Xe buýt nhanh thành chậm: Phải tìm cho ra nguyên nhân để xử lý

18/12/2016 13:02 GMT+7

Bài viết Xe buýt nhanh thành chậm trên Thanh Niên số phát hành ngày 17.12 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Đủ mọi lý do
Lý giải về việc chậm trễ của dự án xe buýt nhanh, chủ đầu tư có đủ mọi lý do: Nào là phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thủ đô sau khi hợp nhất; Phải điều chỉnh hướng của tuyến cho phù hợp với dự án đường sắt đô thị; Quá trình triển khai thi công gặp rất nhiều khó khăn do mặt đường chật hẹp, mật độ, lưu lượng giao thông lớn, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông, thi công chủ yếu vào ban đêm; Chưa có tiêu chuẩn thiết kế riêng cho loại hình này tại VN…

tin liên quan

Xe buýt nhanh thành chậm
Sau nhiều năm chậm tiến độ, dự án xe buýt nhanh trị giá hơn 1.200 tỉ đồng của Hà Nội chuẩn bị vận hành vào 31.12 tới, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về hiệu quả dự án, cũng như bài học về quy hoạch, kết nối cho các tuyến xe buýt nhanh khác trong tương lai.
Lý do nào đưa ra nghe cũng hợp lý và chủ đầu tư chẳng phải chịu trách nhiệm gì, chỉ có người dân sẽ phải hoàn trả món nợ này trong tương lai mặc dù dự án nhanh đã chắc chắn sẽ không thể nhanh như mục đích ban đầu.
Trần Thanh Phương (Gia Lâm, Hà Nội)
Ngổn ngang quá
Xe buýt nhanh nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội (vay vốn ODA của WB) là cần thiết với tình hình giao thông tại đây và được người dân chờ đợi. Xe buýt nhanh giúp tăng cường năng lực vận chuyển của hệ thống vận tải hành khách công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên trục giao thông huyết mạch của thành phố. Có xe buýt nhanh sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng môi trường của thành phố. Dự án thiết thực như thế lại triển khai quá chậm chạp, trước lúc đưa vào sử dụng mà còn ngổn ngang với bao việc phải làm.
Nguyễn Diệu Thúy (Q.Đống Đa, Hà Nội)
Lỗi do đâu?
Xe buýt nhanh tuy thí điểm lần đầu ở VN nhưng đã được áp dụng khá thành công ở rất nhiều nước trên thế giới. Là phương tiện công cộng với giá chấp nhận được, nhanh, không kẹt xe thì chắc chắn người dân sẽ lựa chọn, dần bỏ xe máy, ô tô để đi xe buýt nhanh. Vậy mà “xe buýt nhanh” như ban đầu giờ chỉ còn là “xe buýt ưu tiên”. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự “chậm” của tiến độ dự án và cả khi đưa vào vận hành này? Không thể có chuyện vay hàng ngàn tỉ đồng để thực hiện dự án đầy tính hấp dẫn đối với người dân nhưng sự thật đến hôm nay còn ngổn ngang như vậy được.
Vũ Minh Thành (Q.9, TP.HCM)
Với sự ngổn ngang của các công trình liên quan của dự án như phản ánh của báo chí thì liệu khi khánh thành xe buýt có chạy được không chứ đừng nói gì đến chạy nhanh. Thiết nghĩ, bên cạnh việc hoàn thiện đưa vào sử dụng dự án được mong đợi này thì Hà Nội cần chú ý phát triển đồng đều chất lượng của vận tải công cộng, kết nối thành mạng lưới để người dân dần bỏ phương tiện cá nhân, sử dụng phương tiện công cộng.
Trần Văn Lời (TP.Long Xuyên, An Giang)
Đây là một dự án do chậm trễ nên gây lãng phí rất lớn. Đó là lãng phí khi các nhà chờ xe buýt được xây dựng xong để đó cho cỏ mọc, xuống cấp nghiêm trọng. Khi chuẩn bị đưa dự án vào vận hành phải sửa chữa, duy tu lại cho hoàn thiện. Ấy là chưa kể những lãng phí khủng khiếp khác khi dự án kéo dài tiến độ, phải gia hạn với quỹ đầu tư, với các cơ quan chức năng... Áp dụng một mô hình mới vào VN nhưng sự vội vàng, nôn nóng đã kéo theo nhiều lãng phí.
Đinh Trúc Ly (Q.8, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.