Hơn thua một chữ

10/09/2010 10:30 GMT+7

Ai sành về bia đều rõ bia thời xưa không có màu trong vắt cũng không nổi bọt cao như bia ngày nay. Lý do là vì bia “hiện đại” được lọc sạch phần men bia để có thể bảo quản lâu hơn cho mục tiêu thương mại.

Bia ở thiên niên kỷ mới cũng vì thế mà không còn nhiều chất bổ dưỡng, nếu so sánh với bia vào mấy thập niên trước đâyTác dụng hữu ích của men bia không là điều gì mới lạ. Thầy tu ở nhiều tu viện vùng Trung u đã biết dùng men bia để chữa đủ thứ bệnh từ thời Trung Cổ. Nhờ vậy mà bia thời đó còn có tên là “bánh mì lỏng” vì uống bia nhiều men thì khỏe đến độ khỏi cần ăn bánh mì. Quan điểm đó càng đứng vững hơn nữa từ khi các nhà khoa học chứng minh là không có thực phẩm nào chứa nhiều nhóm sinh tố B bằng men bia, chưa kể trong men bia còn có hàm lượng dồi dào chất đạm và khoáng tố đủ loại.

Nhờ sự hiện diện của biotin - sinh tố tối cần thiết để da mịn màng, tóc óng ả, móng tay bền chắc - nên men bia có tác dụng chẳng khác nào mỹ phẩm làm đẹp từ bên trong. Thêm vào đó, lượng chất sắt, kẽm và đồng trong men bia với tỉ lệ hợp lý là cơ sở giúp ổn định ẩm độ của da khiến da không khô nhám, không nứt nẻ, không nhăn nheo trước tuổi.
 
Với tác dụng cộng hưởng giữa kẽm, chất đạm và sinh tố, tóc của người dùng men bia vừa khó rụng vừa bóng láng mà không cần thuốc nhuộm. Lớp da có “tẩm” men bia rõ ràng có sức đề kháng cao hơn trước tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt, của độc chất ôxy hóa trong môi trường ô nhiễm.
 
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy men bia cải thiện trí nhớ một cách rõ rệt sau thời gian áp dụng tương đối ngắn hạn. Nhiều chuyên gia ngành thần kinh thậm chí quả quyết rằng men bia, thông qua cơ chế ổn định dẫn truyền thần kinh, là phương tiện hiệu quả để ngăn chặn bệnh Alzheimer.
 
Không chỉ hữu ích cho người cao tuổi, với hơn 40% trong thành phần là nhiều loại chất đạm cần thiết cho phản ứng kiến tạo, lại thêm ít muối natri cũng như chất béo, men bia là món thuốc bổ lý tưởng cho vận động viên, người lao động nặng, kẻ lao tâm vì công việc căng thẳng. Thay vì chọn bia để chống stress rồi trả giá quá đắt với lá gan nhiễm mỡ, người khôn khéo chỉ cần châm nhẹ tiếng men trước chữ bia thì máu hết nổi bọt.
 
Kẹt một nỗi là giữa lý thuyết và thực tế luôn có khoảng cách. Gần đây, có lần tôi biên toa khuyên một bệnh nhân mệt lả vì stress nên dùng thuốc có men bia. Nửa tháng sau gặp lại, bệnh nhân này thấy triệu chứng chẳng những không cải thiện mà có thêm dấu hiệu bị bệnh gout. Vặn hỏi mãi mới biết vì thuốc có “men bia” khó tìm nên bệnh nhân này áp dụng chỉ có nửa sau, tức là bia chứ không phải men bia. Khỏi nói thêm cũng hiểu tại sao máu lại lên... men?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
(Trung tâm Điều trị ôxy cao áp TP.HCM)

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.