Về xứ Quảng ăn mì Quảng APEC

Quang Viên
Quang Viên
25/08/2018 13:09 GMT+7

Mới sáng sớm, vừa đặt chân xuống TP.Tam Kỳ, ông bạn giọng Quảng “đặc sệt” nói: “Dề Quảng Nôm phải lồm một tô mì Quảng APEC cho nhớ đời”. Rứa là tui gật đầu cái rụp.

Nhưng tôi thắc mắc, mì Quảng phục vụ APEC 2017 là mì Quảng Giao Thủy ở Đà Nẵng mà, ông bạn giải thích: Ở Tam Kỳ cũng có mì Quảng “gia truyền” chính hiệu Giao Thủy, nằm trên đường Tôn Đức Thắng, P.An Sơn. Dưới bảng hiệu Mì Quảng Giao Thủy là dòng chữ “Thương hiệu phục vụ đại tiệc APEC” đầy tự hào.
Chủ quán là chàng trai trẻ Phan Quang Thông 30 tuổi. Anh chính là con rể ông Tào Viết Mười, chủ quán Mì Quảng Giao Thủy tại TP.Đà Nẵng được chọn phục vụ APEC 2017. Thông cho biết, quán mì Quảng của anh lấy “y sì” công thức chế biến gia truyền của ông già vợ.
Trong thời gian diễn ra APEC 2017, ông già vợ huy động cả chàng rể chung sức phục vụ 1.300 tô mì Quảng. “Yêu cầu của đơn vị tổ chức buổi tiệc mì Quảng đưa ra là 1.300 tô mì đều là mì gà đã rút xương, không da, được chế biến đúng hương vị mì Quảng chuẩn nhất. Chuẩn bị cho bữa đại tiệc mì Quảng có một không hai này, ông già vợ đã mua 160 con gà ở quê có đóng dấu kiểm dịch, 20 kg bắp chuối xắt, 5 kg rau húng và 2 tạ… mì”, anh Thông tiết lộ thêm.
Quán Mì Quảng Giao Thủy ở Tam Kỳ có nhiều loại mì như mì gà ta, lươn đồng, cá lóc, ếch, gà trứng, thập cẩm… Nhưng có lẽ, món mì gà và mì lươn được nhiều thực khách chọn lựa hơn cả. Quả thật, món mì gà mà tôi chọn để trải nghiệm ở đây không hổ danh là món phục vụ đại tiệc APEC.
Phần nước nhưn đậm đà, ngọt “lừ đừ” được ninh từ xương heo và xương gà. Thêm đũa rau sống vào, nặn chút chanh, pha tí tẹo chút nước mắm tỏi ớt ngon, bẻ thêm miếng bánh tráng gạo thơm phức vào trộn đều, rồi “điều khiển” bản hợp tấu này “nhập khẩu”, sau đó cắn cái rốp quả ớt xanh thì nói theo kiểu người Quảng là “quá đã”!
Chàng chủ quán trẻ chia sẻ: Để có một tô mì ngon trước hết sợi phải làm từ loại gạo mới ngon và được tráng thủ công. Gà ta “đi bộ” được đặt hàng từ vùng quê. Các loại rau dùng mì như bắp chuối, chuối cây, rau cải, rau húng cũng được trồng theo cách rất truyền thống, không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Trong khi đó, những nguyên liệu và gia vị khác làm nên hồn vía của tô mì Quảng như dầu phụng, đậu phụng rang, củ nén, nghệ thì không thể thiếu.
Nói về mì Quảng Giao Thủy không thể bỏ qua món mì lươn. Thật ra, mì lươn mới là loại mì có “thâm niên” và đặc sắc nhất của Giao Thủy từ gần 30 năm nay. Lươn dùng cho mì là loại lươn đồng thịt chắc nịch, béo ngậy. Dù cũng đã lưng lửng bụng, nhưng tôi quyết định “đá thêm hiệp phụ” với món mì lươn. Quả là “ăn mát môi, trôi mát cổ”. Sướng bụng hơn nữa khi vị chi cho 2 tô mì chỉ có 50.000 đồng.
Mì Quảng Giao Thủy xưa nay quen mặt đắt hàng với người dân xứ Quảng không cần phải bàn cãi rồi. Nhưng, sau APEC 2017, nó nổi tiếng khắp cả nước. Thông khoe với tôi, vừa rồi mới gửi bằng đường hàng không ra Hà Nội 60 tô. Anh còn bật mí, mì Quảng Giao Thủy mỗi tuần ít nhất một lần “bay” ra Hà Nội theo đơn đặt hàng riêng. Chợt nhớ câu thơ “Bởi lòng đã trót đa mang/Ăn tô mì Quảng nhớ làng, nhớ quê”…
Mì Quảng Giao Thủy do ông Tào Viết Mười khai sinh cách đây gần 30 năm tại vùng quê Duy Hòa, Duy Xuyên, Quảng Nam. Năm 2008, ông Mười ra Đà Nẵng mở quán tại số 1B Ba Đình, Q.Hải Châu. Cả năm người con của ông đều bán mì Quảng với thương hiệu mì Quảng Giao Thủy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.