Những bệnh nhân thường xuyên 'ăn tết' trong bệnh viện

07/02/2016 10:11 GMT+7

Không ai muốn đầu năm mới phải ở trong bệnh viện. Nhưng, có nhiều người không may có con cái vướng phải những căn bệnh ngặt nghèo nên nhiều năm nay họ chưa hề biết đến cái tết ấm cúng cổ truyền của dân tộc...

Không ai muốn đầu năm mới phải ở trong bệnh viện. Nhưng, có nhiều người không may có con cái vướng phải những căn bệnh ngặt nghèo nên nhiều năm nay họ chưa hề biết đến cái tết ấm cúng cổ truyền của dân tộc...

Những món quà của những nhà hảo tâm là niềm động viên rất lớn của những bệnh nhân không may, phải đón Tết trong bệnh viện - Ảnh: Diệu HiềnNhững món quà của những nhà hảo tâm là niềm động viên rất lớn của những bệnh nhân không may, phải đón Tết trong bệnh viện - Ảnh: Diệu Hiền
Gắn tuổi thơ mình với giường bệnh
Đó là hoàn cảnh của cô bé Nguyễn Thị Thiện Nhân (trú huyện Hiệp Đức, Quảng Nam). Nhân sinh ra được 1 tháng rưỡi thì gia đình phát hiện cháu bị bệnh tăng máu bẩm sinh. Mỗi tháng đều phải vào bệnh viện từ 10-12 ngày để truyền máu duy trì cuộc sống, đến nay cháu đã ở bệnh viện đến 7 - 8 năm.
“Từ khi con ốm đến nay, gia đình tui biết chi Tết mô. Cứ năm nào 30 Tết bác sĩ mới cho về nhà vài ngày. Mà mấy ngày nớ cũng phập phồng lo sợ lắm, cứ theo dõi con có triệu chứng chi là cấp tốc mang vô bệnh viện ngay. Có khi đón Tết trong bệnh viện luôn!” - anh Nguyễn Văn Thiện, ba của bé Nhân, chia sẻ.
Cậu bé Bùi Văn Lâm (Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) với căn bệnh ngặt nghèo về máu, 11 năm nay gắn với bệnh viện để duy trì sự sống, mơ ước “Con ước Tết được mặc áo mới!”.- Ảnh:  Diệu HiềnCậu bé Bùi Văn Lâm (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) bị căn bệnh ngặt nghèo về máu, 11 năm nay gắn với bệnh viện để duy trì sự sống, mơ ước “Con ước Tết được mặc áo mới!” - Ảnh: Diệu Hiền
Cũng không khác gì với cảnh của bé Nhân, bé Hoàng Thị Phương Ly (trú Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) cũng đã 8 - 9 năm gắn cuộc đời mình với bệnh viện từ khi mắc căn bệnh hiểm nghèo về máu.
Ông Hoàng Duy, ông nội của cháu, buồn bã tâm sự: “Ba mẹ cháu làm công nhân, đâu có nghỉ chăm sóc cháu dài ngày được, nên phải nhờ bà nội. Bà nội theo cháu, cũng được 6 năm thì mất do bệnh. Giờ tui cũng bỏ luôn nghề đạp xích lô để theo cháu, đeo đuổi việc điều trị duy trì sự sống cho cháu. Thiệt, ai nói Tết vui chớ nhà tui thì buồn lắm. Vì lúc phát hiện ra bệnh của bé Ly cũng vào dịp Tết. Giờ cái ăn hằng ngày trong nhà còn thiếu trước hụt sau, nói chi sắm Tết”.
Còn cậu bé Nguyễn Văn Lâm (13 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), 11 năm gắn với bệnh viện, khi nhắc đến Tết, cậu bé ước: “Con chỉ ước Tết có tấm áo mới”.
Chị Nguyễn Thị Kim Loan, mẹ bé Lâm, gạt nước mắt nói: “Mấy năm rồi con không biết đồ mới ngày Tết. Năm nay tui hứa rồi, Tết dẫn ra chợ mua cho cái áo mới. Mà ở chợ, người ta thấy thằng bé là thể nào cũng chỉ lấy nửa giá à. Họ biết cảnh nhà mình, nên họ thương”.
Những hoàn cảnh như bé Ly, bé Nhân... rất dễ bắt gặp khi đến bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng những ngày cuối năm này. Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp bệnh viện cho hay, bình quân mỗi năm có khoảng 500 bệnh nhân ở lại bệnh viện vào dịp Tết.
“Thường họ là những bệnh nhân mắc bệnh nan y, hoặc bị các bệnh đột ngột trong dịp Tết Nguyên đán”, bác sĩ Vân cho hay.
Hơi ấm tình người
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng những ngày Tết cận kề, không khí có chộn rộn đôi chút, bởi có nhiều đoàn đến thăm viếng, tặng quà cho bệnh nhân vào ngày giáp Tết. Những chia sẻ của họ mang đến cho những em nhỏ niềm vui và cảm giác được yêu thương, chia sẻ.
“Vào dịp Tết Nguyên đán, UBND TP thường có mức hỗ trợ bữa ăn 50.000 đồng/bệnh nhân/ngày để họ có được một cái Tết ấm áp. Và cũng trong dịp cận Tết và đầu năm, thường có nhiều đoàn từ thiện đến thăm hỏi, tặng quà cho những bệnh nhân này. Sự sẻ chia này là niềm động viên tinh thần rất lớn cho những bệnh nhân không may, phải đón Tết cổ truyền trong bệnh viện cùng nỗi đau bệnh tật.”, bác sĩ Thanh Vân nói thêm.
Và cũng trong dịp Tết này, theo lãnh đạo bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, toàn bộ các kíp trực y, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đều được huy động, có mặt 24/24 giờ để công tác khám, điều trị vẫn được diễn ra xuyên suốt như ngày thường.
Cùng với bệnh nhân của mình, các bác sĩ, cán bộ y tế cũng đón những ngày đầu năm mới trong khuôn viên bệnh viện...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.