Những người đàn ông mưu sinh bằng hàng rong

Ở Hà Nội, nhiều đàn ông chọn chiếc xe đạp và gánh hàng rong như một duyên nợ để nuôi sống bản thân và gia đình.

Mỗi sáng, chiếc xe đạp thồ của anh Hoàng Như Miên (32 tuổi) chở một tạ rưỡi nào dứa, táo, ổi, đến cuối ngày chỉ còn vài cân xoài, dăm quả dứa treo lúc lỉu. Dáng người dong dỏng, một cái áo thun đỏ, chiếc quần bò bạc phếch, đôi dép tổ ong, anh Miên vừa gọt dứa cho khách, vừa mau miệng hỏi chuyện.
Anh Miên bán rong ở Hà Nội đã 7 năm. Người con thứ 4 trong một gia đình thuần nông nghèo có 5 anh em tại thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội đến giờ vẫn tiếc, “do túng bấn, tôi muốn đi học nhưng bố mẹ không đủ tiền, cả 5 anh em tôi đều làm ruộng”. 18 tuổi, anh Miên đã kết hôn cùng một chị cùng làng tên Nguyễn Thị Nghĩa rồi cả hai vợ chồng dắt nhau lên Hà Nội bán hàng rong, mùa nào thức ấy.
Anh Miên luôn áy náy là không thể mang cả 3 con lên Hà Nội để chúng được gần bố mẹ
Mỗi ngày, chiếc xe thồ ra khỏi căn phòng trọ giá 1,1 triệu đồng/tháng từ tờ mờ sáng và về tới nhà lúc khuya, để có đủ tiền nuôi 3 đứa con: 2 con trai 9 tuổi và 5 tuổi, con gái mới 2 tuổi. Vì hoàn cảnh, cháu lớn nhất anh Miên phải gửi ở quê sống cùng ông bà nội.
“Trước khi bán hàng rong, tôi hết làm công nhân trong miền Nam lại đi làm chăn bông, bán hàng ở đại lý sữa. Khi mới lên Hà Nội, hai vợ chồng còn bán chanh, ớt khu Mỹ Đình, nhưng ế quá”, anh Miên kể.
Nhà thuê trọ trên phố Yên Hòa nên anh Miên thường bán hàng khu vực này luôn cho tiện. Hai con còn nhỏ nên anh Miên làm việc nhiều hơn để vợ có thời gian chăm con. “Cứ 5 giờ sáng tôi ra chợ đầu mối Long Biên mua trái cây rồi chở về phố Yên Hòa. Khoảng 8 giờ, vợ trông cho một lúc rồi cô ấy lại về chăm con, một mình tôi bán tiếp đến 12 giờ trưa, ăn cơm tối xong, tôi nghỉ một lát rồi bán đến khuya, có khi 11 giờ”, anh Miên nói.

tin liên quan

TP.HCM cho bán hàng rong theo giờ
Chiều 20.3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì buổi làm việc về đề án kinh doanh vỉa hè với UBND Q.1 và Q.4.
Phố Yên Hòa vốn đông dân cư và các cơ quan, nên mỗi ngày anh Miên bán rất chạy, ngày ít lãi 200.000 đồng, ngày nhiều được 500.000 đồng. Nhưng 2, 3 năm trở lại đây, việc buôn bán ngày một khó khăn bởi người tham gia “đội quân” bán trái cây rong tăng vùn vụt. Những ngày có chiến dịch "giành lại vỉa hè", công cuộc mưu sinh của những người như anh Miên cơ cực hơn. Có hôm chạy không kịp, anh bị thu cả xe, cả hàng, có lần phải mất 1 - 2 triệu đồng để chuộc xe về. Cái xe đạp cũ kỹ, có khi bán sắt vụn được khoảng 100.000 đồng, nhưng anh Miên bảo: “Nó nuôi mình, mình chuộc về cho đỡ tủi”.
Điều khổ tâm cứ ám ảnh anh Miên bấy lâu, là hai vợ chồng anh nghèo, không thể cho cả 3 con lên Hà Nội và đi học. “Cháu thứ 2 phải đi học mẫu giáo rồi mà tôi không có tiền. Nhưng thế nào tôi cũng phải cho chúng đi học, đời chúng tôi đã tăm tối rồi”, anh Miên bộc bạch.
Từ thợ nề chuyển nghề bò bía
Ông Nguyễn Văn Toàn, 52 tuổi, thôn Bài Thượng, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội lại có cơ duyên “đặc biệt” với nghề bò bía rong, vì sức khỏe quá yếu sau cú ngã đến "trụy" xương sống thời gian làm thợ xây ở Lạng Sơn.
Nhà ông Toàn “xé lẻ” mưu sinh. Vợ ông 40 tuổi bán hoa quả rong, con trai cả 26 tuổi đang làm việc tại Cần Thơ, con trai thứ 24 tuổi mở tiệm cắt tóc ở Hà Nội. Hai vợ chồng ông Toàn ở nhà trọ phố Chùa Láng, các con ở thuê mỗi người mỗi nơi, căn nhà ở quê thì khoá cửa.
Ông Toàn đổi chỗ bán bò bía khắp nơi, từ khu ĐH Thương mại, ĐH Sư phạm Hà Nội, bây giờ là Đại học Ngoại thương. Ngày lễ, chủ nhật, ông Toàn đạp xe ra các công viên bán. “Bây giờ học sinh, sinh viên có nhiều quà bánh, ít ăn bò bía, nên ngày nhiều tôi lãi 50.000 đồng, ngày ít vài chục, nhưng còn hơn ở quê”, ông Toàn kể.
Lãi ít thế thôi, nhưng nếu không chạy nhanh những lúc bị dẹp vỉa hè, nếu bị giữ xe hàng, ông Toàn phải cắn răng nộp phạt 300.000 đồng, 3 ngày sau mới được lấy xe. Ông Toàn bảo, biết mình làm sai vì bán hàng trên vỉa hè, nhưng vì mưu sinh, gánh nặng cơm áo gạo tiền, chẳng còn cách nào khác nữa.
Ông Toàn luôn sợ bị thu giữ mất xe hàng, miếng cơm manh áo của gia đình từ đây mà ra
Cách xe đạp bò bía của ông Toàn không xa là ông Nguyễn Văn Thuận, 56 tuổi, quê ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên, chuyên bán ổi, xoài, táo, cam. Ông Thuận bộc bạch: “Các con ở quê dựng vợ gả chồng hết rồi, hai vợ chồng tôi không muốn làm phiền các con, tự lên Hà Nội đi bán rong”. Ông Thuận kể vui: “Đàn ông đi bán có khi đắt khách hơn phụ nữ, bằng chứng là tôi hay hết hàng sớm hơn vợ tôi. Chúng tôi xuề xoà, đắt rẻ cũng bán, không kỳ kèo nhiều nên người mua rất thích”.
Nghèo nhưng những người bán rong như ông Thuận, ông Toàn hay thương người, thấy người nào còn nhiều hàng là bán giúp, chia cho nhau phần cơm trưa, hỏi thăm nhau khi ốm đau. Có lần ông Toàn cho một sinh viên ĐH Ngoại thương vay 50.000 đồng để bắt xe về quê, dù không biết cháu đó là ai. Ông Toàn chỉ quan niệm: “Cũng là người nghèo như mình cả”, vài hôm sau, cậu sinh viên ấy ra trả, cứ cảm ơn ông mãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.