Tranh cãi chuyện nuôi chó, mèo trong chung cư

27/03/2016 09:31 GMT+7

Quy định cấm nuôi chó, mèo trong chung cư của Bộ Xây dựng sẽ có hiệu lực từ ngày 2.4 đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Quy định cấm nuôi chó, mèo trong chung cư của Bộ Xây dựng sẽ có hiệu lực từ ngày 2.4 đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều ý kiến trái chiều về việc cấm nuôi chó, mèo trong nhà chung cư - Ảnh: Bạch DươngNhiều ý kiến trái chiều về việc cấm nuôi chó, mèo trong nhà chung cư - Ảnh: Bạch Dương
Bên nói “vô lý”, bên hưởng ứng “hai tay”
Chị Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, ở tầng 4 chung cư thuộc khu đô thị Bắc Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết con gái chị rất thích mèo, nên chị chiều con nuôi. Theo chị Thu, việc nuôi mèo không gây ảnh hưởng đến hàng xóm vì mèo chỉ quanh quẩn trong nhà và rất sạch sẽ.
Do đó, chị thấy quy định cấm là không cần thiết mà chỉ nên nhắc nhở người dân không làm ảnh hưởng đến các hộ gia đình khác.
Những quy định tại phụ lục 1 của Thông tư 02/2016/TT-BXD, trong đó có quy định cấm nuôi chó, mèo trong nhà chung cư, chỉ mang tính chất để các hội nghị nhà chung cư tham khảo đưa vào nội quy nhà chung cư. Khi đưa vào nội quy nhà chung cư, chế tài xử lý thế nào sẽ do Hội nghị nhà chung cư thống nhất trên cơ sở đồng thuận
Ông Nguyễn Trọng Ninh,
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản
Đồng quan điểm, bà Trần Minh Hà, 52 tuổi, ở khu đô thị Đại Thanh (H.Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, “quy định cấm nuôi chó, mèo là vô lý”.
Việc nuôi động vật (không phải động vật hoang dã, quý hiếm nằm trong danh sách bảo vệ - PV) là quyền của mỗi người, không thể cấm được, chỉ cảnh báo người dân không làm ảnh hưởng tới hàng xóm là hợp lý.
“Chồng tôi mất sớm, hai đứa con của tôi đã lập gia đình và dọn ra ở riêng. Hiện tôi ở một mình trong căn hộ, chú chó phốc là bạn duy nhất của tôi hằng ngày. Nếu cấm nuôi động vật trong chung cư thì tôi lấy ai để tâm sự, bầu bạn”, bà Hà chia sẻ.
Trái với quan điểm trên, chị Nguyễn Lan Hương, 36 tuổi, ở chung cư cũ H3 Thành Công (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho rằng việc cấm các hộ dân sống ở chung cư không nuôi chó, mèo là đúng. Bởi lẽ, khi có dịch bệnh, nguồn có nguy cơ phát tán chính là vật nuôi trong nhà.
“Chung cư cũ của tôi có gia đình còn nuôi cả gà trên sân thượng. Chưa kể mùi xú uế bay ra, đến đợt có cúm A/H1N1 hay cúm A/H5N1, cả khu nơm nớp lo sợ”, chị Hương nói.
Anh Nguyễn Quang Mạnh, ở chung cư HH4 Linh Đàm (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) hưởng ứng quy định cấm nuôi chó, mèo trong chung cư. Lý giải về điều này, anh Mạnh nói, các thành viên trong gia đình anh nhiều đêm mất ngủ vì tiếng chó sủa của nhà hàng xóm. “Nuôi chó mèo cũng được thôi nhưng đừng làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Điều này là rất khó, vì chó, mèo làm sao có thể cấm nó sủa hay nhốt nó trong lồng cả ngày được. Đấy là còn chưa kể đến mùi xú uế bốc ra từ những con vật nuôi này”, anh Mạnh tỏ ra khó chịu.
“Tầng 8 nhà em còn có chuyện hàng xóm xích mích vì tiếng chó sủa đêm làm trẻ nhỏ giật mình, khóc quấy. Hay ở tầng 4 cũng vậy, một số ông bà lớn tuổi đã khó ngủ còn bị mất ngủ triền miên vì tiếng chó sủa hằng đêm. Ban quản lý phải nhiều lần vận động người các hộ có vật nuôi giải tán vật nuôi để khỏi mất đoàn kết hàng xóm”, anh Nguyễn Đức Hải, ở chung cư Chelsea Park trên phố Trung Kính (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), kể.
Cấm hay không, tùy từng nơi
Một số quan điểm của cư dân nhà chung cư khác lại cho rằng, cấm hay không nên căn cứ vào từng khu nhà. Hoặc có thể quy định rõ được hay không được nuôi từng loài vật gì. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Quản lý tòa nhà nêu quan điểm cấm hay không còn tùy từng khu và từng loài động vật. Áp dụng như thế nào còn tùy vào sự linh động của mỗi khu chung cư thống nhất như thế nào, giống như “lệ làng”.
