Phụ nữ ở nhà đâu phải để chồng 'nuôi'

03/12/2016 21:03 GMT+7

Kết hôn vào tuổi 29 tuổi, sau đám cưới, tôi đứng trước một quyết định trọng đại trong cuộc đời mình: từ bỏ công việc mình yêu thích và công ty tôi đã gắn bó suốt 5 năm nay.

Chồng tôi hơn tôi 5 tuổi, cả hai chúng tôi đã không còn trẻ trung để có thể nhởn nhơ tận hưởng cuộc sống vợ chồng son sau khi cưới. Đã kết hôn, nghĩa là sinh con ngay lập tức.
Căn phòng trọ nhỏ bé nơi tôi vẫn sống từ hồi độc thân không thể là tổ ấm phù hợp đón em bé chào đời, trong khi chồng tôi đã có nhà riêng và công việc ổn định ở thành phố cách đó hàng trăm cây số. Chồng không yên tâm khi vợ bầu bì một thân một mình không ai chăm sóc, ngay cả bản thân tôi cũng không nỡ để em bé trong bụng chịu cảnh nhà thuê mùa đông thì lạnh mùa hè thì nóng.

tin liên quan

Làm vợ hờ của đại gia có thật sự... sung sướng
Bạn gọi lúc sáng sớm khi tôi còn chưa kịp dậy, bảo đến bệnh viện X khoa Y phòng Z, rồi cúp máy. Sau mấy phút định thần, tôi trở dậy thay quần áo chuẩn bị đến địa chỉ bạn cung cấp.
Sau bao nhiêu phương án đưa ra đều không thấy khả thi, tôi chấp nhận nghỉ việc, chấp nhận từ bỏ những lời mời và mức lương hấp dẫn, bắt đầu trở thành freelancer với 24 giờ trong ngày hầu như chỉ quanh quần trong nhà và bên máy tính.
“Ở nhà chồng nuôi”, tôi tin chắc những người phụ nữ giống như tôi hẳn đã phát ngán cụm từ đó. Thời gian đầu, tôi vô cùng khó chịu và “dị ứng” mỗi khi có ai đó tò mò hỏi về công việc của mình, và khi tôi trả lời rằng mình đang làm việc tại nhà, họ gật gù ra vẻ hiểu biết: “Ở nhà chồng nuôi hả”. “Nuôi” trong cụm từ ấy, chắc hẳn tựa như ta nuôi một đứa con, một đứa trẻ hoàn toàn dựa dẫm vào ta về kinh tế, và chỉ thêm việc cho ta chứ chẳng trợ giúp được gì trong cuộc sống hàng ngày.
Nhưng hãy thử hỏi những người phụ nữ đang chấp nhận từ bỏ vị trí ở công sở của mình, từ bỏ số tiền lương có khi cao ngất ngưởng và cơ hội thăng tiến để ở nhà chăm sóc gia đình, dạy dỗ những đứa con, chăm lo cho chồng ba bữa cơm nóng sốt và mái nhà yên ấm mỗi ngày, phải chăng họ đang đóng một vai trò to lớn trong gia đình, một vai trò chẳng số tiền lương nào có thể trả nổi.
Họ không ở nhà để chồng nuôi, họ đã hoàn toàn gánh hộ người chồng một trách nhiệm nặng nề với gia đình, để người chồng nhẹ nhõm an tâm chịu trách nhiệm về kinh tế. Người vợ dù ở nhà, dù chẳng có đồng lương nào rót vào tài khoản của cô ấy mỗi tháng, nhưng cô ấy vẫn đang làm việc cật lực để bảo vệ và gìn giữ gia đình. Bởi vậy, họ đâu có vô dụng ăn bám để chồng phải nuôi.
Đôi khi, chúng ta dường như quên mất vai trò của người vợ và người chồng, người bố và người mẹ trong gia đình. Đâu chỉ có việc kiếm tiền mang về, còn có những đứa con cần dạy dỗ, uốn nắn, còn gia đình hai bên cần chăm sóc, báo hiếu, còn ngôi nhà cần sạch sẽ, tinh tươm, còn bữa cơm cần ngon lành, nóng hổi…
Gánh nặng về kinh tế, gánh nặng về chăm sóc gia đình, không cái nào nhẹ hơn cái nào, cần cả hai người cùng san sẻ, gánh vác. Nếu trong một gia đình, cả vợ cả chồng đều chỉ chăm chăm dành toàn thời gian cho sự nghiệp, mải mê kiếm tiền, thăng tiến, đến khi nhìn lại mới thấy ngôi nhà to đẹp đã chẳng còn là mái ấm, những đứa con đã chẳng còn ngoan ngoãn, dễ bảo như xưa, người đầu ấp tay gối giờ đã trở nên hoàn toàn xa lạ.
