Bất cẩn nhỏ, tai nạn lớn

07/08/2010 09:55 GMT+7

(TNO) Thời gian qua có nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch mà nguyên nhân dẫn tới tai nạn là do những sơ ý nhỏ trong sinh hoạt hay lao động.

Từ bị bò húc...

Bệnh nhân T.V.D (sinh năm 1956, ngụ tại ấp An Thạch, xã An Ninh Tây, H.Đức Hòa, tỉnh Long An, làm nghề chăn nuôi bò giống) đang điều trị tại Khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) bởi một tai nạn hiếm gặp, bị... bò húc.

Ông D. kể lại, cách đây một tuần, khi đang buộc con bê vào gốc cây thì bất ngờ bò mẹ ở gần nhìn thấy, chạy lồng đến húc vào ông D. làm ông té xuống. Sau đó con bò tiếp tục giẫm lên ngực ông D. và cúi xuống húc thêm hai cái vào đầu, một cái vào cổ người đàn ông này.

Sự trở chứng trên của con bò đã làm ông D. phải vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nhân dân 115. Ông nhập viện với vết thương ở đầu không ngừng chảy máu và vết thương bò húc nơi hõm cổ bên phải khá sâu, bị nhiễm trùng lan tỏa, sưng tấy, chảy mủ xanh.

Cũng tại Khoa Lồng ngực - Mạch máu, ngày 28.7, các bác sĩ đã cấp cứu cho một trường hợp bị tai nạn sinh hoạt nghiêm trọng. Đó là cụ ông Đ.T.H, 80 tuổi, ngụ ở đường Cách Mạng Tháng 8, Q.10, TP.HCM.

Sau khi trời mưa, cụ H. đã bắc thang trèo lên mái nhà để móc rác. Nước mưa làm chiếc thang bị trượt, khiến cụ ngã vào hàng rào bên cạnh và bị 2 cọc sắt nhọn của hàng rào đâm xuyên thủng thành ngực trái.

Cụ được đỡ xuống khỏi hàng rào trong tình trạng mất máu nhiều và ngất tại chỗ.

... đến uống nhầm hóa chất

Chỉ trong tháng 7, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã có ít nhất 4 trường hợp trẻ em nhập viện do những bất cẩn như uống nhầm hóa chất hay nuốt các vật dụng.

Bé trai Đ.H.H (3 tuổi, ngụ tại Bình Dương) nhập viện trong tình trạng bứt rứt, khó thở, lở loét miệng, ho, khạc liên tục. Bé H. uống nhầm acid.

Theo lời kể của người nhà thì ông nội bé dùng chai nước khoáng LaVie để chứa dung dịch acid sulfuric đậm đặc dùng cho bình ắc quy. Chai "nước" này được để trên bàn nên bé H. chạy chơi về khát nước liền cầm lấy uống.

Người nhà phát hiện đã đưa bé đến bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ngay lập tức bé được thở oxy, đặt ống thông dạ dày dẫn lưu chất độc còn sót lại trong dạ dày, truyền dịch, kháng sinh điều trị viêm phổi.

Tuy nhiên, việc uống phải acid đậm đặc đã để lại cho bé H. di chứng nặng khi bị bỏng thực quản nặng có nguy cơ chít hẹp gây khó khăn cho ăn uống sau này.

 
Nhiều trường hợp vào viện cấp cứu do bất cẩn - Ảnh: Nguyên Mi

Vỏ là chai nước nhưng "ruột" lại là... hóa chất trừ mối cũng là nguyên nhân khiến bé trai P.Q.D (7 tuổi, ở Cần Đước, Long An) phải nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 để rửa dạ dày.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, bé D. đi chơi về khát nước quá nên vớ vội chai thuốc trừ mối không nhãn mác mà bé tưởng là nước uống, nốc một hơi. Nước đắng, bé ho sặc sụa và ói ra. Sau hai ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bé được cải thiện, tỉnh táo dần.

Hai trường hợp tai nạn dị vật kim bấm khác xảy ra ở trẻ cũng được Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận điều trị là của bé gái N.V.T.H, 12 tháng tuổi và một bé 4 tháng tuổi.

Người nhà cho bé H. cầm hộp kim bấm chơi và bé đã ngậm, nuốt luôn những chiếc kim này.

Trường hợp của bé 4 tháng tuổi lại do mẹ mang cho bé những chiếc bao tay mới mua, chưa gỡ bỏ những chiếc kim bấm gắn trên đó. Bé có thói quen mút tay, đã ngậm phải những chiếc kim, gây trầy loét miệng, thậm chí đã nuốt luôn vào miệng. Đến khi bé bú kém, nhợn ói, quấy khóc gia đình mới đưa đến bệnh viện.

Cả hai trường hợp này đều may mắn là dị vật không bị vướng lại trên đường tiêu hóa. Sau thời gian điều trị các cháu hồi phục và đã được xuất viện.

Chỉ tính riêng Khoa Cấp cứu Ngoại viện, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM), từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hai ca tai nạn lao động và khoảng 400 ca tai nạn sinh hoạt. Trong tháng 7, các bác sĩ tại khoa đã tiếp nhận và điều trị cho hai trường hợp bị điện giật nặng và một ca đuối nước.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Cao Văn Thịnh, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện 115 cảnh báo người dân nên cẩn trọng vì có những bất cẩn nhỏ có thể dẫn đến tai nạn lớn đe dọa đến tính mạng cũng như để lại di chứng nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh.

Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần lưu ý để hóa chất, thuốc và những vật nhỏ, nhọn... xa tầm với của trẻ. Đặc biệt không nên đựng hóa chất trong các chai lọ nước uống vì trẻ sẽ tưởng nhầm là thức uống và uống phải. Các chai lọ đựng thuốc, hóa chất phải có ghi nhãn mác rõ ràng để tránh nhầm lẫn gây ngộ độc cho cả người lớn!

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.