Cũng theo ông Hùng, từ lâu nay, nhiều chung cư ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM... đặc biệt là những chung cư cao cấp, không cần đợi Bộ Xây dựng đưa ra quy định mà đa phần đều thống nhất cấm nuôi chó, mèo. Tại những chung cư bình dân cũng không có nhiều nơi để người dân tự do nuôi. Chỉ có những chung cư cũ, tái định cư, chung cư giá rẻ, quản lý không tốt thì thường người dân vẫn nuôi theo sở thích nhưng không quá phổ biến.
Ghi nhận tại nhiều khu chung cư từ cao cấp đến bình dân tại Hà Nội, hầu hết đều có bảng nội quy thể hiện cư dân không được nuôi chó, mèo. Tuy nhiên việc giám sát, xử lý cư dân nuôi chó, mèo ở những nơi này không hề dễ dàng. Anh Trần Ngọc Bách, lãnh đạo Ban Quản lý một tòa chung cư cao cấp trên phố Láng Hạ (Q.Đống Đa, Hà Nội), cho biết từ khi cư dân dọn về ở đã cấm tuyệt đối.
“Chúng tôi rất vất vả vận động người dân không nuôi thú cưng chó, mèo, phải mất nhiều lần đi lại vận động thì họ mới chịu chấp hành. Quy định như vậy nhưng cũng rất khó thực hiện vì cấm vậy nhưng không có chế tài gì. Ban quản lý đi phạt thì không được, còn giao cho lực lượng chức năng của phường đi phạt nuôi chó, mèo trong nhà chung cư cũng khó thực thi. Theo tôi, việc này nên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức dần dần”, anh Bách nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết những quy định tại phụ lục 1 của Thông tư 02/2016/TT-BXD, trong đó có quy định cấm nuôi chó, mèo trong nhà chung cư, chỉ mang tính chất để các hội nghị nhà chung cư tham khảo đưa vào nội quy nhà chung cư. Khi đưa vào nội quy nhà chung cư, chế tài xử lý thế nào sẽ do Hội nghị nhà chung cư thống nhất trên cơ sở đồng thuận.
Kiên quyết nói “không” với chó lớn
Ông Huỳnh Văn Phước, Phó trưởng ban Quản trị chung cư Phú Thọ, Q.11 (TP.HCM), cho biết ở mỗi lô chung cư này có 5 - 6 hộ nuôi chó (chung cư có 6 lô, mỗi lô có hơn 100 hộ dân). “Đối với chó lớn thì chúng tôi kiên quyết, động viên người dân không nên nuôi, còn với chó cảnh thì cũng nên xem lại. Trước mắt, chúng tôi chỉ yêu cầu họ nhốt trong nhà, không được đưa ra ngoài, không để phóng uế”, ông Phước nói.
Theo anh Phạm Quốc Thắng, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Những người nuôi chó giống tại Hà Nội, nuôi chó, mèo là nhu cầu chính đáng của một số ít người dân, nhưng vẫn cần được tôn trọng. Nên chăng là có biện pháp quản lý hơn là cấm. Theo cách quản lý việc nuôi chó mèo ở một số nước thì những người chủ nuôi sẽ phải đóng một số tiền vào quỹ để khi vi phạm sẽ trừ dần vào tài khoản đã nộp.
Hải Nam - Lê Quân
Cấm nói tục chửi bậy trong nhà chung cư
Bên cạnh việc cấm nuôi chó, mèo trong nhà chung cư, phụ lục của Thông tư 02/2016/TT-BXD có hiệu lực từ 2.4 tới còn đưa ra nhiều quy định như: cấm người dân sinh sống ở nhà chung cư nói tục chửi bậy, cãi đánh nhau gây ồn ào, mất an ninh trật tự; cấm sử dụng truyền thanh, truyền hình hoặc các thiết bị phát ra âm thanh quá mức làm ảnh hưởng đến yên tĩnh trong nhà chung cư...
Quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD đang gây tranh cãi nhiều, xôn xao dư luận. Một số ý kiến cho rằng, quy định như vậy để tạo nếp sống văn minh trong cộng đồng nhà chung cư. Tuy nhiên, nhiều người khác cũng cho rằng, quy định này khó thực thi, hiệu quả sẽ thấp, không có người giám sát.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý tòa nhà nêu ý kiến, những quy định nêu trên của Bộ Xây dựng đưa ra mang tính chất là mẫu chung để người dân thông qua Hội nghị nhà chung cư nhắc nhở nhau cùng xây dựng nếp sống văn minh trong một ngôi nhà chung. Nếu cố tình bắt bẻ nhau theo chiều hướng kiểu thế nào là nói tục chửi bậy thì lại cần phải có tiêu chí, chế tài phạt, lực lượng thực thi phạt... rõ ràng. Điều này khá phức tạp mà thực sự chưa cần thiết phải vặn vẹo nhau như vậy. Những quy định kiểu đó chỉ mang tính chất nhắc nhở để người dân cùng nâng cao ý thức trong một cuộc sống chung”, ông Hiệp nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.