Giá như trong hai người, có một người chấp nhận đi chậm một chút, hy sinh một chút để lấp đầy những lỗ hổng trong gia đình, níu giữ và vun vén cho mái ấm thì đã chẳng đến nỗi con cái không có người dạy dỗ, vợ chồng chẳng thể có một tiếng nói chung. Người chấp nhận thua thiệt và hy sinh ấy thường là phụ nữ. Có lẽ bởi vì từ xưa đến nay đã có câu tục ngữ: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, hay vì bản chất của phụ nữ vốn là người khéo chăm lo, vun vén.
Khổ nỗi, sự hy sinh đó của họ lại thường vấp phải những dèm pha từ những kẻ không hiểu chuyện, bỗng chốc biến thành việc ở nhà chơi không để chồng vất vả đi làm mang tiền về nuôi.
Đã từng đi làm, từng phấn đấu vì sự nghiệp, tôi dám cá rằng việc đi làm thú vị gấp nhiều lần việc chỉ ngồi ở nhà, cho dù có tránh được cảnh tắc đường, khói bụi, bon chen nơi công sở đi chăng nữa.
Nhiều đồng nghiệp nữ của tôi thường thú nhận, đối với họ hai ngày cuối tuần mới đích thực là ngày làm việc, bởi tất tần tật đầu việc không tên như dọn nhà, chăm con, chợ búa, nấu nướng, chịu đựng những trận cãi vã, khóc lóc, ăn vạ của những đứa trẻ còn kinh khủng hơn deadline công việc dồn dập mỗi ngày.
Họ chỉ mong đến thứ hai để có thể đến công sở, coi như có 8 tiếng thư thái yên tĩnh mỗi ngày. Ấy vậy mà với những bà mẹ toàn thời gian, họ hầu như chẳng có một nơi ẩn nấp nào để bấu víu, nếu có đi ra ngoài thì đều là đưa con đi học, đi chợ, đón con về, đưa con đi học thêm…
Đôi khi, có phát rồ lên với không gian tẻ ngắt trong bốn bức tường thì cũng phải cố chịu đựng, và rồi lại lao vào dọn dẹp, nấu nướng.
Có những người đàn ông từng đinh ninh vợ mình ở nhà thật nhàn hạ, sung sướng, cho đến khi có dịp “đổi vai” dù chỉ một ngày, họ mới biết công việc của người phụ nữ trong một ngày ở nhà hóa ra chẳng kém phần vất vả như dự án nọ, hợp đồng kia.
Đến lúc đó, họ mới nhận ra những đồng tiền hàng tháng mang về cho vợ chẳng thấm vào đâu so với những vất vả, mệt nhọc mà người phụ nữ, người vợ, người mẹ đã hy sinh để ngôi nhà mà họ trở về luôn là mái ấm.
Tôi từng mừng rỡ khi một công ty nơi tôi làm Freelancer ngỏ ý muốn gặp mặt trực tiếp, để có cớ được thoát khỏi cảm giác “ở nhà” trong vài giờ ngắn ngủi, say sưa bàn bạc về công việc với những người bằng xương bằng thịt, không phải qua email hay skype.
Nhưng tôi biết, những “cái cớ” ấy chỉ là tạm bợ. Những người phụ nữ như tôi, lựa chọn ở nhà chăm sóc gia đình thay vì thăng tiến trong công việc, sự trưởng thành của những đứa con, sự êm ấm của gia đình mới là sự nghiệp quan trọng nhất.
Vậy đó, chấp nhận ở nhà, người phụ nữ đã chấp nhận mang lên mình trách nhiệm nặng nề nhất. Bởi trong một gia đình, việc xây được một ngôi nhà to, mua được chiếc xe xịn, kiếm nhiều tiền trong tài khoản chẳng quan trọng bằng việc những đứa con lớn lên ngoan ngoãn thành người, vợ chồng hòa hợp êm ấm.
Người phụ nữ hy sinh công việc của mình để gìn giữ điều đó, gánh vác giùm chồng mình một phần trách nhiệm cao cả, đâu phải kẻ vô dụng ăn bám. Họ không ở nhà để chồng nuôi, họ ở nhà xây tổ ấm để người chồng an tâm chinh chiến, để chồng con đi đâu cũng có nơi yên ấm bền vững để trở về.
Bởi vậy, trong gia đình, đừng nói ai “nuôi” ai, bạn cứ thử ở nhà đi rồi sẽ biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.