Mô hình canh tác mới ở U Minh Thượng

15/10/2014 09:21 GMT+7

Sau 2 năm triển khai, đề án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác khóm, mía, dừa giai đoạn 2012 - 2015 được áp dụng ở 4 xã Hòa Chánh, Minh Thuận, An Minh Bắc và Thạnh Yên (H.U Minh Thượng, Kiên Giang) đã thu những kết quả khả quan.

Nông dân U Minh Thượng thu hoạch mía - Ảnh Hồng Cúc

Ứng dụng khoa học kỹ thuật

Đề án được thực hiện trên diện tích 55 ha, với 58 hộ tham gia. Các hộ sẽ tiến hành theo 2 cách là trồng mới và cải tạo vườn khóm, mía, dừa. Nhà nước hỗ trợ 60% tiền giống cho mô hình trồng mới, 100% phân hữu cơ vi sinh và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang tập huấn miễn phí khoa học kỹ thuật cho bà con tham gia đề án.

Mô hình trồng giống mía mới được thực hiện trên diện tích 20 ha. Thay cho giống mía cũ (GOC16) của địa phương, cán bộ khuyến nông chọn giống K88-92, có nguồn gốc từ Thái Lan để trồng thử nghiệm. Ông Trần Văn Quýt, một hộ dân tham gia trồng mía ở xã Minh Thuận, cho biết giống mía mới có thời gian sinh trưởng trong 12 tháng, phát triển mạnh, đẻ nhánh tốt, ít sâu bệnh, ít đổ ngã, cho năng suất cao. Nếu trước đây, giống mía cũ đạt năng suất khoảng 10 tấn/công thì nay trồng giống mía mới đạt đến 15 tấn/công, chữ đường cao từ 10 - 13…

Đối với việc canh tác khóm, vấn đề bà con ở đây quan tâm nhất là cách phòng trị bệnh héo khô đầu lá. Vì vậy, ngay từ khâu chọn giống, các cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn bà con lựa giống khỏe, không sâu bệnh; đồng thời chỉ cách xử lý đất, giống trước khi trồng và bón phân hữu cơ vi sinh khoa học. Đến thời điểm này, vườn khóm trồng mới đang phát triển tốt. Còn mô hình cải tạo vườn khóm cũ, nhờ chăm sóc tốt, sử dụng phân bón hợp lý, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng nên tỷ lệ khóm cho trái loại 1 cao hơn khoảng 9% so với sử dụng phân bón truyền thống.

Bà con ở U Minh Thượng cũng đang trồng thử nghiệm giống dừa dứa. Đến nay, rải rác trên địa bàn huyện có khoảng 6.000 cây đang chuẩn bị cho trái, trung bình mỗi năm cho 100 trái/cây, bán với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/trái.

Kết quả đáng mừng

Theo kỹ sư Phù Khí Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang, sau thời gian triển khai, mô hình này đã cho thấy những hiệu quả đáng mừng. Chẳng hạn trên nền mía cũ, chỉ cần thay đổi cách bón phân, như đưa phân hữu cơ vào, bón sớm hơn thì cây mía đã đạt chữ đường cao hơn. Nếu cây khóm sau khi thu hoạch xong được bón phân hữu cơ sớm thì chồi ra nhanh, tỷ lệ trái loại 1 cao hơn. Đối với mía, khóm trồng mới thì cây phát triển mau, năng suất thu hoạch vượt trội so với trước. Cây khóm trong mô hình đạt năng suất 17.000 trái/ha và ước tính lợi nhuận tăng hơn 11 triệu đồng so với vườn khóm đối chứng. Mô hình trồng giống mía mới cũng như mô hình cải tạo vườn mía cũ đều đạt chữ đường cao hơn so với đối chứng. Tuy mô hình này có chi phí đầu tư cao hơn theo kiểu trồng truyền thống nhưng vẫn đảm bảo được lợi nhuận và mang tính bền vững.

Cũng theo ông Nguyên, việc ứng dụng phân hữu cơ vi sinh trong mô hình không chỉ giúp nhà nông canh tác hiệu quả, tạo nguồn nông sản sạch cho người tiêu dùng mà loại phân này còn bảo vệ độ phì nhiêu của đất, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển tốt ở vụ sau; đồng thời tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh, góp phần hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp…

Ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.U Minh Thượng, cho biết qua 2 năm triển khai, mô hình này đã phát huy được hiệu quả từ ba loại cây trồng. Vì vậy, sắp tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng cho nông dân trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Hồng Cúc

>> Dân vùng đệm U Minh Thượng bỏ mía trồng gừng
>> Bảo vệ thương hiệu mật ong rừng U Minh Thượng
>> Heo rừng U Minh Thượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.