Vợ Việt chồng Tây ở châu Âu về nông thôn tự cách ly phòng dịch Covid-19

16/05/2020 12:21 GMT+7

Vì chung cư ở Copenhagen (Đan Mạch) của cặp vợ Việt chồng Tây có khá nhiều các cụ đã lớn tuổi, sợ lỡ lây bệnh Covid-19 cho họ nên chị Hoàng Oanh cùng chồng đã dọn về ‘summer house’ ở nông thôn để tự cách ly .

Đan Mạch sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, phong tỏa để phòng dịch Covid-19. Trong giai đoạn 3 của kế hoạch tái mở cửa đất nước, bắt đầu từ ngày 8.6, các viện bảo tàng, công viên vui chơi giải trí và rạp chiếu phim sẽ mở cửa trở lại. Ngoài ra, số người tụ tập tối đa ở nơi công cộng sẽ được tăng lên 30 - 50 người thay vì 10 người như trước. 
Trong thời gian cách ly phòng dịch Covid-19, người vợ Việt Nguyễn Thị Hoàng Oanh (37 tuổi, quốc tịch Việt Nam) cùng chồng Tây đã chọn cách về nông thôn vì ở đó rất vắng vẻ.

Về nông thôn tránh dịch

Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu, chị Hoàng Oanh (hiện ở Đan Mạch cùng chồng) liên tục nhận được tin nhắn hỏi thăm của bạn bè ở Việt Nam. Và câu trả lời của chị Hoàng Oanh luôn luôn là rất ổn vì chị tin vào những giải pháp mà Chính phủ Đan Mạch đang thực hiện.
Chị Oanh kể, khi dịch mới bắt đầu chị vẫn đang còn ở Việt Nam nên luôn làm theo những hướng dẫn trong tin nhắn mỗi ngày của Bộ Y tế. Sau đó chị mới sang lại châu Âu cùng chồng thì lại làm theo hướng dẫn rất cụ thể của Thủ tướng Đan Mạch: “Hãy thể hiện sự yêu thương nhau bằng cách tránh xa nhau ra, hãy giúp đất nước bằng cách mặc đồ ngủ và ở nhà xem phim giùm, và hãy bảo vệ người già, yếu bằng cách không đi thăm họ”.

Giờ cao điểm ở thủ đô Đan Mạch rất vắng

Ảnh: Hoàng Oanh

Vậy nên từ khi có lệnh phong tỏa, vợ chồng chị đã dọn về "summer house" (ngôi nhà dùng để nghỉ mát vào mùa hè) ở nông thôn để tự cách ly. “Chung cư tụi mình ở Copenhagen có khá đông các cụ lớn tuổi, lỡ lây bệnh cho họ thì khổ. Chồng mình bảo nếu xui mà dính thì cũng hy vọng sức khỏe của hai đứa sẽ tự vượt qua được, không phải vào bệnh viện để nhường chỗ cho người già và người yếu. Hy vọng tất cả chúng ta đều ổn”, chị Oanh chia sẻ.
Sau 3 tuần ở nông thôn, thấy đất nước đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh, tình hình ổn định, vợ chồng chị mới trở lại Copenhagen để tiếp tục công việc. Đến thủ đô, chị Hoàng Oanh bất ngờ vì thấy chính quyền thành phố đặt biển đi bộ một chiều ở bờ hồ. Điều này có nghĩa là dù đi bộ hay chạy bộ thì người dân cũng đều phải đi một chiều và phải cách xa nhau để người này không đến gần người kia.

Người dân Đan Mạch được ra đường nhưng phải giữ khoảng cách với người khác

Ảnh: Hoàng Oanh

Theo lời chị Hoàng Oanh, dù đang phong tỏa nhưng người dân Đan Mạch vẫn được ra đường miễn đứng cách xa người lạ. Tuy nhiên, đất nước này chỉ có 5,8 triệu dân, nên bình thường đường phố cũng khá vắng vẻ.
“Đan Mạch đóng biên giới từ 11.3, phản ứng khá nhanh so với các nước châu Âu khi có dịch Covid-19 nên nhìn chung đất nước kiểm soát được tình hình. Từ 15.4, học sinh từ mẫu giáo đến tiểu học đã đi học trở lại”, chị Hoàng Oanh cho hay.

