Từ Bukit Jalil đến Mỹ Đình: Cổ động viên 'không nhặt rác' sẽ còn đẹp hơn?

14/12/2018 09:31 GMT+7

Tuyển Việt Nam đã mang đến cho khán giả những trận đấu kịch tính tại AFF Cup 2018. Còn trên khán đài, cổ động viên ghi điểm với hành động nhặt rác thật đẹp. Nhưng cũng có người khẳng định “không dọn rác” thì sẽ đẹp hơn?

Bóng đá Việt Nam đã làm nên một năm 2018 thật đẹp khi các cầu thủ Việt có những màn trình diễn tuyệt với những trận thắng thuyết phục trên sân cỏ, hai lần vào chung kết và đoạt hạng tư ASIAD. Và trên khán đài, cổ động viên Việt Nam cũng liên tiếp ghi nhiều “bàn thắng” với hành động đẹp nhặt rác sau trận đấu.
Sắc đỏ trên sân vận động Bukit Jalil ngày 11.12 Diệu Hiền
Dù đội U.23 Việt Nam thắng U.23 Bahrain vào tháng 8 tại ASIAD 2018 hay thua trước Olympic Uzberkistan trong trận chung kết Giải Vô địch U.23 châu Á ở Thường Châu (Trung Quốc) thì nhiều cổ động viên Việt Nam cũng đều nán lại và làm sạch… chỗ ngồi.

Bức tranh bóng đá đẹp

Cũng tại sân vận động Pakansari (Jakarta, Indonesia), người hâm mộ túc cầu giáo Việt Nam đã ghi “bàn thắng” bằng việc nhặt rác trên khán đài mặc dù đội nhà thất bại trước Hàn Quốc ở trận bán kết ASIAD 2018.
Và gần đây nhất, trận đấu nghẹt thở giữa tuyển Việt Nam và Malaysia vừa qua tại “chảo lửa” Bukit Jalil cũng được kết thúc… đẹp như thế.
Các cổ động viên Việt Nam nhắc nhau nhặt rác sau trận đấu ngày 11.12 Trần Anh Quốc Cường
Bay từ TP.HCM sang Kuala Lumpur để cổ vũ cho đội nhà, anh Cao Minh Hiển không giấu được cảm xúc khi “bình luận” trực tiếp trên trang cá nhân: “Đẹp trên sân và hồi hộp đến giây phút cuối cùng và đẹp trên khán đài cho đến khi nhìn tận mắt thấy khán đài của nhà ta sạch sẽ, không còn một bịch rác!”.
Còn chị Lê Diệu Hiền, một fan “cuồng” của tuyển Việt Nam bay từ Đà Nẵng qua, kể lại: “Mình thấy rất tự hào và hãnh diện. Cổ động viên chuẩn bị rất chu đáo. Họ mang theo những cái bao rất lớn. Bao nilon và bao bố. Khi vừa kết thúc trận thì bắt đầu nhặt. Mà ai cũng tham gia nhặt. Bịch rác chuyền tới tay là họ nhặt rác bỏ vào và tiếp tục chuyền xuống dưới. Dọn xong họ bỏ các bịch rác vào 1 khu vực chung. Rất gọn gàng sạch sẽ”.
Một hành động đẹp, đáng ghi nhận của các cổ động viên Việt Nam Trần Anh Quốc Cường
“Mà mọi người đều rất mệt nhé. Vì đi theo tour di chuyển máy bay, rồi ngồi xe liên tục không nghỉ ngơi. Nhưng họ vẫn làm sạch sẽ rồi mới về”, chị Hiền nói thêm.
Anh Trần Anh Quốc Cường, cũng có mặt tại sân Bukit Jalil ngày 11.12, cho biết: “Tôi thấy các cổ động viên bảo nhau cùng dọn và nhặt. Một người làm sau đó 5-10 người làm theo. Khoảng 30 phút thì xong”.

Nếu không nhặt rác… thì còn đẹp hơn

Chỉ vài ngàn cổ động Việt Nam lọt thỏm giữa sân vận động 90 ngàn chỗ ngồi Bukit Jalil, nhưng những việc làm nho nhỏ đã góp phần tạo nên một phong cách cổ vũ văn minh của người Việt. Ai đó từng nói “những việc vĩ đại được làm tạo ra bởi sự kết hợp của hàng loạt những việc nhỏ”.
Một trận bóng đẹp trên sân và một khán đài sạch bóng rác... là điều mà ai cũng mơ đến Cao Minh Hiển
“Tích tiểu thành đại” để rồi một ngày nào đó truyền thông thế giới sẽ nhắc nhiều đến người Việt Nam giống như cách họ nói về người Nhật. Cả Internet đều “wow” trước hành động nhặt rác của cổ động viên Nhật Bản tại World Cup 2018, như cách nhiều tờ báo trên thế giới đưa tin.
Tài khoản P.U.N trên Facebook thắc mắc: “Liệu đây có phải chỉ là làm để... biểu diễn theo phong trào chứ chưa phải là một nét văn hóa như người Nhật. Nếu mà việc này trong nước trở thành thường xuyên thì tốt biết bao!”.
Có những bình luận so sánh đầy tiêu cực, kiểu như “người Nhật nổi tiếng nhặt rác, còn người Việt Nam nổi tiếng xả rác”. Tất nhiên, không thể chấp nhận kiểu vơ đũa cả nắm như thế. Nhưng điều này cũng khiến nhiều người trong chúng ta băn khoăn với suy nghĩ… hơi khác.
Đặc biệt, có những nhóm người không “đồng ý” với hành động nhặt rác, với lý do rất thuyết phục. Chẳng hạn như tài khoản H.Lê trên Facebook nêu rõ: “Rác ai người ấy giữ đem ra ngoài khi về thì việc gì phải dọn?”
Chị Nguyễn Thị Hà Mai cho biết: “Không xả rác thì sẽ không phải dọn rác, chưa kể đến việc, để dọn rác, có thể sẽ phải sử dụng găng tay nilon hay cao su dùng một lần. Thế là lại tăng thêm lượng rác không phân hủy được ra môi trường. Đừng thấy dọn rác là đẹp là vui, việc phải dọn rác càng nhiều, chứng tỏ việc kém ý thức trong sử dụng đồ cải thiện cho môi trường và rác thải ra càng lớn”.
“Xả rác rồi dọn, mà không nhìn ra đằng sau đó là xử lý rác như thế nào. Có dọn đi đâu thì vẫn nguyên từng đó khối lượng rác”, chị Hà Mai nói thêm.
Sẽ là một bức tranh đẹp hơn nếu chúng ta không phải nhìn thấy rác khắp khán đài, không phải chứng kiến cảnh cổ động viên... động viên nhau nhặt rác để giữ gìn hình ảnh trong mắt bạn bè quốc tế!
Mong một ngày nào đó truyền thông thế giới sẽ thốt lên: Cả Internet đều "wow" trước một khán đài không có bóng... rác thải của sân vận động Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.