Nước vẫn chảy xuôi

15/05/2017 22:12 GMT+7

Nhân ngày giỗ ba, nhớ về những câu chuyện mà tôi từng chứng kiến, trải nghiệm trong chặng đời đã qua mà bất giác khóc...

Trong cuộc đời một con người, dù có đi mòn chân cũng chẳng thể tìm đâu ra nơi nào ấm hơn trái tim cha mẹ. Đó là hai con người yêu thương ta không vụ lợi, không mong cầu đáp lại, không so đo giữa hai cán cân: cho và nhận.
Nhắm mắt lại và hồi tưởng về ngày còn bé, thấy mẹ trong tấm áo phong phanh, nhường cho con chiếc áo len giữa mùa đông lạnh lẽo, múc từng xô nước đổ vào cái lu to giữa tháng mùa khô nước cạn. Và thấy ba, những cái móng bị phấn bảng ăn mòn vì bao năm đứng trên bục giảng.
Nhớ nụ cười có lúm đồng tiền và câu nói của mẹ: “Nhà mình nhiều người có óc hài hước, mẹ mong con cũng thừa hưởng đặc tính này. Bởi vì, người thông minh chưa hẳn là người hài hước, nhưng người hài hước thường là người thông minh”. Như cây xương rồng, để sống được giữa sa mạc thì bên trong thân cây phải chứa nước. Và con, để chống chọi với bao áp lực cuộc sống thì phải tập cho hồn mình biết bay và biết hót…
Biết ơn ba mẹ đã cho ta hình hài này và cho cả những hành trang tốt nhất của cuộc sống. Ba mẹ là hai ngọn hải đăng lung linh phía trước để những chiếc thuyền con nhìn thấy bờ mà đi tới, để trong những cơn mưa con vẫn ấm khi nghĩ về những bếp lửa đời mình. Dù bây giờ, một bếp lửa đã vĩnh viễn tắt rồi, và không ai có thể nhóm lên lần nữa.
Rời nhà đi xa giữa buổi ban trưa, bên ngoài cửa kính xe trời còn hửng nắng nhưng trong lòng nắng tắt tự bao giờ. Nghĩ về hai dòng nước chảy xuôi tưới tắm cho cuộc đời mình, không dám ngoái đầu nhìn lại phía sau vì sợ nước mắt sẽ rơi nhiều hơn.
Sợ không kịp đáp đền, dù biết chẳng có cha mẹ nào mong chờ được đền đáp. Mặc cả với số phận, nhủ rằng ta chấp nhận bị giảm thọ năm năm, mười năm… thậm chí hơn thế nữa để đi mau cho kịp chuyến tàu cuối mà ba mẹ phải đi… để kịp mà báo đáp.
Ngồi soạn túi đồ mẹ gửi và khóc, trong đó là những bọc ni lông nhỏ riêng biệt. Chỉ là chai dầu gió xanh, mấy gói tăm bông, xấp băng dán vết thương, gói kẹo bạc hà... nhưng là nỗi bận tâm quá lớn cho những nhu cầu rất nhỏ dành cho một đứa con xa nhà. Trong cuộc đời một con người, làm sao tìm thấy ai yêu thương và chăm chút ta như cha mẹ?!
Có một chiều đi công tác về thì trời đổ mưa, thấy ở góc đường Nguyễn Văn Trỗi hai dáng người co ro. Một người mẹ và một đứa con gái nhỏ cỡ bốn tuổi nép bên mái hiên của một công ty lớn. Mái hiên cụt, không đủ che hết hai con người. Người mẹ để cô bé đứng bên trong gánh hàng, chiếc áo mưa phủ gọn gánh hàng và cô con gái nhỏ.
Thương cô bé sinh ra trong một gia đình nghèo rồi ngẫm lại... dù số phận chỉ cười nửa miệng với em, nhưng vị thần may mắn đã mỉm cười khi trong cái bất hạnh nhỏ bé kia, em lại có được một hạnh phúc lớn vì sống trong tình yêu của mẹ để trong cơn mưa chiều ấy em không phải lạnh vì có một “bếp lửa” sưởi ấm.
Có lần đại diện cho công ty đi công tác từ thiện ở một khu dân cư nghèo, gặp một người mẹ trẻ mang con đến khám bệnh, nhận thuốc men và quà tặng... Đứa con mắc chứng viêm da bẩm sinh, bị ghẻ lở và mưng mủ khắp người, nhiều người xung quanh nhìn thấy vội quay mặt đi vì chẳng dám nhìn lâu, có người nhăn mặt cảm thấy khiếp sợ, có người đưa tay che mũi vì mùi hôi mủ từ người đứa bé tỏa ra...
Vậy mà người mẹ ấy không chút gớm ghiếc, ôm chặt con vào lòng, dỗ dành hôn hít. Chị nhẹ nhàng trong từng cử động nhỏ vì sợ làm đau con. Tôi biết, không phải người mẹ ấy “mù mùi” hay “không biết ghê”, mà chỉ là tình yêu thương lớn hơn nhiều so với nỗi sợ mùi hôi hay thứ gì khác.
Và cũng chỉ có tình yêu mới khiến người mẹ có thể ôm ấp một hình hài không hề thơm tho, đẹp đẽ. Tự hỏi không biết nếu đổi ngược hai vị trí cho nhau thì đứa con có thể chăm chút cho một người mẹ bệnh tật như thế không. Và một câu hỏi còn bỏ lửng mãi từ đó cho đến tận bây giờ.
Tôi cũng từng thấy một người cha từ miền Trung đưa con đi thi đại học tận Sài Gòn. Ông mang đôi dép cũ mòn đến mức mỏng dính, không thể hình dung được làm thế nào mà ông có thể đi được với đôi dép mỏng như tờ giấy cạc tông cũ ấy.
Trong lúc chờ thi buổi chiều, hai cha con ngồi nghỉ dưới tán cây, chia nhau một hộp cơm. Ông nhường con miếng sườn nướng duy nhất, còn mình ăn cơm trắng. Rồi ông uống vét bọc nước mía đứa con vừa uống hết, còn lại tí đá dần tan thành nước. Có lẽ, mỗi người cha đều là một ngọn Thái Sơn, dành cả cuộc đời để chở che những đứa con mình.
Và tôi lại nghĩ về một người mẹ vất vả cả đời nuôi đứa con gái mồ côi, rồi lại nuôi cháu ngoại khi mẹ nó bỏ đi. Một ngày khu xóm trọ xôn xao vì có người đàn bà đến đánh ghen. Chị ta kéo theo mấy người bà con và bạn bè, dùng kéo cắt phăng mái tóc dài của người con gái ấy. Quá sợ hãi, suốt mấy ngày trời cô không dám bước ra đường, chỉ ăn mì gói cầm hơi.
Hay tin con, người mẹ vội bế đứa cháu nhỏ bắt xe lên tìm. Bà khóc nghẹn khi nhìn thấy mái tóc lởm chởm đã thay vào mái tóc dài mà người mẹ từng nâng niu thương mến. Bà ôm con gái vào lòng, tỉ tê rằng hãy về với mẹ, dù cho con có làm đĩ hay tệ hại thế nào thì con vẫn là con của mẹ.
Nước muôn đời vẫn chảy xuôi, và tình yêu thương của những bậc sinh thành muôn đời vẫn thế. Tự nhắc nhớ mình hãy trân trọng điều quý báu mà mình đang có được, chứ không phải đợi đến lúc cài lên áo màu hoa trắng, mới giật mình nhận ra ta đã mất đi những người yêu thương mình nhiều nhất trong đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.