Tình yêu đầu tiên của con gái

28/05/2016 11:35 GMT+7

1. Cô gái 3 tuổi của tôi mỗi lần đi đâu xa lại nằn nì nói mẹ gọi điện thoại nói với bố. Có khi, con chỉ nói một câu: “Bố ơi, con nhớ bố” rồi rấm rứt khóc, nước mắt vòng quanh.

Đó là nỗi nhớ trong veo và tinh khôi đầu tiên của con gái. Nó làm mẹ ngồi bên cạnh vừa mủi lòng muốn khóc vừa phì cười vì chứng kiến những giọt nước mắt thông thường chỉ dùng… khi ăn vạ, giờ biết biểu hiện cho nỗi nhớ. Còn bố của con gái, đầu dây bên kia, giọng nhẹ bẫng, ấm áp: “Bố cũng nhớ con lắm”. Mẹ có chút xíu tự thắc mắc là cả mười năm quen nhau rồi đấy, chưa bao giờ được nghe bố của con gái nói nhớ mẹ hay nhớ bất cứ ai khác. Phút giây ấy, mẹ nghĩ không chừng tim bố cũng tan chảy vì con gái chứ chẳng đùa.
Vì con gái, mọi ông bố có thể làm những điều “điên khùng” nhất. Đại thể như cầu thủ nổi tiếng David Beckham sẵn sàng để con gái cột nơ lên đầu, có ông bố như chú hàng xóm nhà mình chịu để con gái sơn móng tay bố đỏ chét, còn bố của con gái mẹ - chẳng đếm được đã làm bao nhiêu điều “không tưởng” tương đương như vậy. Gần đây nhất là chiều thứ bảy đi bơi, ông bố gần như chẳng bơi được bình thường vì mải lặn hụp khi con gái cứ thích chí reo hò: “Bố ơi, bố làm con cá đi, con cá phải hụp xuống nước chứ”.
Tình yêu đầu tiên của hầu hết các cô bé đều hồn nhiên đến từ những ông bố, vì như thế.
2. Bộ phim về tình cha con mà tôi thích nhất là một phim hoạt hình ngắn, không lời được phát trên YouTube: Cha và con gái (Father and Daughter) của tác giả người Hà Lan Michaël Dudok De Wit. Bộ phim từng đoạt giải phim ngắn xuất sắc tại Oscar 2000. Đây được xem là một trong những video xuất sắc về cha con, được chia sẻ nhiều nhất trên internet, khẳng định tình cảm vẹn nguyên của con gái với cha trong suốt cuộc đời.
Bắt đầu những hình ảnh đầu tiên là cha và con gái cùng đạp xe dạo chơi ra bến sông. Ở đó, cha tung con gái lên cao, ôm con thật chặt. Chỉ là hình ảnh phim và tiếng nhạc không lời du dương, tươi vui nhưng tôi vẫn cảm giác như leng keng tiếng cười của mỗi cô gái nhỏ khi chúng rổn rảng nói gì đó - có khi cũng chẳng nói gì, chỉ là bật ra những tiếng cười rất vui - bên cha mình.
Tôi đã như thể soi trong từng thước phim để gặp lại tuổi thơ mình ở đó. Ngày mà một chiếc xe đạp lọc xọc bố chở con gái từ Trung Đô lên Đội Cung thăm ông chú, đi qua những cánh đồng lúa chín vàng, chấp chới những cánh cò trắng muốt. Ngày mà bố tập cho con gái đạp xe ba bánh trẻ con vòng quanh trong khu tập thể, dưới những gốc me già thi thoảng rụng trái lộp bộp. Ngày mà trong túi bố chẳng có đồng xu nào, chở con đi ra quán cóc quen thuộc, mua chịu một phong kẹo lạc cho con và bát nước chè xanh cho bố…
Cô bé trong phim ngày ngày, mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác vẫn đạp xe ra bến sông cũ, nơi cô tiễn bố đi xa, để đợi người về. Và khi đã trở thành một bà cụ già lưng còng, da nhăn nheo, “cô gái” mới phát hiện ra điều đau đớn: bố không bao giờ có thể quay về. Con thuyền ngày bố đi đã mắc chìm trong đám lau sậy mấy chục năm. Vô tình nhờ kỳ hạn hán kéo dài, trơ cả đáy sông lên mà cô mới biết. Cô bé ngày đó giờ đã lên lão, không khóc. Hoặc không đủ sức mà khóc. Cô nhẹ nhàng nằm vào lòng chiếc thuyền của bố. Dáng người cô cong như một mảnh trăng nhỏ những ngày đầu tháng.
Mỗi khi nhìn hình ảnh con gái nằm trong chiếc thuyền của bố, tôi lại có sự hình dung và bùi ngùi chạnh nhớ về những ngày bé thơ nằm cong queo rúc trong lòng bố. Tôi nhớ bàn tay chai sần cùn tất cả các đầu móng nhưng rất dịu dàng, dễ chịu khi gãi tấm lưng bé tẹo đầy rôm sẩy cho tôi những ngày hè. Đó là một trong những ký ức nếu cô con gái nào từng có được, hẳn không bao giờ quên. Và so với những thước phim “vàng” kia, thì cái ký ức tưởng chỉ rất giản đơn như việc nằm trong lòng bố từ một mùa đông hay đêm hè nào đó có lẽ là khoảnh khắc vàng của cuộc đời.
3. Tôi vẫn nhớ những ngày cuối cùng của mẹ tôi trên cuộc đời. Để chống lại những cơn đau bệnh ung thư, bác sĩ phải chỉ định tiêm morphin cho bệnh nhân. Vì tác dụng của thuốc, những cơn đau diễn ra trong mê man, những lúc thức giấc cũng trong mê man. Mẹ thường nằm bất động trên giường, không còn đủ sức và tâm trí để quan tâm những gì xảy ra xung quanh mình. Ông ngoại 90 tuổi đi gần 100 km, từ Đô Lương xuống Vinh đến thăm mẹ trong thời điểm đó. Mẹ cố hết sức để gượng lên, kê đầu bên đùi ông. Ông ngoại xoa xoa đầu mẹ. Ông ngoại khóc, mắt mẹ ướt. Đó là khoảnh khắc cuối cùng của mẹ và ông ngoại - bố và con gái…
Những khoảnh khắc của bố và con gái, tôi tin nó có khả năng găm chặt trong tim bất cứ cô con gái nào. Cho dù con gái có từ một đứa trẻ dăm ba tuổi, trưởng thành rồi hóa thành bà lão theo vòng quay khắc nghiệt của thời gian thì khoảnh khắc ấy vẫn luôn rất gần, rất mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.