Nỗ lực để hài hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường

12/11/2012 06:00 GMT+7

Mặc dù được hình thành với sự đồng thuận cao của các bộ ngành, địa phương có liên quan trên cơ sở quy hoạch phát triển điện lực quốc gia của Thủ tướng Chính phủ với nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng trong quá trình triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã không tránh khỏi ý kiến băn khoăn của một số nhà bảo vệ môi trường…? Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai - chủ đầu tư hai dự án - nhìn nhận:

Đất nước ta đang trong quá trình xây dựng và phát triển. Năng lượng là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, Nhà nước đã ưu tiên xây dựng hàng trăm dự án thủy điện lớn nhỏ. Trong một số dự án thủy điện cho thấy xung đột về quan điểm giữa chủ đầu tư và nhà bảo vệ môi trường là không thể tránh khỏi. Khi triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, chúng tôi ý thức được điều này nên luôn chú trọng và đảm bảo hài hòa giữa mục đích nghiên cứu khai thác được tiềm năng thủy điện, đồng thời phải làm sao để giảm thiểu tối đa diện tích chiếm đất, rừng và tác động xấu đến môi trường, sinh thái. 

Dự án có làm xáo trộn cuộc sống, văn hóa của người dân trong khu vực ?

Trong phạm vi chiếm đất của thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A không có dân cư và đất nông nghiệp nên không phải đền bù đối với đất nông nghiệp (chỉ hỗ trợ đền bù hoa màu cho 2,9 ha do người dân xâm canh) và đặc biệt là không phải thực hiện công tác di dân, tái định cư. Do vậy sẽ không làm xáo trộn cuộc sống và văn hóa của người dân khu vực dự án. Ưu điểm này hầu như là không có ở các dự án thủy điện khác trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong hội thảo khoa học về các vấn đề môi trường liên quan đến hai dự án này do VACNE tổ chức tại Hà Nội ngày 30.9.2011, các ý kiến phân tích đã dựa trên kết quả khảo sát với các số liệu thực tế đã chứng minh hài hòa  giữa yêu cầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân với việc bảo tồn và bảo vệ môi trường đều chỉ ra rằng việc thực hiện hai dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là đạt được như ý kiến của GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch VACNE - Chủ tịch Hội Động vật VN và PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội của VACNE. Trong thời gian thẩm định di sản thiên nhiên thế giới của đại diện Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) tháng 9.2012 vừa rồi,  PGS-TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, đơn vị nghiên cứu lập hồ sơ đề cử đã trả lời là khu vực đề cử diện tích 8.000 ha nằm ở khu Nam Cát Tiên cách xa và hai dự án này ảnh hưởng không lớn.

Với diện tích sử dụng đất 372,23 ha, trong đó diện tích chiếm đất lâu dài là 323,53 ha, tương đương tỷ lệ 1,34 ha/MW có thể nói là thấp nhất so với bình quân các dự án thủy điện hiện nay. Chúng tôi cũng đã hợp đồng với các đơn vị tư vấn lâm nghiệp kiểm kê hiện trạng tài nguyên rừng khu vực dự án và đã được Sở NN-PTNT, Chi cục Lâm nghiệp các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước chủ trì phúc tra, thẩm định và phê duyệt với sự tham dự và xác nhận của các đơn vị chủ vườn là Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng), Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (Đắk Nông), Công ty cao su Phú Riềng (Bình Phước). Theo kết quả kiểm kê tài nguyên rừng, hiện trạng diện tích đất và rừng khu vực các dự án này có 4,32 ha (1,16%) là rừng giàu; 24,55 ha (6,60%) rừng trung bình; 299,71 ha (80,52%) là rừng nghèo, rừng hỗn giao, lồ ô, tre nứa; 23,68 ha (6,36%) đất có gỗ và không có gỗ tái sinh, cây rừng phân tán; 14,31 ha (3,84%) là đất trống cây bụi; 5,66 ha (1,52%) là ruộng rẫy, đường mòn, khe suối.

Mặt khác, qua các tính toán trong Dự án đầu tư và Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho thấy tác động đối với dòng chảy được gia tăng vào mùa kiệt và giảm vào mùa lũ. Do đó các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A hầu như không ảnh hưởng đến Bàu Sấu.

Về tác động của dự án đối với nguy cơ gây động đất và động đất kích thích thì cho đến nay ở Việt Nam và ngay cả trên thế giới chưa có được những nghiên cứu thấu đáo về vấn đề động đất kích thích. Việc xác định tiềm năng động đất kích thích hiện vẫn nhờ những số liệu thống kê. Tổ chức UNESCO đã có thống kê về động đất kích thích xảy ra trên nhiều hồ chứa lớn trên thế giới và đã đi đến kiến nghị về điều kiện có thể phát sinh động đất kích thích là: chiều cao cột nước hồ chứa trên 90 m, dung tích hồ chứa trên 1 tỉ m3 nước… Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A có dung tích hồ chứa lần lượt chỉ 64 triệu m3 và 31 triệu m3, chiều cao cột nước là 48 m và 36 m, nhỏ hơn nhiều lần so với thống kê của UNESCO và các hồ chứa xuất hiện động đất kích thích tại Việt Nam. Ngoài ra tại khu vực này có các hồ chứa thủy điện lớn đã tích nước và vận hành đã lâu, điển hình như Đồng Nai 3 (dung tích 1,424 tỉ m3, cột nước 115 m), Trị An (dung tích 2,765 tỉ m3, cột nước 40 m)… nhưng cho đến nay chưa xuất hiện hiện tượng động đất kích thích.

Chúng tôi mong rằng sẽ nhận được sự xem xét của cơ quan chức năng, trên cơ sở đánh giá tác động kinh tế xã hội do các dự án này mang lại so với tác động môi trường để giúp cho Tập đoàn Đức Long Gia Lai hoàn chỉnh thủ tục pháp lý, triển khai thực hiện dự án một cách hài hòa và bền vững.

Tường Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.