Nỗi niềm của phụ nữ khi lần đầu nhìn thấy tóc bạc

21/11/2016 21:47 GMT+7

Khi gió heo mây về, khi đường biên tuổi tác chạm đến những giới hạn, người ta chới với nhận ra mình chưa có sự chuẩn bị tốt để đón nhận sự thật và ước ao được níu lại thời gian.

Khi người ta trẻ, người ta thường ít nghĩ đến những giới hạn tuổi tác và những khái niệm như “thoái hóa xương khớp”, “đục thủy tinh thể”, “lão hóa da”… là điều xa lạ.
Khi gió heo mây về, khi đường biên tuổi tác chạm đến những giới hạn, người ta chới với nhận ra mình chưa có sự chuẩn bị tốt để đón nhận sự thật và ước ao được níu lại thời gian.
Một người bạn lớn của tôi kể về nỗi niềm của chị khi lần đầu tiên phát hiện ra sợi tóc bạc trên mái tóc đang xuân. Chị nói, cái cảm giác ấy không dễ chịu chút nào, dù không phải là cơn đau trên thân thể, nhưng buốt nhói và xót xa đến tận đáy hồn.
Bởi mấy ai dễ dàng chấp nhận được tuổi già, hay chấp nhận rằng mình đã đứng ở bên kia con dốc của cuộc đời. Chính tôi cũng đã từng nghĩ như chị, khi hình dung về cảm giác của mình lúc nhìn thấy sợi tóc bạc đầu tiên. Tôi luôn nghĩ nó sẽ kinh khủng lắm và nặng nề như một tảng đá đè lên những niềm vui và sự tự tin cuối mùa vào tuổi trẻ, vào những thứ “vũ khí” mà tuổi trẻ mang lại.
Người quản lý cũ của tôi từng dạy rằng, tuổi già chỉ thực sự đến khi người ta tin rằng mình già, và người ta vẫn còn trẻ cho đến khi còn sự lạc quan và thái độ sống tích cực. Có những người đã “già” từ lúc mới hăm mấy, ba mươi… cũng có những người quá sáu mươi vẫn “chưa chịu già” nên vẫn cứ còn trẻ mãi. Anh kể về mẹ anh_ khi ấy tầm 55 tuổi_ một “người trẻ” đáng ngưỡng mộ.
Bà vẫn ăn mặc đúng với lứa tuổi của mình, vẫn chấp nhận mặc nhiên những điều không thể chối bỏ ở độ tuổi của bà… nhưng bà sống rất “hay ho”. Bà phát hiện bị ung thư máu và ung thư vú cùng lúc. Thay vì gói mình trong những cảm xúc tiêu cực và chán nản, bà chọn thái độ bình thản và chấp nhận.
Ngoài thời gian trị liệu và dành cho gia đình, bà tham gia những chương trình từ thiện, những khóa tập yoga và thiền. Không ai nghĩ rằng bà mang trong người đến hai căn bệnh đáng sợ, chỉ có những người thân của bà là biết điều đó. Bà nói với anh rằng, “Tuổi già và bệnh tật không hề đáng sợ, chỉ có sự bi quan và thái độ sống tiêu cực mới giết chết được chúng ta. Ngày nào còn được sống, hãy cháy hết mình, để khi nói chia tay cuộc đời mình sẽ không có gì hối tiếc, bởi ai mà chẳng phải chết một lần”.
Con người nói chung thường e sợ tuổi già, và với phụ nữ nỗi sợ đó còn lớn hơn nhiều so với giới còn lại. Tôi từng thấy nhiều phụ nữ trung niên quay cuồng với những liệu trình làm đẹp nhằm nắm níu từng chút năm tháng đã qua với đủ những sản phẩm đắt tiền như tinh chất collagen, chiết xuất nhau thai cừu, tế bào gốc, đông trùng hạ thảo… nhưng rồi cuối cùng thì tuổi già cũng đến.
Có thể với những người biết bảo vệ nhan sắc và sức khỏe, tuổi già sẽ đến chậm hơn… nhưng cuối cùng thì nó vẫn gõ cửa và tràn vào từng ngõ ngách cơ thể chúng ta. Biết và hiểu để chấp nhận, có lẽ đó là sự lựa chọn hoàn hảo nhất cho mỗi người.
Lần đầu tiên đọc cuốn sách “Già ơi, chào bạn” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tôi bỗng thấy lòng mình trải ra nhẹ nhàng và cởi mở hơn với tuổi già sẽ đến. Biết rằng ai rồi cũng sẽ đi qua những cung đường lạ mà quen ấy, biết rằng quy luật sinh-lão-bệnh-tử là điều không ai tránh khỏi.
Hơn thế, còn có những người chưa kịp lão đã bệnh và tử rồi, nên khi chúng ta bước đến được giai đoạn lão, có nghĩa là đã may mắn hơn bao nhiêu người chưa kịp đi qua để nếm trải những năm tháng tươi đẹp và hạnh phúc của lứa tuổi chín muồi nhất đời người. Và, định nghĩa của “hạnh phúc”, chính là biết chấp nhận vậy!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.