Nhà thờ Mộ Chúa trước nguy cơ sụp đổ

28/03/2017 22:28 GMT+7

Các nhà khoa học cảnh báo nhà thờ Mộ Chúa ở Jerusalem, một trong những nơi linh thiêng nhất của Thiên Chúa giáo, sẽ đổ sụp nếu không nhanh chóng được can thiệp.

Đội ngũ chuyên gia của Đại học Kỹ thuật quốc gia ở Athens (NTUA) thuộc Hy Lạp cho rằng cần phải thúc đẩy công cuộc gia cố và kiện toàn phần móng để ngăn chặn Edicule (theo tiếng Latin, có nghĩa là ngôi nhà nhỏ) và công trình kiến trúc xung quanh khỏi nguy cơ sụp đổ liên hoàn.

tin liên quan

Mantova nàng công chúa ngủ quên của nước Ý
Một lần đọc báo thấy Mantova được bình chọn là thành phố đáng sống nhất nước Ý, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Thành phố nhỏ này có gì hay mà vượt trên Rome, Milan, Florence…?
“Nếu nó sụp xuống, cả quá trình không diễn ra từ từ mà sẽ vô cùng thê thảm”, theo tạp chí National Geographic dẫn lời Antonia Moropoulou, người dẫn đầu nhóm vừa hoàn tất công trình phục hồi Edicule. Edicule là một cấu trúc nhỏ nằm lọt thỏm bên trong nhà thờ Mộ Chúa, bao trùm phần còn lại của một hang động, mà từ thế kỷ thứ 4 đã được tôn sùng là mộ của Jesus Christ, người sáng lập Thiên Chúa giáo.
Công tác phục hồi Edicule đã tiết lộ hầu hết nhà thờ từ thế kỷ 19 và mái vòm xung quanh, nơi đón hàng triệu lượt du khách và người hành hương mỗi năm, dường như được xây trên nền tảng bất ổn của các tàn tích còn lại những cấu trúc trước đó, và được đan chéo bởi những đường hầm và kênh rãnh chằng chịt.
Trong khi dự án phục hồi Edicule vừa khép lại hồi tuần trước với buổi lễ trang trọng và kéo dài tại nhà thờ, giới khoa học gia và lãnh đạo nơi này đã sửng sốt khi được cung cấp chứng cứ mới cho thấy nơi linh thiêng nhất của Thiên Chúa giáo đang đối mặt với những nguy cơ thực tế và sát sườn.
Lịch sử đe dọa tương lai
Báo cáo gần đây nhất của NTUA tiết lộ nhà thờ Mộ Chúa đang bị đe dọa bởi lịch sử phong phú của chính mình. Giới khảo cổ học đều đồng ý rằng cách đây khoảng 2.000 năm, đây từng là một mỏ khai thác đá vôi bị biến thành nơi đặt hầm mộ của giới thượng lưu Do Thái thời đó. Ít nhất 6 ngôi mộ như vậy đã được tìm thấy bên dưới nhà thờ, bên cạnh ngôi mộ của Chúa Jesus. Đại đế Constantine, vị vua đầu tiên theo đạo Thiên Chúa của chính quyền La Mã, vào năm 324 đã cho san bằng đền thờ được xây vào thế kỷ thứ hai, và thay thế bằng đền thờ khác.
Tuy nhiên, một phần di sản từ thời Constantine đã bị những kẻ xâm lược người Ba Tư phá hủy vào thế kỷ thứ 7, và một lần nữa nơi này lại sụp đổ bởi bàn tay của đế chế Fatimid của Hồi giáo vào năm 1009. Nhà thờ mới được khởi công vào giữa thế kỷ 11. Sau đó, Edicule được những người tham gia cuộc Thập tự chinh trùng tu và một lần nữa được phục hồi vào thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 19. Điều này có nghĩa là công trình hiện tại đang được đặt chồng lên khoảng 4 - 5 tầng cấu trúc trong gần 2.000 năm qua. Kể từ đó, nhà thờ Mộ Chúa không còn sửa chữa cho đến năm ngoái.
Kết quả khảo sát gần đây đã hé lộ nguy cơ chưa từng biết đến trước đây đối với nhà thờ của lịch sử loài người. Nhờ vào radar xuyên thấu lòng đất, camera robot và những công cụ hiện đại khác, các chuyên gia phát hiện phần nền của Edicule nằm trên tầng tầng lớp lớp đổ nát của các công trình trước đó. Các đường hầm và hốc trống mà sự tồn tại chưa giải thích được chạy xuyên phía dưới và xung quanh Edicule. Vài cái cột nặng cỡ 22 tấn chống đỡ mái vòm lại đang nằm bên trên phần nền đổ nát chưa được gia cố.
Nhờ nguồn tài chính gần 3,5 triệu euro, Edicule đã trải qua cuộc trùng tu được chờ đợi lâu nay, và cũng nhân dịp này giới khoa học lần đầu tiên mở cửa hầm mộ sau nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, nếu không sớm triển khai thêm các dự án tu bổ toàn diện khác, nhà thờ Mộ Chúa sẽ đối mặt với nguy cơ có thể đe dọa sự tồn tại của nó. NTUA đã đề xuất dự án kéo dài 10 tháng, chi phí 6 triệu euro nhằm di dời các khối đá bị nứt xung quanh, trám các lỗ hổng, đào hệ thống xử lý nước… để tạm thời duy trì sự an toàn cho nhà thờ Mộ Chúa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.