Những 'sát thủ' chuột đồng siêu đẳng không cần mồi

25/02/2017 14:12 GMT+7

Ấp Giang Điền (xã Phú Thanh, H.Tân Phú) là làng thuần nông, nổi tiếng với nghề bẫy chuột. Ngay từ đầu đoạn đường dẫn vào ấp, chúng tôi bắt gặp nhiều tấm biển rao bán chuột đồng.

Anh Huỳnh Tấn Châu (32 tuổi, ngụ ấp Giang Điền), một trong những “sát thủ” chuột đồng chuyên nghiệp, cho hay anh làm nghề bẫy chuột đã hơn 15 năm nay. Mỗi ngày trung bình anh đặt 200 - 250 chiếc bẫy và bắt được khoảng 8kg chuột đồng.
Tuy nhiên theo tiết lộ của anh Châu thì thành tích bẫy chuột của anh cũng chỉ xếp vào hạng “tép riu” so với nhiều người làm nghề bẫy chuột trong vùng. Nói rồi anh dẫn chúng tôi tới chỗ nhóm “phù thủy” chuyên đi bẫy chuột đang tụ họp. Họ gồm: anh Lê Văn Tâm (33 tuổi), Lê Văn Bình (40 tuổi), Lê Văn Tiền (30 tuổi) và Lương Hoàng Minh (45 tuổi), đều thuộc dạng “lão làng” trong nghề.
Liếc qua nền đất là biết có chuột
Để bẫy được chuột, những người này tự mua lưới thép về uốn, làm thành những chiếc bẫy lồng. Nhìn sơ qua thì chiếc bẫy nào cũng giống nhau nhưng chỉ có người trong nghề mới biết được đặc trưng riêng của từng loại bẫy. Đặc biệt, những chiếc bẫy này không cần dùng mồi mà vẫn bắt được chuột.
Anh Lê Văn Bình, một trong những người có thâm niên 30 năm trong nghề tiết lộ: “Ngày xưa dùng mồi thì mới bắt được chuột. Bây giờ lúa và thức ăn có thừa quanh năm ngoài ruộng, chuột ăn no nê nên chả thèm ngó ngàng tới mồi. Chúng chủ yếu đi gặm phá lúa để mài răng, vì vậy phải đặt bẫy trên đường đi may ra mới bắt được”.
Thợ đặt bẫy phải quan sát thật kỹ trên mặt đất của ruộng lúa, bờ bao và triền đê. Nhìn thấy có lối đi mòn nhẵn và in hằn dấu chân chuột thì đó là một trong những đoạn đường đi lại thương xuyên của chúng. “Làm nghề mấy chục năm, giờ mắt chúng tôi liếc qua nền đất, lối mòn, ngọn lúa, thậm chí là ngửi mùi thì có thể đoán được nơi này nhiều hay ít chuột, to hay nhỏ để đặt bẫy”, anh Lương Hoàng Minh nói.
Mỗi ngày bẫy được 8 kg chuột
Theo nhóm thợ, thời điểm lúa bắt đầu làm đòng và lúc lúa chín lai rai là chuột cắn phá nhiều nhất. Mỗi buổi sáng, khoảng 8-9 giờ là thời điểm các thợ săn chuột đi đặt bẫy dọc các bờ bao quanh đám ruộng. Phải đi sớm vì lúc này trời còn ướt sương, đường đi lối lại của chuột chưa bị tác động nhiều nên dễ nhận biết. Sau khi đặt bẫy, các anh về giúp gia đình làm ruộng, xịt thuốc, làm cỏ chăn nuôi.
Đến khoảng 4-5 giờ sáng ngày hôm sau thì đi thu bẫy về. Họ thường làm dấu bằng cách buộc ngọn lúa hay lá cây lại từng chùm để dễ phát hiện chỗ đặt bẫy và đến gom chuột về cho nhanh. “Chuột ở đây nhiều lắm.
Nhóm chúng tôi chia nhau từng khu vực để đặt bẫy và xoay vòng khắp cánh đồng không sót một chỗ nào. Thế mà chỉ một thời gian sau quay lại vẫn có rất nhiều chuột xuất hiện, bắt mãi không hết được”, anh Bình chia sẻ.
Theo anh Bình, mỗi người trong nhóm có từ 200 -300 chiếc bẫy lồng, mỗi ngày trung bình bẫy được khoảng 8kg chuột, thậm chí có hôm trúng mánh bắt được tới 15kg chuột. Mỗi chiếc bẫy dù nhỏ bằng bàn tay người lớn nhưng bắt được từ 1-2 con chuột, thậm chí có tới 3 con cùng sập bẫy. Không những vậy, bẫy lồng cũng thường xuyên dính cả chim, rắn… Không chỉ bắt chuột trong các cánh đồng ở H.Tân Phú, Định Quán (Đồng Nai), nhóm “phù thủy” này còn đi xa cả 100km, tới các cánh đồng lúa ở Lâm Đồng, Bình Thuận để đặt bẫy.
Chuột đồng được họ bán cho khách vãng lai, người quen và các nhà hàng, quán nhậu tại địa phương với giá khoảng 40.000 đồng/kg.
“Hằng ngày tôi đi bẫy chuột, vợ ở nhà làm ruộng và phụ giúp làm bẫy. Mỗi ngày trung bình tôi bắt được 8-10 kg chuột, tính sơ sơ một năm cũng diệt trên 3 tấn chuột. Nhờ nghề bẫy chuột mà gia đình tôi có thêm tiền chi phí lo cho con cái ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang”, anh Lương Hoàng Minh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.