Khẩu trang để dành cho bác sĩ

Đan Mạch cũng như nhiều nước châu Âu khác, người dân vốn suy nghĩ khẩu trang chỉ dành cho y bác sĩ hoặc người đang bệnh. Do vậy, dù có sẵn khẩu trang nhưng chị Hoàng Oanh cũng không đeo vì sợ bị kỳ thị. Ở nhà thuốc, người dân cũng không mua được khẩu trang, nhưng nước rửa tay thì mỗi người mua được một chai.

Đan Mạch chỉ có 5,8 triệu dân nên khi chưa phong tỏa đường phố cũng khá vắng

Ảnh: Hoàng Oanh

“Dù không đeo khẩu trang nhưng tôi cũng không lo mấy, vì đặc trưng ở đường phố rất vắng vẻ. Bản tính dân Bắc Âu cũng lạnh lùng, luôn giữ khoảng cách với nhau nên ra đường đi dạo vẫn thấy ổn vì không có đông người ở xung quanh mình”, chị Hoàng Oanh chia sẻ.
Theo quan sát của chị Hoàng Oanh, những ngày đất nước phong tỏa, người dân đều nghiêm túc làm theo hướng dẫn của chính phủ, không ai hoảng loạn. Trời nắng đẹp họ vẫn ra phơi nắng uống bia, mọi người tự ý thức giữ khoảng cách an toàn với nhau.

Cả tháng không gặp gỡ người thân

Chị Nguyễn Vũ Trúc Ly (35 tuổi, quê Cà Mau) - vợ Việt lấy chồng người Đan Mạch và hiện ở TP.Esbjerg cho biết, đã cả tháng qua vợ chồng chị không gặp gỡ người thân, bạn bè theo yêu cầu của nhà nước. Mọi việc thăm hỏi, tiệc tùng đều phải hoãn lại chờ khi hết dịch và cũng không ai có thể trách ai được. Cũng khá buồn nhưng chị xem đây là cơ hội để vợ chồng có nhiều thời gian cho nhau hơn.
Mỗi chiều, chị Ly đều đi bộ quanh khu phố để tập thể dục. Không mua được khẩu trang y tế, chị Ly dùng khẩu trang vải che kín mặt và luôn nhận được vô vàn ánh mắt ngạc nhiên khi đi ra đường.

Ở Esbjerg còn vắng hơn so với ở thủ đô

Ảnh: Trúc Ly

Chị Ly bật cười kia sẻ: “Dù thấy mình khá dị ở nơi này nhưng đeo khẩu trang sẽ làm tôi cảm thấy an tâm hơn. Việc phòng bệnh không có gì là sai cả, người dân ở đây tuy không mang khẩu trang nhưng họ luôn giữ khoảng cách với nhau. Chồng tôi cũng không thể chịu được khi đeo khẩu trang, mỗi lần nhắc anh đeo anh đều nói đeo vào không thở nổi”.
Thông thường, vợ chồng chị Ly sống ở Đức, mỗi ngày, chồng chị chạy xe 90 phút sang Đan Mạch để làm việc. Đợt trước khi có lệnh phong tỏa Đan Mạch, để tiện chăm sóc chồng, chị quyết định sang nhà ở Đan Mạch trong quãng thời gian đóng biên giới này.
“Ở đây những người từng tiếp xúc với người bị nhiễm Covid-19 dù là F1 nhưng cũng không phải đi cách ly tập trung mà được khuyên tự cách ly ở nhà. Khi nào cảm thấy khó thở thì mới gọi y tế hỗ trợ”, vợ Việt kể về điểm khác biệt ở đất nước này với quê nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.