Việt Nam mới tìm được quần thể Voọc mông trắng cực kỳ nguy cấp

24/08/2016 19:32 GMT+7

Quần thể lớn thứ hai trên thế giới của Voọc mông trắng, cực kỳ nguy cấp, mới được Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (FFI) tìm thấy tại Việt Nam.

Theo những thông tin về Voọc mông trắng ở khu rừng một thời còn nguyên vẹn ở miền Bắc Việt Nam, các cán bộ khoa học của FFI đã tiến hành điều tra thực địa nhằm xác minh sự tồn tại của loài này trong khu vực.
“Cuộc điều tra của chúng tôi đã ghi nhận một quần thể có số lượng đáng kể. Chúng tôi ghi nhận bảy đàn với tổng số 40 cá thể. Hiện nay chỉ có một khu vực khác có quần thể Voọc mông trắng lớn hơn”, cố vấn kỹ thuật về đa dạng sinh học của FFI Việt Nam, ông Trịnh Đình Hoàng, cho biết.
Voọc mông trắng là loài đặc biệt chỉ có tại Việt Nam. Theo FFI, những hoạt động của con người như săn bắn, khai thác gỗ, khai thác đá, đốt than, loài này đang bị đe doạ tuyệt chủng với số lượng còn lại dưới 250 cá thể. Mặc dù bị đe doạ xoá sổ trong vòng một thập kỷ, tuy nhiên, với phát hiện mới này sẽ là cơ sở để giải cứu loài này thoát khỏi sự tuyệt chủng.
Ông Hoàng thông tin thêm: “Kết quả điều tra này là một tin tốt cho loài voọc này và cho cả Việt Nam. Chúng tôi đã nghi nhận các đàn có con mới đẻ và con nhỏ, điều này có nghĩa là các đàn vẫn đang có khả năng sinh sản. Nếu được bảo vệ tốt, quần thể voọc có thể được phục hồi và phát triển”.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Benjamin Rawson, Giám đốc FFI Việt Nam cũng đã cảnh báo cần có những hành động khẩn cấp ngăn chặn những hoạt động tiêu cực như săn bắn và khai thác đá, để bảo vệ loài linh trưởng quý giá này và sinh cảnh của chúng. Thông tin về từ Hội nghị Linh trưởng quốc tế tại Chicago, ông cho biết: “Chúng tôi đã thông báo tới các cơ quan hữu quan ở Việt Nam về kết quả điều tra và kiến nghị, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cán bộ và cộng đồng địa phương nhằm đảm bảo rằng Voọc mông trắng không trở thành loài linh trưởng bị tuyệt chủng trong thế kỷ này.”
Thông tin về Voọc mông trắng
Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) là loài linh trưởng chỉ có ở Việt Nam, được ông n Théodore Delacour phát hiện năm 1903 và được Wilfred Hudson Osgood mô tả năm 1932. Đầu những năm 1990, một đợt điều tra rộng đã nghi nhận 19 quần thể với tổng số 50-57 đàn và 281-317 cá thể trong phạm vi khoảng 5.000 km2 ở miền Bắc Việt Nam. Các cuộc điều tra gần đây chỉ ra rằng loài này đã bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng quần thể và cá thế. Trong hơn một thập kỷ vừa qua, 8-9 tiểu quần thể đã bị diệt vong.
Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoạng dã quốc tế (FFI) và FFI Việt Nam:
FFI hoạt động tập trung vào bảo tồn các loài bị đe dọa tuyệt chủng và hệ sinh thái trên toàn cầu dựa trên các giải pháp bền vững, có cơ sở khoa học và tính đến nhu cầu của con người. FFI có dự án tại 40 nước trên khắp thế giới, bảo vệ các loài khỏi nạn tuyệt chủng và ngăn chặn việc phá hủy môi trường sống, đồng thời cải thiện sinh kế của người dân địa phương. Được thành lập vào năm 1903, FFI là một trong những tổ chức bảo tồn lâu đời nhất trên thế giới. FFI Việt Nam bắt đầu hoạt động năm 1997 và tập trung chủ yếu vào bảo tồn các loài linh trưởng bị đe doạ và sinh cảnh của chúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.