Tết của riêng ai…

21/01/2017 21:42 GMT+7

Nghe anh nói, thì mọi thứ có vẻ đơn giản, nhẹ nhàng, giống như anh “giải phóng” cho vợ, cho mình. Chỉ có chị biết rằng, chẳng qua, anh dùng chữ “hiện đại hóa” là để… trốn việc nhà mà thôi.

Mấy hôm nay người ta tám nhiều về chuyện nên hay không nên xóa bỏ Tết Nguyên đán, anh hê hê cười với bạn bè: “Xóa hay không chẳng quan trọng, nhà tôi thì từ lâu rồi đã “hiện đại hóa” tết nhất rồi, cứ vui chơi, nghỉ ngơi thôi. Tết đâu phải là dịp hành tội nhau bằng những đống việc, đống trách nhiệm!”.

tin liên quan

Tiếng chổi tre trong đêm giao thừa
Sài Gòn đêm cuối năm, lẫn trong dòng người nô nức đổ ra đường chờ đón giao thừa, nữ lao công Phạm Thị Thu (Công ty TNHH Dịch vụ công ích Quận 5, TP.HCM) cần mẫn đưa từng nhát chổi tre xào xạc trên phố đêm.
Nghe anh nói, thì mọi thứ có vẻ đơn giản, nhẹ nhàng, giống như anh “giải phóng” cho vợ, cho mình. Chỉ có chị biết rằng, chẳng qua, anh dùng chữ “hiện đại hóa” là để… trốn việc nhà mà thôi.
Thật ra thì nhà anh chị cũng không quá nặng nề chuyện lễ nghi tết nhất, mấy năm rồi toàn đi du lịch gần hết cả kỳ nghỉ dài. Tết bây giờ cũng chẳng còn định hình là những ngày phải ăn uống, cúng quẩy, thăm hỏi hết thảy mọi người. Nhưng dù sao đây cũng là chặng nghỉ, là điểm dừng sau một năm với bao vội vã, tất bật, bon chen…
Riêng chị luôn thấy cuộc sống gia đình như ý nghĩa hơn, vững chắc hơn nhờ những cái tết cổ truyền, khi được dịp ôn lại chút kỷ niệm ngày xưa bên ông bà, bố mẹ, và dù không ăn uống nhiều nhưng cũng là dịp được nấu lại những món truyền thống để con cái sum vầy trong không khí đầm ấm, trong một vài ngày trước và sau chuyến đi chơi thư giãn.
Chị thấy cũng rất cần tạo nên trong gia đình một không gian đẹp đẽ, ấm cúng đặc biệt, khác ngày thường. Và cũng phải có những lễ nghi nhất định, trang trọng, nhằm mang lại niềm vui tinh thần, những động lực cho một năm mới tốt lành, may mắn.
Dù giản tiện nhất, thì cũng phải dọn dẹp nhà cửa, chăm chút ban thờ, làm một vài món mặn, ngọt đưa cay khi có khách, chuẩn bị quà cáp thăm hỏi những người thân… “Không cần gì” nhưng vẫn… “phải có gì” chứ, tết nhất mà nhà cửa, bếp núc, không khí đón xuân lạnh tanh sao được. Chị lụi cụi làm, lụi cụi lo, nhiều khi mong chồng chia sẻ một chút cho nhẹ bớt, cho vui thêm, nhưng anh thì cứ giở bài “hiện đại hóa” ra đối phó.
“Làm được đến đâu thì làm, không thì thôi, thiếu chút cũng chẳng sao”, anh nói vô tư. Anh vẫn hồ hởi với những chậu cây, chậu hoa mới chị trang trí từ ngoài sân vào trong nhà; anh xuýt xoa hài lòng với những sắp đặt trang trọng, tinh tươm của chị từ ban thờ đến phòng khách, phòng ngủ, bếp núc...
Anh hăm hở với miếng bánh chưng thật dền, thật thơm ngon mà chị phải đặt người làm, chọn từ loại gạo nếp cái hoa vàng, kiểm tra từng hạt đậu xanh, từng công đoạn gói, nấu… Chỉ là mỗi khi chị nhờ vả gì, thì anh chối đây đẩy với lý do “tết hiện đại, không cần làm gì”!
Năm nào cũng vậy, anh dành nguyên cả tháng chạp đi chơi, đi nhậu, tất niên hết đợt này đến đợt khác, với hết nhóm nọ nhóm kia, ở đâu anh cũng khoe với mọi người là giờ nhà mình đổi mới, tết chỉ đi du lịch xả stress, tận hưởng không khí xuân, chứ “Không cổ hủ như các ông các bà, cứ tết là tự mình làm khổ mình, giở ra đủ thứ việc”, “Nhà tôi, hai vợ chồng ­­­­khỏe re, chẳng làm gì hết, chỉ đến giờ là xách va li ra sân bay, vi vu…”.
Chỉ có chị là không ít lần ấm ức khi một mình xoay xở trong cái… thoải mái “toàn quyền” mà anh nói, với những tờ giấy ghi chi chít việc. Tết của mọi người, đâu phải chỉ riêng ai…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.