Phía sau những vết đạn ở Bosnia Herzegovina

27/11/2016 14:01 GMT+7

Hơn 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc, dù những vết đạn vẫn còn hằn sâu trên các vách tường, Bosnia Herzegovina đã trở lại với thời hoàng kim của mình - điểm đến du lịch cuốn hút ở Balkan.

Những cây cầu lịch sử
Chúng tôi lên đường tới Bosnia Herzegovina từ thủ đô Budva của Montenegro trên một cung đường đèo dốc hiểm trở. Bosnia Herzegovina và cả Montenegro đều không nằm trong Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, vì muốn thu hút du khách, hai quốc gia này đồng ý cho khách có thị thực Schengen nhập cảnh.
Đất nước Bosnia Herzegovina có 3 sắc tộc chính, gồm người Bosnia, người Serb và người Croat. Cuộc nội chiến đầu những năm 1990 một phần xuất phát từ xung đột sắc tộc ở đất nước này. So với những quốc gia Tây Âu, đất đai của các nước vùng Balkan như Croatia, Montenegro, Bosnia Herzegovina… không màu mỡ.
Con đường cao tốc nối liền các quốc gia này băng qua những vùng đất đai cằn cỗi, núi đá vôi và rừng cây thấp. Không có những cánh đồng lúa mạch, những ruộng nho, ruộng dâu hay những đàn cừu, đàn dê, đàn bò gặm cỏ, ở Bosnia Herzegovina chỉ toàn một màu xám của núi đá trong ngày cuối thu lạnh lẽo. Buổi trưa, chúng tôi đến Mostar.
Đây từng là nơi bị tàn phá nặng nề bởi cuộc chiến Bosnia nhưng sau đó đã được tái thiết và thu hút đông đảo du khách. Thành phố này có lịch sử 500 năm, được đế chế Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng và cho đến nay, nhiều công trình vẫn còn tồn tại như những cây cầu một nhịp có kiến trúc đặc trưng, tường thành, lối đi rải sỏi...
Nhiều cây cầu cổ xưa trong thành phố đã bị đánh sập trong cuộc chiến tranh Bosnia, mãi đến những năm 2000 mới được dựng lại với lối kiến trúc xưa cũ. Mostar có thể được xem là thành phố đẹp nhất của đất nước từng là một bang của Nam Tư nhờ những phố cổ và tháp canh xây dựng hàng trăm năm trước nằm ở hai bên bờ sông Neretva trong xanh.
Điểm nhấn của thành phố chính là cây cầu vòm một nhịp kết nối hai bên bờ sông của thành phố, gọi là Stari Most (cầu Cổ). Cây cầu biểu tượng của Mostar, cũng là biểu tượng của cuộc chiến tranh Bosnia, khi năm 1993 bị quân Croatia phá hủy. Vào thời điểm đó, cây cầu đã tồn tại ở Mostar gần 450 năm.
Năm 2004, việc xây dựng lại cây cầu đã hoàn thành dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới cùng kỹ thuật của các nước châu Âu; tới năm 2005, cầu được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Việc xây dựng lại công trình kiến trúc này không hề đơn giản do kỹ thuật xây cầu phức tạp. Nhiều mảnh vỡ của cây cầu chìm sâu dưới lòng sông đã được trục vớt để góp phần vào việc hoàn thiện như ngày hôm nay.
Phía sau những vết đạn ở Bosnia Herzegovina 1
Trên cầu Stari Most có nhiều người nhái chuyên làm nghề nhảy cầu để lấy tiền. Du khách cứ gom đủ 20 euro thì người này sẽ nhảy từ thành cầu xuống lòng sông ở độ cao 24 m và nước sông sâu khoảng 5 m.
Những câu cầu ở Bosnia Herzegovina có lịch sử vinh quang, đi vào văn chương. Chẳng hạn, tiểu thuyết Chiếc cầu trên sông Drina (đã dịch qua tiếng Việt) của nhà văn gốc Bosnia Ivo Andric đoạt giải Nobel Văn chương năm 1961. Do ở khu vực địa lý đặc biệt với nhiều dãy núi đá vôi nên người dân Mostar dùng đá vôi thay cho ngói lợp nhà.
Những miếng đá vôi được cưa xén như tấm ngói và được lợp trên một lớp gỗ. Người Bosnia Herzegovina đa số theo đạo Hồi, vì thế, các công trình tôn giáo ở đây cũng trở thành một điểm tham quan như thánh đường Hồi giáo nằm bên bờ sông Neretva.
Nơi khởi nguồn của các cuộc chiến
