Ngừa bệnh răng miệng tuổi học đường

27/03/2013 03:10 GMT+7

80% học sinh những năm đầu của tiểu học bị sâu răng sữa, gây tác hại lâu dài. Y tế học đường với chương trình chăm sóc răng miệng giúp giảm tỷ lệ sâu răng ở trẻ.

PGS-TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư (Hà Nội), cho biết trẻ 6-8 tuổi (lứa tuổi hoàn chỉnh răng sữa) có tỷ lệ sâu răng sữa rất cao: đến 85% lứa tuổi này sâu răng, trung bình 6,5 răng sâu ở mỗi cháu. Tỷ lệ sâu răng sữa cao tiềm ẩn nguy cơ sâu răng trong cộng đồng.

“Trẻ ăn vặt dễ bị sâu răng vì thức ăn bám lại trên bề mặt và kẽ răng, tạo a xít làm hỏng khoáng men răng, kích thích viêm lợi, viêm quanh răng kéo theo nguy cơ mất răng sớm”, TS Hải lưu ý. Thức ăn ngọt, tinh bột... đặc biệt “lý tưởng” cho sâu răng. Khi thức ăn này dính lên mặt răng, vi khuẩn sẵn có trong miệng dễ dàng phân hủy tạo thành mảng bám làm hỏng men răng.

Theo TS Hải, tỷ lệ tiêu thụ đường của quốc gia tỷ lệ thuận với mức độ gia tăng sâu răng trong cộng đồng. Những năm 80-90 của thế kỷ trước, nước tiêu thụ đường khoảng 6,5 kg/người dân; năm 2000 tăng lên 13 kg và đến nay gần 20 kg đường/người/năm.

Y tế học đường ngừa bệnh răng miệng

Sâu răng sữa tiềm ẩn sâu răng trong cộng đồng. Răng sữa bị sâu và rụng quá sớm ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn sau này (răng mọc xô, lệch lạc). Răng sữa còn giúp bé phát âm chuẩn quá trình tập nói, hoàn thiện phát âm.

Vì vậy, nha học đường được triển khai tại 8 tỉnh liên tục trong các năm qua, thông qua việc: trang bị ghế răng, có nhân viên y tế đủ kiến thức giúp kiểm tra răng miệng, hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho các em. “Khi còn nhỏ, các em được trang bị kiến thức chăm sóc răng miệng thì việc ngừa sâu răng rất hiệu quả. Ngoài ra, nha học đường còn tổ chức cung cấp kem đánh răng, nước súc miệng fluor,  trám bít hố rãnh ngừa sâu răng... Tại những nơi có nha học đường, tỷ lệ học sinh sâu răng và bệnh răng miệng giảm rõ rệt. Tại nhiều nhà trường, y tế học đường với việc khám sức khỏe, triển khai các chương trình chăm sóc răng miệng giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ hiệu quả.

Để trẻ có răng chắc khỏe, phát triển tốt, khi mang thai bà mẹ cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp tạo được mầm răng khỏe cho trẻ ngay từ giai đoạn bào thai vì mầm răng hình thành ngay từ tháng đầu của thai kỳ. Khi trẻ đã hình thành răng sữa, cần chăm sóc răng miệng sạch sẽ. Người lớn cần tạo cho trẻ thói quen đánh răng, đặc biệt là buổi tối trước khi đi ngủ. Trẻ nên dùng kem đánh răng phù hợp lứa tuổi.

TS Hải cho biết thêm, chỉ chải răng 2 lần/ngày, trong đó 1 lần trước khi đi ngủ đã có thể ngừa sâu răng hiệu quả, giúp phòng các bệnh quanh răng... Y tế học đường với chăm sóc răng miệng cho trẻ em sẽ được mở rộng, đem đến hiệu quả lâu dài về sức khỏe răng miệng cho cộng đồng. 

Nam Sơn

>> 90% người dân mắc bệnh răng miệng
>> 3.000 học sinh Thủ đô chào đón “Ngày sức khỏe răng miệng thế giới”
>> Cùng hưởng ứng “Ngày Sức Khỏe Răng Miệng Thế Giới”
>> Vệ sinh răng miệng giúp giảm nguy cơ sinh non

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.