cái đồng hồ của tôi để xin! Mọi thứ rất hồn nhiên như cảnh những đứa trẻ lem luốc ở trần đứng vẫy tay hai bên đường mỗi khi thấy một chiếc xe có khách du lịch chạy qua.
Faso nghe tôi kể lại những trải nghiệm của mình sau hơn một tuần rong ruổi khắp đảo quốc này, hắn trầm ngâm: “Tao vẫn duy trì công việc giảng viên của mình ở trường ĐH là vì muốn chia sẻ kiến thức cho nhiều người ở đây. Mặc dù công việc này thu nhập chẳng đáng là bao”.
“Tao cùng nhóm bạn đang lên kế hoạch mở xưởng sản xuất sô cô la. Ba năm nữa thôi, tụi tao sẽ có xưởng sản xuất đầu tiên và bán hàng ra khắp thế giới, sẽ tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Em trai tao, nó cũng đang dạy tin học miễn phí cho trẻ em ở đây. Nó sẽ mở trường để đào tạo tin học. Sẽ có nhiều người như anh em tao lắm, họ đang ấp ủ để mang lại nhiều việc làm...”, Faso nói, giọng chùng buồn nhưng mạnh mẽ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.