Rời Mostar, chúng tôi đi Sarajevo trên quãng đường dài 150 km. Con đường tuyệt đẹp men theo dòng sông chảy giữa thung lũng, hai bên là núi đá vôi với những vết nứt gãy do quá trình biến đổi địa chất từ hàng ngàn năm trước.
Ở cả Mostar và Sarajevo, thỉnh thoảng bên đường chúng tôi gặp những nghĩa trang rộng lớn. Cuộc chiến tranh Bosnia kéo dài từ giữa năm 1992 đến cuối 1995, thực ra là xung đột về lãnh thổ mà trong đó một số bên nhận được trợ giúp về quân sự và chính trị từ Serbia và Croatia.
Xung đột tuy diễn ra trong quãng thời gian ngắn ngủi nhưng thiệt hại về người và của cải là cực kỳ lớn khi có tới gần 100.000 người bị chết, đặc biệt có rất nhiều dân thường. Nhiều người tham gia cuộc chiến tranh Bosnia sau này bị kết tội diệt chủng, gây tội ác chiến tranh như Radovan Karadzic (cựu tổng thống người Serbia ở Bosnia Herzegovina), tướng Ratko Mladic (cựu chỉ huy quân đội Serbia ở Bosnia)…
Phía sau những vết đạn ở Bosnia Herzegovina 2
Sarajevo không phải là thành phố du lịch với nhiều cảnh đẹp nhưng lại là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa và lịch sử quan trọng của thế giới. Khu phố cổ xây từ thế kỷ 14 của người Hồi giáo Bosnia khiến du khách có cảm giác như mình đang ở đâu đó tại Trung Đông chứ không phải ở châu Âu.
Nhiều hàng quán bán bánh kẹo, trông giống như bánh kẹo truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ; những quán ăn, quán cà phê kiến trúc đặc trưng Trung Đông hay thánh đường Hồi giáo… Cách trung tâm thủ đô Sarajevo chừng 20 km vẫn còn bảo tồn một đường hầm được xây dựng năm 1993 ở gần sân bay dùng làm chỗ cứu nạn người bị thương, bảo vệ trẻ em. Đường hầm cao 1,6 m, dài khoảng
800 m hiện cho phép du khách đi vào bên trong. Đường hầm bí mật xuất phát bên trong căn nhà, ở vách ngoài căn nhà ấy vẫn còn chi chít vết đạn. Ahmed, hướng dẫn viên người Sarajevo làm ở công ty du lịch đối tác của Vietravel, nói chiến tranh Bosnia xảy ra lúc anh chỉ mới 5 tuổi và đã trải qua tuổi thơ thiếu thốn, nghèo khổ.
Mùa đông năm 1993, người dân Sarajevo phải sống trong cảnh lạnh lẽo vì không có điện chạy lò sưởi, buộc phải đốt sách, đốt vỏ xe… để có hơi ấm. Bác của Ahmed đã mất vì cuộc chiến này và nhiều người thân của anh cũng vậy. Không ai ngờ rằng, thành phố chết chóc đau thương Sarajevo từng là nơi chỉ trước đó có vài năm, năm 1984, đã diễn ra Thế vận hội Mùa đông.
Sarajevo chính là nơi khởi nguồn của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tại nơi đây, ngày 28.6.1914, thái tử Áo - Hung Franz Ferdinand bị ám sát bởi một sinh viên người Serb thuộc tổ chức Bàn tay đen. Phía Áo - Hung, Đức đổ tội cho Vương quốc Serbia đứng sau vụ ám sát và thế là Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra.
Vụ ám sát xảy ra bên cầu Latin (xây dựng vào thế kỷ 16) hiện vẫn còn nguyên vẹn còn chỗ kẻ ám sát chạy trốn là tòa nhà cạnh cầu nay được sử dụng làm bảo tàng. Bên góc đường, trên vách của bảo tàng, có gắn biển ghi đây là nơi xảy ra vụ ám sát thái tử Áo - Hung. Sarajevo có dân số khoảng 450.000 người, diện tích 141 km2, là thành phố thu hút nhiều du khách, đặc biệt là du khách yêu thích thể thao do hưởng lợi từ cơ sở vật chất có được sau khi tổ chức thành công Thế vận hội Mùa đông 1984.
Nhiều khu vực phù hợp để du khách tham gia các trò chơi thể thao, nhất là trượt tuyết trên núi. Về phía bắc Sarajevo, ở TP.Visoko, có một thung lũng gọi là Thung lũng của các kim tự tháp có từ thời cổ đại, trong đó có kim tự tháp Mặt trời cao 220 m (cao thứ 3 thế giới). Nhiều công trình kim tự tháp khác trong thung lũng cho đến nay vẫn là một bí ẩn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.