Ôi lì xì!

11/02/2016 15:51 GMT+7

Chị Hoa càu nhàu với chồng: Cô Ba mấy đứa nhỏ… không biết điều gì hết. Mình lì xì cho con bả mỗi đứa hai trăm ngàn, mà bả lì xì lại cho con mình có mỗi một trăm, coi sao được. Lại là vai chị nữa chứ! Đúng là nhà giàu mà keo kiệt!.

Chị Hoa càu nhàu với chồng: Cô Ba mấy đứa nhỏ… không biết điều gì hết. Mình lì xì cho con bả mỗi đứa hai trăm ngàn, mà bả lì xì lại cho con mình có mỗi một trăm, coi sao được. Lại là vai chị nữa chứ! Đúng là nhà giàu mà keo kiệt!.

Ảnh minh họa: M.GẢnh minh họa: M.G
Chồng chị Hoa bực bội bảo, chuyện lì xì là để lấy hên thôi mà, em cũng nặng nề tính toán chi cho mệt vậy? Thế là chị Hoa lu loa lên với kết luận, chồng chẳng biết phải quấy, chỉ giỏi bênh chị mình, bất chấp sai đúng, hèn gì cả gia đình anh ngày càng không coi chị Hoa ra gì…
Câu chuyện lì xì xíu xiu ấy thành bé xé ra to, khi chị Hoa nâng quan điểm lên thành chồng xúc phạm vợ. Mà những lời phàn nàn dẫn đến cáu giận lẫn nhau trong nhà sau tiết mục lì xì ấy, không phải lần đầu tiên nhà chị Hoa đối mặt. Năm nào cũng đến hẹn lại lên, chị phân bì sao bạn anh chơi kỳ quá à, đến nhà mình ta ăn nhậu phè phỡn mà lì xì cho con người ta có mấy tờ bạc lẻ, chẳng thấm đâu vào đâu. Người như vậy là không chơi được đâu, cẩn thận có ngày! Con nhỏ nhân viên tập sự ở công ty anh vì sao mà lì xì cho con mình nhiều vậy? Anh có âm thầm qua lại gì với nó không đấy? Hay là… có tình ý gì với nhau nên muốn gây ấn tượng? Tiền này coi bộ mờ ám à nha! Chồng chị Hoa bao lần giải thích lẫn khuyên vợ, nhưng không sao thay đổi được cái tính rạch ròi sòng phẳng của vợ trong chuyện lì xì…
Lại có gia đình gặp phải tình huống khác, cũng liên quan đến mấy cái phong bao đo đỏ tưởng chỉ dành cho trẻ con mới quan tâm ấy. Vì sao anh lì xì cho đám cháu phía nhà anh nặng đô hơn hẳn mấy đứa cháu em vậy? Anh chồng phân bua rằng đấy chỉ là vô tình, lần sau anh sẽ lưu ý, nhưng chị vợ khăng khăng cho rằng, chồng nhất bên trọng nhất bên khinh, cư xử không công bằng.
Ngày tết, không ít cặp vợ chồng méo mặt với chuyện lì xì. Dư giả xủng xẻng thì không sao, chứ thuộc diện phân vân tính toán chi tiêu trước sau là cũng mệt với khoản chi này lắm. Nó như một gánh nặng vô hình đè lên vai, buộc phải chu toàn. Ít quá coi sao được. Nhiều thì kham không nổi. Lại thêm ngoài lì xì thì còn thêm tiết mục “mừng tuổi” cho người lớn. Sếp, ông bà, cha mẹ hai bên. Thậm chí, có đứa cháu đã đi làm, cưới vợ, sinh con nhưng vẫn được nhận lì xì, vì “trước giờ năm nào cũng lì xì cho nó, nó vai cháu, chẳng lẽ làm lơ, cũng kỳ!”. Nhiều người lớn “biết nghĩ” phải tuyên bố, đã trưởng thành rồi, nên cậu mợ, cô dì không cần lì xì nữa, thì “người ta” mới dám cắt giảm kẻ ấy khỏi biên chế!
Chồng chị Hoa có năm mạnh dạn đề xuất với các thành viên trong đại gia đình họ hàng rằng, năm nay “cải tiến” đi, chỉ lì xì lấy hên, lấy vui, lấy thảo thôi, không nặng nề nữa nhé, để cho dịp đầu năm không phải lăn tăn ám ảnh chuyện lì xì. Mọi người đều dễ dãi và hào hứng thống nhất. Thế nhưng, rồi thì ai nấy cũng đều tần ngần phân vân cân đo khi cầm nắm tiền mới nhét vào mớ phong bì xanh đỏ kia. Rồi bổn cũ nhanh chóng soạn lại, do mọi người đều ngại thay đổi hay thói quen quan trọng hóa giá trị của bao lì xì đã thành một nếp nghĩ khó làm khác được mất rồi? Mà tiền dùng để lì xì cũng không phải chỉn chu mới cáu nữa, mà nhiều lúc cũ mèm cũng chẳng sao, miễn là nhiều và xứng đáng với kỳ vọng là được. Cảnh ông bố hỏi thẳng đứa con nhỏ rằng, chú ấy lì xì con bao nhiêu đấy, rồi bĩu môi chê bai là chuyện thường ngày ở huyện rồi. Ồ cái thằng quá tệ, cả năm nhờ vả đủ chuyện, mà tết nhất lì xì cho con người ta chừng ấy mà không biết ngượng cơ à!
Cứ năm hết tết đến, ngoài các mối bận tâm liên quan đến quà cáp, biếu xén, mua sắm này nọ ra, thì khoản lì xì cũng là một nỗi lo không phải nho nhỏ vui vui nữa rồi… Nhiều mối quan hệ của người lớn bị ảnh hưởng chỉ bởi phong bao lì xì ngày tết. Cảm thấy nợ nần nhau khi người ta lì xì cho con mình dày quá. Lại nghĩ ngợi này nọ khi nhìn thấy con cái khui ra tờ tiền mệnh giá thấp, nhận được từ một người vốn lẽ ra phải “trả nợ” ân tình gì đó cho mình bằng chuyện lì xì. Rồi nhớ để riêng ra mấy cái phong bao nằng nặng cho con của sếp, con của chị đồng nghiệp hay quàng việc dùm. Lại đánh dấu sẵn để nhớ lì xì in ít thôi cho con của chị hàng xóm có tính hay soi mói, ghét lắm! Thật không biết nên nghĩ sao về cái bao lì xì bây giờ nữa. Từ khi nào, người ta đánh giá “năng lực cá nhân” lẫn cách hành xử, ăn ở của nhau qua độ nhiều ít của bao lì xì thế này?!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.