Những người hít mùi hôi đến nôn ọe, vẫn kiên nhẫn làm sạch hố ga Sài Gòn

09/10/2017 09:41 GMT+7

Dù cho công việc lúc nào cũng phải ngửi mùi hôi, khó chịu, thậm chí là buồn nôn nhưng những công nhân làm sạch hố ga ở Sài Gòn vẫn quyết gắn bó với nghề vì một mong muốn rất bình thường, đó là đường phố sạch đẹp.

Không ít lần đi trên đường, chứng kiến những người công nhân trong màu áo xanh nhạt, khoác theo chiếc áo phản quang đằm mình dưới nước cống đen ngòm, loang lổ và bốc mùi mà tôi tự hỏi: vì sao họ không chọn một nghề khác? Rồi tôi lại nghĩ, họ mà nghĩ như tôi thì ai sẽ làm công việc đó để thành phố này xanh, sạch, đẹp.
VIDEO: Những người làm sạch hố ga ở Sài Gòn - Thực hiện: Vũ Phượng
Quả thật, ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một công việc để theo đuổi, nhưng có trụ lại được với nghề đó hay không, lại còn tùy thuộc vào duyên và tình yêu với nghề. Tôi càng tin chắc điều đó hơn nữa khi có dịp được lắng nghe những chia sẻ của họ - những công nhân dọn sạch hố ga ở Sài Gòn.
'Chui xuống cống mà nhợn cổ họng, về nhà bỏ cơm luôn'
7 giờ sáng, anh Trần Văn Thanh chạy chiếc xe máy gắn kèm hai thùng rác có khẩu hiệu tuyên truyền 'Khơi nguồn rác, khơi nguồn sống - Không bỏ rác xuống kênh, rạch' của công ty tới đường Tô Ngọc Vân, một điểm ngập của Q.Thủ Đức.
Giờ làm việc của anh Trần Văn Thanh sáng bắt đầu từ 7 giờ tới 11 giờ 30 và chiều từ 13 giờ tới 17 giờ. Ngày nào mưa thì hết mưa mới được về. Ảnh: Vũ Phượng
Vừa tới nơi, anh Lê Minh Thành, đồng nghiệp của anh Thanh đã đợi sẵn ở đó. Gặp nhau, hai anh cười chào rồi nhanh chóng bắt tay vào công việc. Anh Thanh dựng xe bên đường, điều tiết giao thông, còn anh Thành dùng xà beng bẩy nắp hố ga để hốt đất, rác phía dưới.
Căng mắt nhìn về hướng xe chạy và dùng tay ra hiệu cho mọi người chạy chậm, tránh khu vực nguy hiểm, anh Thanh vừa kể anh làm nghề này đã được 8 năm. Tùy vào ngày được đơn vị phân công mà có lúc anh điều tiết, lúc vét rác, lúc thì chui xuống cống để duy tu.
Anh tâm sự, ngày đầu xuống cống, công việc chưa quen, anh đã cảm thấy rất hôi, dơ, khó chịu, ngộp thở, thậm chí là buồn nôn. Rồi dần dần thấy mọi người làm được nên anh cố gắng để thích nghi, tới giờ thì chui xuống cống là việc bình thường.
Một ngày anh Thành làm khoảng 12 - 13 hố ga, những ngày vừa mưa xong rác nhiều thì chỉ dọn được 5 - 7 hố ga Ảnh: Vũ Phượng
“Nhớ ngày đầu, xuống cống để dọn rác mà tôi cứ nhờn nhợn ở cổ họng, về nhà tắm mấy lần xà bông, bỏ cơm luôn. Sau vừa tập làm quen vừa hiểu ý nghĩa công việc là giúp cho thành phố mình sạch, đẹp nên mình gắn bó rồi yêu nghề, rồi làm tới giờ luôn”, anh trải lòng.

