Hiển hiện nguy cơ lãng phí 35 tỉ đồng

04/08/2011 08:20 GMT+7

Hơn 35 tỉ đồng là số tiền đầu tư để gia cố tuyến đê, kè hơn 3 km ở Hải Phòng, nhưng bão chưa đổ bộ, cả tuyến đê này đã hư hại nặng.

Trước đó, Thanh Niên Online đã đưa tin đoạn đê biển từ Bến Gót đến Gia Lộc ở huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng đã bị sạt lở nghiêm trọng dù chỉ chịu ảnh hưởng không đáng kể của bão số 3. Đáng ngạc nhiên khi đây là một dự án vừa mới thực hiện, còn chưa được bàn giao và tiêu tốn nhiều tỉ đồng ngân sách.

Tại quyết định 860, ngày 15.5.2009 của UBND TP Hải Phòng, dự án gia cố tuyến đê nói trên được phê duyệt với chiều dài 3.094m, kết cấu mặt đê bằng kè đá khan trong khung bê tông cốt thép; mái đê phía biển bằng đá hộc trong khung bê tông cốt thép; mái đê trong bằng đá hộc trong khung bằng đá xây… tổng kinh phí đầu tư 35,7 tỉ đồng.

Theo một số kỹ sư xây dựng công trình thủy lợi, kết cấu trên không phù hợp với đê biển vì mái đê phải chịu tác động rất lớn của sóng biển và thủy triều, các khối đá không có liên kết bằng xi măng, cát sẽ rất dễ bị sóng cuốn bay. Khi lớp đá bị khoét thủng thì những khung bê tông cũng không còn nhiều ý nghĩa bởi thân đê sẽ bị sóng sói thẳng vào.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Hợi, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng thừa nhận, nhiều đoạn trong tuyến đê, kè hơn 3 km đoạn từ Bến Gót đến Gia Lộc đang dự kiến bàn giao nhưng do ảnh hưởng của gió nam bị xô sạt nên không bàn giao được. Sau cơn bão số 3, tình trạng sạt lở lại càng nghiêm trọng hơn.

Ông Hợi cho rằng, gió nam và cơn bão số 3 tuy không lớn nhưng kết hợp với triều cường đã ảnh hưởng đến nhiều đoạn đê. “Trong khi chỉ tiêu thiết kế của tuyến đê chỉ đáp ứng với triều dâng bình thường mà thôi”, ông Hợi nói, đồng thời thừa nhận “đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài chẳng ai áp dụng thiết kế này cả”.

Dù biết có đầu tư gia cố nhưng đê cũng không thể chống lại được sóng lớn, vậy tại sao cơ quan tham mưu của TP Hải Phòng lại đề xuất một phương án “ném tiền qua cửa sổ” mà không phải là một giải pháp căn cơ, bền vững?

Ông Trần Văn Hợi giải thích: trước đó tuyến đê Hoàng Châu - Văn Chấn, thuộc thị trấn Cát Hải đã được bê tông hóa với kinh phí 50 tỉ đồng/km, có thể chịu được gió cấp 9. Ở tuyến đê Bến Gót - Gia Luận kể trên, do nằm trong qui hoạch Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (khi đó sẽ làm một con đê mới lớn hơn bao quanh, theo lộ trình, năm 2009 khởi công) nên chỉ được gia cố bằng cách chèn đá, giằng bê tông (khoảng 12 tỉ/km) thay vì bê tông hóa con đê.

Còn theo ông Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, để đảm bảo dân sinh, thành phố tạm thời tu bổ, nâng cấp, sửa chữa lại các đoạn đê bị xô sạt. Về lâu dài, sẽ yêu cầu Ban quản lý Dự án Cảng phải báo cáo cụ thể về tiến độ thực hiện dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

“Nếu phải 3-5 năm nữa mới triển khai dự án cảng Lạch Huyện, trong đó có hạng mục làm đê mới lớn hơn, thì chúng tôi sẽ quyết định đầu tư xây dựng tuyến đê kiên cố, có thể chịu được gió cấp 10”, ông Đỗ Trung Thoại nói.

Hiện dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện còn đang nằm trên giấy nên chưa biết khi nào một con đê kiên cố hơn mới được xây dựng. Chỉ biết rằng người dân Cát Hải vẫn đang chờ đợi và gồng mình chống chọi với những cơn bão có thể đổ bộ vào nơi đây bất cứ lúc nào.

Trước khi “gia cố” tuyến đê theo một thiết kế không đạt yêu cầu, TP Hải Phòng hình như cũng không kiểm tra tiến độ dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện để có kế hoạch xây dựng một tuyến đê phù hợp. Hơn 35 tỉ đồng đầu tư vì thế coi như đã được ném xuống biển!

Hải Sâm - Bích Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.