Xây dựng thương hiệu với phúc bồn tử

25/09/2015 13:55 GMT+7

Nghiên cứu trồng thành công cây phúc bồn tử (mâm xôi), anh Huỳnh Trung Quân (40 tuổi, xã Hiệp Thạnh, H.Đức Trọng, Lâm Đồng) hợp tác với nông dân để ổn định nguồn đầu vào và đầu tư nhà máy chế biến, xây dựng thương hiệu giúp mình cùng các nông dân vươn lên làm giàu.

Nghiên cứu trồng thành công cây phúc bồn tử (mâm xôi), anh Huỳnh Trung Quân (40 tuổi, xã Hiệp Thạnh, H.Đức Trọng, Lâm Đồng) hợp tác với nông dân để ổn định nguồn đầu vào và đầu tư nhà máy chế biến, xây dựng thương hiệu giúp mình cùng các nông dân vươn lên làm giàu.

Huỳnh Trung Quân trong vườn phúc bồn tử của gia đình - Ảnh: An ThạchHuỳnh Trung Quân trong vườn phúc bồn tử của gia đình - Ảnh: An Thạch
Nhờ liên kết, nông dân yên tâm sản xuất
Nhìn vườn phúc bồn tử sum suê trái cho thu nhập cao của mình, ông Đào Văn Tuấn (53 tuổi, xã Hiệp An, H.Đức Trọng) vẫn cảm thấy bất ngờ bởi chỉ mới 3 năm hợp tác với anh Huỳnh Trung Quân trồng loài cây này mà kinh tế gia đình ông khấm khá. “Cả chục năm trước, gia đình tôi trồng rau màu để kiếm sống. Tuy nhiên giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, khi hợp tác trồng cây phúc bồn tử với anh Quân thì kinh tế mới bắt đầu khá lên. Đầu tiên tôi chỉ trồng 3 sào (1.000m2/1 sào), nhưng không ngờ thấy hiệu quả mang lại khá cao nên tôi mở rộng diện tích lên hơn 6 sào mang về doanh thu 600 - 700 triệu đồng/năm. Hợp tác với anh Quân, được hỗ trợ giống, kỹ thuật, sản phẩm được bao tiêu đầu ra ổn định, tôi rất yên tâm sản xuất”, ông Tuấn cho hay.
Tương tự, nông dân Dương Tấn Tiễn (57 tuổi, thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh) cũng không ngờ bởi chỉ có 2 sào đất liên kết với anh Quân trồng loài cây này mà mỗi năm ăn tiêu rồi cũng lãi hơn 100 triệu đồng.
Tạo dựng thương hiệu, hướng phát triển bền vững
Huỳnh Trung Quân cho hay, anh đến với loài cây phúc bồn tử này như là duyên số, bởi năm 1998, từ Kon Tum, anh rời bỏ nghề dạy học và phiêu bạt đến vùng đất Lâm Đồng làm thuê kiếm sống. Rồi số phận đưa anh đến làm thuê cho một công ty đầu tư nước ngoài có trồng cây phúc bồn tử ở huyện Đơn Dương. Năm 2008, công ty này đổi chủ, thấy vườn phúc bồn tử sắp bị công ty xóa sổ để trồng cây khác, anh thấy tiếc nên thanh lý một ít mang về nhà trồng trên 2.000 m2 đất và dần dần nghiên cứu thành công quy trình trồng cho riêng mình rồi phát triển diện tích lên 2 ha. Năm 2009, Huỳnh Trung Quân về TP.HCM tìm đến các siêu thị để giới thiệu sản phẩm trái tươi phúc bồn tử. “Sau khi xem xét đánh giá, một hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM đồng ý hợp tác, mình cung cấp sản phẩm cho họ. Đồng thời, mình còn đến các nhà hàng, khách sạn lớn ở TP.HCM và các khu du lịch trong tỉnh để giới thiệu hợp tác cung cấp quả phúc bồn tử cho họ một cách ổn định”.
Cũng theo anh Quân, hiện vườn của anh và 3 hộ liên kết có tất cả 3,2ha trồng phúc bồn tử trong nhà kính theo hướng VietGAP và bình quân hằng năm diện cho thu hoạch khoảng 60 tấn trái tươi. Thị trường đang ưa chuộng, anh quyết tâm xây dựng thương hiệu cho cây phúc bồn tử để đảm bảo phát triển mang tính bền vững nên anh đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rượu vang từ trái này. Tháng 10.2014, nhà máy ra đời với công suất tiêu thụ 30 tấn trái tươi/năm. Ngoài ra anh còn chế biến thêm nhiều loại sản phẩm khác từ cây, trái phúc bồn tử như: rượu, trà, mứt, mật, quả sấy khô, sô cô la, mặt nạ dưỡng da, nước cốt để cung cấp ra thị trường.
Anh Quân cho biết thêm: “Mình cũng đã đăng ký nhãn hiệu cho tất cả các sản phẩm của mình với thương hiệu: “Huỳnh Trung Quân” cho sản phẩm chế biến và “Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân” cho sản phẩm trái tươi. Từ những sản phẩm này, mang lại doanh thu bình quân mỗi năm cho gia đình khoảng 5 - 6 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 25 - 30 lao động với thu nhập từ 4 - 9 triệu đồng/tháng. Hiện mình đã được địa phương giao 23ha đất rừng để quản lý bảo vệ và tiến hành trồng thêm phúc bồn tử dưới tán rừng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.