Sở Xây dựng Hà Nội tính phương án thay thế dần 4.000 cây xà cừ

02/06/2017 18:18 GMT+7

Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có hơn 4.000 cây xà cừ , trong đó đa phần là các cây đã già cỗi, trồng từ thời Pháp thuộc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 4.000 cây xà cừ già cỗi, trừ các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông chưa thống kê được. Xà cừ được trồng hầu hết trên các đường phố Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thâm, La Thành,… là những nơi có điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển.
Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, không gian trên đường phố của Hà Nội không đủ cho bộ rễ cây xà cừ phát triển. Đặc trưng của Hà Nội là không gian vỉa hè quá hẹp, nhà cửa san sát ngay cạnh cây xanh, nhiều công trình ngầm, trong khi tán cây nặng, gốc rễ lại quá lớn, bị bó hẹp nên rễ ăn ngang, mất cân đối, dễ đổ ngã khi mưa bão. Những đặc điểm này khiến xà cừ không có khả năng chống chịu tốt trong mùa mưa bão.
Kết quả thống kê từ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, từ năm 2014 - 2016 đã có 132 cây xà cừ bị đổ gẫy trong mùa mưa bão, chiếm tỷ trọng lớn trong số các cây xanh bị đổ gẫy của Hà Nội.
Sở này cho rằng, việc thay thế cây xà cừ nói chung, đặc biệt là cây xà cừ nguy hiểm, cây già cỗi, sâu mục, là cần thiết và cần được quan tâm nghiên cứu.
Về phương án thay thế cây xà cừ, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc thay thế cây xà cừ trước đây chỉ thực hiện với các cây chết, già, sâu mục, nguy hiểm, chưa có sự chủ động trong kế hoạch để thay thế bằng các cây đô thị khác. Nhưng với sự phát triển đô thị, xây dựng các tuyến đường sắt trên cao, các ga, thì yêu cầu phải chặt hạ số lượng cây lớn, trong đó có cây xà cừ.
Cụ thể, theo Sở Xây dựng, việc di chuyển cây xà cừ lớn về vườn ươm chăm sóc không hiệu quả, quá trình di chuyển cần đến máy móc siêu trường, siêu trọng tốn kém, việc tái trồng lại trên các tuyến đường khác là không được do không thuộc danh sách cây đô thị trồng mới… Nếu chặt hạ chỉ tốn 14,4 triệu đồng/cây thì dịch chuyển tốn 25,4 triệu đồng/cây.
Đây là lý do Sở Xây dựng đề nghị phối hợp các nhà khoa học, các viện, trường nghiên cứu đầy đủ về cây xà cừ để tham mưu cho UBND TP đánh giá về hiện trường, xây dựng phương án thay thế cây. Trước mắt, những cây xà cừ quá lớn, nguy hiểm, sâu mục cong nghiêng… sẽ chặt và trồng thay thế bằng các cây đô thị phù hợp.
Với các dự án bắt buộc xử lý thì tiến hành chặt hạ những cây có đường kính lớn hơn 50 cm. Về lâu dài, sẽ thay thế bằng hệ thống cây xanh có chủng loại phù hợp hơn, nhưng có phương án, lộ trình hợp lý, rõ ràng.
Để phục vụ thi công, mở rộng đường vành đai 3, dự kiến sẽ có 1.300 cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, trong đó đa số là cây xà cừ được chặt hạ, di chuyển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.