Vĩnh biệt nhà báo Chánh Trinh: Đam mê nghề báo như anh

03/03/2005 23:02 GMT+7

Nhà báo Chánh Trinh - tức Lý Quí Chung - đã lên đường về cõi Mãi Mãi. Nếu cõi ấy cũng có báo chí, có nghề báo, tôi tin anh lại mê mải ngồi trước trang giấy trắng và chiếc bút máy.

Đồng nghiệp của anh ở Báo Lao Động ngày nào nói với tôi là Chánh Trinh mặc dù rành vi tính nhưng anh chỉ thích viết tay, và viết rất nhanh. Tôi cũng đã có lúc chứng kiến anh viết tay những bài bình luận bóng đá vào khoảng 1 - 2 giờ sáng. Ấy là cái dạo chúng tôi đấu lưng nhau làm tờ tin nhanh World Cup 1998. Chánh Trinh có thể làm báo gần như suốt 24 tiếng đồng hồ một ngày. Chẳng biết anh ngủ lúc nào, nhưng cho tới khi tờ báo đã lên khuôn in, anh vẫn chưa xong việc. Đó là người chỉ với rất ít cộng sự có thể làm cả một tờ báo. Như thế thì quá vất vả và có vẻ không khoa học lắm, nhưng Chánh Trinh là vậy. Anh tham công tiếc việc. Cứ động đến báo chí là anh lại như mê đi. Một ngày Chánh Trinh có thể viết đều đặn dăm bài báo bình luận bóng đá. Anh là người đam mê: mê báo, mê thể thao. Có thể anh cũng mê... phụ nữ đẹp hay thêm vài đam mê "phụ" nào đó nữa, nhưng hai đam mê đầu tiên kia đủ lấy của anh không chỉ thời gian mà còn rất, rất nhiều sức khỏe. Vì mê thể thao kiểu Chánh Trinh cũng tốn sức lắm! Với những môn thể thao anh quen chơi, anh đều tìm hiểu chúng cặn kẽ và trước sau gì anh cũng dùng những hiểu biết và kinh nghiệm của mình cho những bài báo.

Đọc những bài báo của Lý Quí Chung từ ngày còn chiến tranh, nhưng tôi thực sự quen và giao du trong nghề báo với anh qua bút danh Chánh Trinh chỉ khoảng hơn 10 năm nay. Là một cây bút bình luận chính trị sắc sảo của tờ Điện Tín - một tờ báo đối lập nổi tiếng dưới chế độ Sài Gòn cũ, sau giải phóng Chánh Trinh dường như chuyển hẳn sang bình luận thể thao. Và ở lĩnh vực này, anh lại nổi lên như một cây bút bình luận sắc sảo và tài ba. Tôi lại có dịp đọc anh từ Báo Tuổi Trẻ qua Báo Lao Động rồi Báo Thanh Niên,... Ở đâu, những bài viết của Chánh Trinh cũng gây được ấn tượng với tôi. Ngay những lúc anh cực đoan về một nhận định nào đó, anh cũng gây ấn tượng, và buộc tôi phải nghĩ để có thể tán đồng hay bất đồng với anh. Nhà báo, hình như là vậy. Không phải mình cố tình gây chuyện, cố tình "sinh sự" để "sự sinh" như người ta hay nói, nhưng tính cách anh nhà báo là hay lật xuôi lật ngược vấn đề, luôn chiếu vào vấn đề hay đối tượng một cái nhìn đa chiều, đa diện để bản chất vấn đề hay sự việc được phơi bày và bạn đọc tự nhận định khi đọc bài báo. Là một nhà báo có thâm niên hơn 40 năm, Chánh Trinh đã trải qua những vui buồn sướng khổ ân tình bạc bẽo của nghề này, nhưng tôi chẳng thấy lúc nào anh than phiền hay bực bõ với nghề báo. Ngược lại, không chỉ “mình ên" mê làm báo, Chánh Trinh còn rủ rê, khuyến khích nhiều người khác làm báo. Tôi là một người được anh "rủ rê" làm báo thể thao, cụ thể là viết bình luận bóng đá với một nhiệt tình mà tôi không sao từ chối được. Kết quả là nhờ anh mà sau hơn 10 năm, bây giờ tôi cũng đã "kiếm cơm" được bằng nghề bình luận bóng đá. Nhớ hồi World Cup 94, dạo đó tôi chỉ mới mê đọc báo bóng đá và mê xem bóng đá trên ti-vi chứ chưa biết và cũng không nghĩ là mình sẽ viết bình luận bóng đá vào một đêm đẹp trời nào đó, thì chính anh Chánh Trinh đã gọi điện đặt bài tôi viết cho tờ tin nhanh anh đang làm. Tôi quá ngạc nhiên, nhưng cũng liều nhận lời, vì tôi yêu bóng đá. Và chỉ nhờ những khích lệ của anh, những lời khen khá hào phóng của anh mà tôi đâm tự tin dấn vào lĩnh vực mới mẻ này với tôi. Kết quả là tốt đẹp. Tôi mang ơn anh Chánh Trinh vì điều đó. Sau này, có dịp cộng tác với anh qua vài tờ báo, tôi càng thấy ở Chánh Trinh không chỉ khả năng viết báo, mà còn là khả năng "nhen lửa" hay "gây men" cho đồng nghiệp. Làm báo với Chánh Trinh thực sự là một niềm đam mê. Tôi nghĩ, riêng điều này, những nhà báo trẻ mới vào nghề có thể học tập được nhiều ở Chánh Trinh. Không phải bao giờ cuộc đời cũng cư xử một cách thuận buồm xuôi gió với anh, nhưng cho tới những năm cuối cuộc đời không dài của mình, tôi thấy Chánh Trinh vẫn là người hồn nhiên mỗi khi có ai đụng chạm đến niềm đam mê báo chí. Dường như cứ ai "ới" anh làm báo, viết báo là anh sung sướng nhận lời ngay, cứ đặt bài là anh viết ngay. Nhiều khi kết quả chưa hẳn đã vui, thậm chí là buồn, nhưng tôi chưa bao giờ thấy Chánh Trinh nản nghề báo. Dù ai có cho nó là nghề bạc bẽo chăng nữa, thì với Chánh Trinh, được làm báo, viết báo là một niềm hạnh phúc không gì sánh nổi! Lại thức đêm thức hôm, lại gò mình trên trang viết, trên bàn biên tập. Chi chút, cẩn trọng, cố làm đẹp nhất một trang báo tới mức có thể, Chánh Trinh là vậy.

Ba năm trước, căn bệnh quái ác đã một lần quật đổ anh nhưng không tách được anh khỏi bàn viết. Vào Sài Gòn thăm anh, tôi cứ tin anh sẽ qua được. Và anh đã qua, dù thời hạn ấy thật ngặt nghèo. Tôi không biết. Có lẽ nhiều bạn bè anh cũng không biết. Nhưng tôi nghĩ, Chánh Trinh đã biết, nhưng anh giấu chúng tôi, giấu gia đình để mọi người yên tâm là anh vẫn khỏe, vẫn là người có thể viết mỗi ngày dăm ba bài báo thể thao. Cho tới hôm nay... Xin vĩnh biệt anh! Và nếu có kiếp sau hay được tái sinh, tôi tin Chánh Trinh vẫn sẽ chọn nghề báo, vẫn sẽ làm báo, và vẫn sẽ là nhà báo tận tụy, tài năng, đam mê như anh đã từng...

Quảng Ngãi, 3/3/2005

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.