Nhớ ngày đầu, xuống cống để dọn rác mà tôi cứ nhờn nhợn ở cổ họng, về nhà tắm mấy lần xà bông, bỏ cơm luôn. Sau vừa tập làm quen vừa hiểu ý nghĩa công việc là giúp cho thành phố mình sạch, đẹp nên mình gắn bó rồi yêu nghề, rồi làm tới giờ luôn

Anh Trần Văn Thanh

‘Sao người bố hôi thế?’
Trong lúc đó, anh Thành chăm chú với công việc của mình, anh dùng cái bay cạo từng mảng rác đang vướng trên vỉ chắn rác ở nắp hố ga.
Anh Thành chăm chú nhìn xuống phía dưới hố ga, dòng nước đen xộc lên mùi khó chịu nhưng anh không đeo khẩu trang, anh bảo khẩu trang vướng víu, mà quan trọng hơn là do anh đã quen mùi nước cống.
Anh Thành chia sẻ: “Dưới cống là đủ thể loại rác, từ bùn đất, vỏ bánh kẹo, chai lọ, kim tiêm. Giờ đang là mùa mưa, mà một số người cứ bỏ rác ngay miệng hố ga, mưa to là trôi xuống liền. Vậy là nghẽn cống, nước rút chậm rồi ngập luôn. Mấy nay toàn mưa chiều, tôi chỉ mong vét lên kịp thời trước khi mưa, chứ không ngập đường thì khổ lắm”.
Dù là sáng sớm nhưng trời đã nắng gắt, làm được đến hố ga thứ ba thì khuôn mặt anh Thành đã đỏ au vì ăn nắng. Anh lấy tay áo lau vội những giọt mồ hôi đang đầm đìa trên má.
Thấy tôi chăm chú nhìn, anh quay sang hỏi: “Cô thấy hôi không?". Tôi chưa kịp trả lời thì anh đã tiếp lời: “Tôi có đứa con nhỏ, mỗi lần về cứ hỏi sao người bố hôi thế. Nghe vậy tôi chỉ cười rồi đi tắm, tôi tin sau này con lớn hiểu việc của bố, sẽ thấy quý trọng công việc này hơn”.
Công việc là trên hết
Trời vẫn gắt nắng, anh Thanh và anh Thành vẫn tận tụy với công việc thầm lặng của mình. Tốn thời gian nhất là ở những hố ga nằm cuối đoạn dốc hoặc ngã ba, bao nhiêu rác và đất dồn cả về đây. Nếu không vét sạch thì chỉ cần một cơn mưa nhỏ, nước cũng rút không kịp nên hai anh luôn cố gắng làm thật nhanh và thật sạch.
Những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt anh Thành Ảnh: Vũ Phượng
Đến gần 10 giờ, khi đã thấm mệt, hai anh ngồi bệt ngay vỉa hè bên đường, người ướt đẫm mồ hôi, chiếc mũ đội lên đầu gối rồi cười nói vui vẻ. Khoảnh khắc ấy tôi thấy thật biết ơn vì những gì họ đã làm và vì công việc của họ.
Vừa uống ngụm nước mang theo từ sáng, anh Thành vừa nói: “Cho tôi nhắn gửi đôi lời, đang mùa mưa, tôi mong mọi người đừng xả rác ra đường, đặc biệt là không bỏ rác ở miệng hố ga. Mưa nước sẽ đẩy rác xuống, nước không thông được rồi ngập đường. Khi đó chỉ khổ những người chạy xe, nhất là phụ nữ”.
Nếu mỗi người trong chúng ta cùng chung tay bỏ rác đúng nơi quy định thì công việc của họ - những người từng ngày miệt mài dọn sạch hố ga sẽ nhẹ nhàng hơn. Và trên hết, nước sẽ rút nhanh hơn mỗi khi mưa, người dân thành phố sẽ "dễ thở" hơn.
Những lúc thấm mệt, anh Thanh và anh Thành mới ngồi bệt xuống vỉa hè uống ngụm nước rồi lại tiếp tục công việc ngay sau đó Ảnh: Vũ Phượng
Công việc khá nặng nhọc nhưng thu nhập của những người công nhân này chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống gia đình Ảnh: Vũ Phượng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.